Tết Việt dùng hàng Việt

Thứ hai, ngày 13/01/2014

Trong những ngày này, không khí mua sắm tết đã và đang “nóng” dần. Qua quan sát thị trường, các mặt hàng phục vụ tết từ rượu bia, bánh, kẹo đến thực phẩm chế biến được bày bán phong phú, bắt mắt. Nguồn gốc xuất xứ nguồn hàng chủ yếu vẫn là hàng sản xuất trong nước, giá cả được niêm yết rõ ràng. Về phía người tiêu dùng, đa số đều chọn mua hàng sản xuất trong nước và luôn tỏ ra cảnh giác với các loại hàng hóa nhập khẩu, nhất là các loại hàng hóa có màu sắc lòe loẹt, nhãn mác không rõ ràng được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Đối với các mặt hàng dạng quà biếu, nếu như trước đây đa số mọi người đều có xu hướng chọn mua hàng ngoại nhập, thì nay xu hướng này đã nghiêng về phía hàng Việt, nhất là các mặt hàng đã được thẩm định qua quá trình tiêu dùng. Mặc dù chưa dám khẳng định người Việt hiện đã quay lưng với hàng hóa ngoại nhập, nhưng vẫn có cơ sở để cho rằng, nhận thức mua sắm và tiêu dùng của người dân đã và đang có sự chuyển biến tích cực theo hướng tăng cường sử dụng hàng Việt. Xét về đối tượng, chọn mua hàng ngoại nhập để làm quà biếu vào các dịp tết chỉ là số ít những người có thu nhập cao hoặc người có quan hệ làm ăn với đối tác theo kiểu “bỏ con tép, bắt con tôm”. Với những đối tượng còn lại thì hàng Việt, nhất là hàng Việt chất lượng cao, vẫn là ưu tiên lựa chọn.

Đối với các mặt hàng dạng tiêu dùng trong gia đình vào dịp tết, có thể khẳng định đa số mọi người đều chọn mua hàng Việt, kể cả những gia đình có thu nhập cao. Quan sát các mặt hàng từ rượu bia, bánh, mứt, thực phẩm chế biến… được sử dụng vào dịp tết tại bất kỳ một gia đình nào từ thành thị đến nông thôn, điều dễ dàng nhận thấy là hàng Việt luôn chiếm ưu thế. Không chỉ vào dịp tết, mà ngay trong tiêu dùng hàng ngày, người dân cũng đã và đang ưu tiên sử dụng hàng Việt theo tinh thần của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động. Có được điều đó là do chất lượng hàng Việt ngày càng tăng, hình thức mẫu mã ngày càng bắt mắt, đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng.

Nói như vậy liệu có quá chủ quan khi vẫn còn đó một lượng lớn hàng hóa nhập lậu hàng ngày ồ ạt tuôn vào Việt Nam theo đường tiểu ngạch hay đơn cử là vụ 10 container hàng nhập lậu vừa bị bắt giữ tại TP.HCM theo đường chính ngạch? Sở dĩ có điều này là do giá cả một số mặt hàng Việt còn cao, thiếu tính cạnh tranh so với hàng ngoại nhập, đặc biệt là các loại hàng hóa được nhập khẩu từ Trung Quốc. Cùng với đó là tâm lý hám lợi của một số người bán, sử dụng hàng nhập khẩu giá rẻ để giả, nhái hàng Việt nhằm đánh lừa người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng nông thôn.

Do vậy, để người Việt sử dụng hàng Việt, cùng với việc tuyên truyền sâu rộng cuộc vận động lớn nói trên, về phía doanh nghiệp, phải có chiến lược hạ giá thành, nâng sức cạnh tranh sản phẩm nhằm chiếm lĩnh thị trường. Đối với các ngành chức năng, bên cạnh đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, cần thường xuyên kiểm tra xuất xứ nguồn hàng trên thị trường, xử phạt nặng những người buôn bán hàng gian, hàng giả nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, đặc biệt là trong dịp tết này.

LÊ QUANG