Tết ta, việc gì phải bỏ?
(BDO) Hàng năm cứ còn khoảng 1 - 2 tháng nữa đến Tết Nguyên đán là mọi người lại… rộ lên chuyện có nên gộp tết Tây, tết ta làm một không?
Thôi thì “phe” nào cũng đưa ra những lập luận rất chắc chắn. Phe kêu bỏ bớt cái tết cổ truyền thì cho rằng ăn tết nghỉ dài ngày quá tốn kém, đi lại vất vả, tai nạn giao thông nhiều… Phía ủng hộ vẫn giữ tết ta cho rằng đó là văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc ta, không nên bỏ đi. Bao nhiêu điều tốt đẹp của tết ta sao phải bỏ để sau này con cháu không biết gì về tết cổ truyền…
Trong dịp gặp gỡ văn nghệ sĩ mới đây, người viết đã đem vấn đề có nên bỏ Tết Nguyên đán không để hỏi nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển. Ông cười: “Tết ta, mắc gì phải bỏ?”.
Và để giải thích cho việc không mắc gì phải bỏ tết ta, nhạc sĩ của các bài hát nổi tiếng: “Thu hát cho người”, “Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài lang”… cho rằng hoàn toàn không nên bỏ tết ta. Bởi, đó là “thời điểm mà chúng ta sống tử tế với nhau!”. Theo nhạc sĩ, quanh năm ai nấy lo làm lụng kiếm sống đầu tắt mặt tối nên ít có điều kiện thăm viếng, hỏi han nhau. Tết là dịp để làm những điều tốt đẹp như thế. Có thể quanh năm chúng ta không thích ai đó, không hợp ai đó trong công việc, trong quan hệ đồng nghiệp, đồng hương… nhưng ngày tết gặp nhau vẫn có thể chào nhau đàng hoàng, tử tế bằng những câu tốt đẹp. Đó cũng là dịp mà người ta có thể… xí xóa những lỗi lầm của nhau trong năm qua. Về góc độ gia đình, đây là dịp đoàn viên, sum họp của một năm. Cuộc sống ngày nay nhiều người xa quê mưu sinh nên ngày tết họ mới có dịp để về thăm gia đình, bản quán.
Giải thích cho việc ngày tết mọi người chuẩn bị thức ăn có vẻ… thừa mứa, quá nhiều so với nhu cầu gây ra lãng phí, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển nhắc lại rằng, dân tộc ta vốn có nền văn minh lúa nước. Những người từ nông thôn, làng xã luôn quan niệm rằng, một khởi đầu tốt đẹp, dư dã mới có được một năm sung túc. Mà ước mơ sung túc, no đủ là điều con người ai cũng hướng tới. Thế nên tất cả món ngon, vật lạ, đặc sản các vùng miền cũng được chuẩn bị đầy đủ nhất trong 3 ngày tết cũng nằm trong quan điểm mong muốn quanh năm được sung túc này.
Một năm có 4 mùa: xuân - hạ - thu - đông. Ngày lập xuân được xem là ngày khởi đầu cho mùa sinh sôi nảy nở, tốt đẹp nhất trong năm. Tết ta còn mang thêm ý nghĩa này bởi gần với tiết lập xuân. Gần đây, còn có thông tin là người Nhật mong muốn khôi phục lại Tết Nguyên đán theo âm lịch với những văn hóa truyền thống tốt đẹp cần lưu truyền, gìn giữ.
Vấn đề còn lại về việc say sưa quá đà, tai nạn giao thông tăng cao, biến tướng của các lễ hội, mê tín dị đoan… là do ý thức người dân. Một khi, chúng ta tổ chức tết, đón tết vui tươi, giản dị, tình cảm, đầm ấm thì Tết Nguyên đán vẫn còn nguyên giá trị!
QUỲNH NHƯ