Tết đoàn viên
Bình Dương là tỉnh phát triển công nghiệp, thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư. Doanh nghiệp nước ngoài “cập bến” Bình Dương cũng đã mang đến nơi này rất nhiều chuyên gia, kỹ thuật viên người nước ngoài. Nhân dịp đầu xuân Mậu Tuất 2018, phóng viên Báo Bình Dương đã gặp những người ấy để nghe họ nói về tết Việt Nam, về tình cảm dành cho quê hương Bình Dương
(BDO)
Ông David Sheng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Sài Gòn trực thuộc Công ty TNHH Hoàn Cầu Việt Nam: Tết Việt giúp tôi hiểu thêm về văn hóa dân tộc Việt Nam
Ông David Sheng (phải) tham gia hoạt động từ thiện, hỗ trợ trao tặng “Mái ấm công đoàn” cho người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn
Tôi đã đi nhiều nước, nhiều nơi ở Đông Nam Á và các nước trên thế giới nhưng không ở đâu tôi có được cảm giác đầm ấm, hạnh phúc, con người hiền hòa, thân thiện và một cuộc sống thanh bình như ở Bình Dương nói riêng, Việt Nam nói chung. Con người, cảnh vật nơi đây làm tôi có cảm giác như mình đang ở nhà vậy. Đặc biệt, những ngày giáp Tết Nguyên đán nghỉ làm, tôi thường đi tìm hiểu xem mọi người làm gì để đón tết. Điều làm tôi thích nhất chính là không khí náo nhiệt, ồn ào của đường phố vào những ngày trước tết. Mọi người mua hoa quả, cây kiểng và nhiều thứ khác để trang trí nhà cửa. Đường sá đông đúc, chợ cũng vậy. Những người bán cây cảnh tràn ngập phố đi bộ Bạch Đằng. Tất cả mọi người vội vã làm cho xong công việc của mình để còn nhanh chóng trở về nhà đoàn tụ với gia đình. Tôi thấy rất vui và rất thích tận hưởng điều đó.
Đây là năm thứ 3 tôi đón tết cổ truyền của Việt Nam ở Bình Dương. Năm trước, tôi uống champagne cùng vài người bạn trong công ty vào thời khắc giao thừa và không quên chuẩn bị phong bao lì xì trong những ngày đầu năm mới. Một vài đồng nghiệp người Bình Dương còn mời tôi về nhà đón tết cùng gia đình. Bữa tối thịnh soạn với bánh tét, khổ qua hầm, nồi thịt kho, bì cuốn… rất thân mật, ấm cúng. Tôi cũng nhận lời mời đi du xuân ở vườn cây ăn trái Lái Thiêu, nghe đờn ca tài tử của người dân Nam bộ, hoặc thăm các nghệ nhân làm gốm sứ, sơn mài Tương Bình Hiệp. Sau đó tôi còn học viết thư pháp, nhảy sạp, hát bài “Trống cơm” và học nói những câu thông dụng của người Việt Nam.
Cô Karen Hamilton Nguyễn: Người Việt giữ được bản sắc văn hóa dân tộc
Được sống trên đất Mỹ là một giấc mơ của rất nhiều người, nhưng với cô Karen Hamilton Nguyễn, đến giờ này cô vẫn thấy việc chọn Việt Nam làm quê hương thứ hai là một quyết định đúng đắn.
Cô Karen Hamilton Nguyễn (thứ hai từ phải sang) cùng chồng và các con trong một kỳ nghỉ hè
Năm 1994, vượt nửa vòng trái đất, cô đến TP.Hồ Chí Minh dạy tiếng Anh tại trường Đại học Mở bán công TP.Hồ Chí Minh. Chọn Việt Nam làm nơi an cư, cô quyết tâm học tiếng Việt. Chỉ qua 4 tháng, cô đã tự tin giao tiếp với người Việt Nam. Và như một cơ duyên, trong những năm tháng sống ở TP.Hồ Chí Minh, tình yêu giữa cô giáo người Mỹ với một công dân Việt Nam đã nảy nở, đơm hoa kết trái, 5 đứa con của cô lần lượt ra đời. Vài năm sau, cô Karen Hamilton Nguyễn đến công tác tại trường Đại học Bình Dương, hiện tại cô là Giám đốc phòng hợp tác quốc tế của nhà trường.
Sống trên đất nước Việt Nam, cô đã học ở mẹ chồng và em chồng cách nấu các món ăn Việt để chăm sóc cho những người thân yêu. Vào dịp xuân về cô cũng tập gói bánh chưng, bánh tét, để cảm nhận trọn vẹn phong vị của ngày tết. Nhiều năm được đón tết cổ truyền của dân tộc ta, cô đã thấy được sự ấm áp khi cả gia đình cùng sum họp, quay quần bên nhau và cùng nhau xây dựng gia đình càng thêm đầm ấm, hạnh phúc. Cô Karen Hamilton Nguyễn tâm sự, dù đất nước Việt Nam đang trong thời kỳ hội nhập, nhưng người Việt vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là vào dịp tết cổ truyền. Với cô, đây còn là một đất nước lý tưởng bởi sự thanh bình, cuộc sống ổn định, con người thân thiện, mến khách, luôn giang rộng vòng tay chào đón bạn bè năm châu…
Wataru Morinaka: Thiêng liêng tết Việt
Wataru Morinaka với công việc tại Salon tóc Karin
Đến Bình Dương làm việc từ năm 2014, anh Wataru Morinaka - Quản lý Salon tóc Karin trên đường 30-4, phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một rất ấn tượng với không khí tết ở Bình Dương. Lúc mới đến đây làm việc, xung quanh còn ít cửa tiệm nên Morinaka hơi buồn. Nhưng càng về sau, cửa tiệm và các tòa nhà cũng ngày càng mọc lên nhiều, người nước ngoài sinh sống cũng nhiều nên Morinaka cũng phấn khởi hơn. Vui nhất là những ngày cận tết mọi người đi mua sắm tấp nập, Salon tóc Karin của anh cũng đông đúc khách hơn mọi ngày. Morinaka cho biết: “Vào những ngày đầu năm mới, cửa tiệm được nghỉ, nên tôi có nhiều thời gian đi dạo Bình Dương nhiều hơn. Tôi rất thích không khí mọi người cùng nhau đến Thành phố mới ngắm đường hoa, chụp ảnh và xem văn nghệ. Bởi nhờ có nhiều hoạt động vui xuân như thế này mà những người xa xứ như chúng tôi cảm thấy tết tha hương ấm áp hơn”. Ngoài ra, Morinaka còn rất thích các món ăn truyền thống trong ngày tết của người Việt Nam, đặc biệt là bánh chưng. Bánh có hình vuông, màu xanh và bên trong ẩn chứa nhiều câu chuyện sự tích rất ý nghĩa. “Cùng ăn bánh chưng và cùng trò chuyện với những người bạn Bình Dương, tôi thấy tết cổ truyền của người Việt Nam thật sự rất thiêng liêng và rất ấm cúng”, Morinaka cho biết thêm.
Ông Meguro Minoru, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Yazaki Eds VN (Yev):Năm sau sẽ đón tết tại Bình Dương
Ông Meguro Minoru (người Nhật) đến nhận chức Tổng Giám đốc tại Công ty TNHH Yazaki được gần 2 năm nhưng cán bộ nhân viên, công nhân lao động xem ông như người thân thiết bởi tính cách vui vẻ, hòa đồng của ông.
Ông Meguro tặng quà cho các đội đạt giải nhất hội thi cắm hoa do công ty tổ chức
Xác định công ty hoạt động tốt ngoài đầu tư cơ sở vật chất, quan hệ với đối tác thì người lao động là nhân tố quan trọng. Chính vì vậy, ông tạo mọi điều kiện để công đoàn chăm lo cho người lao động thông qua việc thăm, tặng quà; nâng lương; tổ chức các hoạt động vui chơi bổ ích… Công ty tổ chức bất kỳ hoạt động gì ông Minoru đều nhiệt tình tham gia, hòa vui với nhân viên để Yazaki như một đại gia đình yêu thương, chăm lo lẫn nhau.
Gắn bó với mảnh đất Bình Dương được 2 năm, ông đã được đi nhiều nơi, ăn những món ăn đặc sản. Ông thấy rằng, Bình Dương là tỉnh phát triển, con người nơi đây mến khách, hòa đồng. 2 năm ở Bình Dương điều ông tiếc nhất là chưa được ăn tết trên mảnh đất này để cảm nhận không khí ngày tết. Níu giữ chút hơi xuân ấm áp, cái tết đoàn viên của dân tộc Việt Nam, quê hương Bình Dương đến 29 tháng chạp, ông mới bay về nước với gia đình. Ông tâm sự: “Chưa đón tết tại Việt Nam nhưng ông cảm nhận không khí tết ở đây rất vui. Gần tết, công đoàn chuẩn bị các hoạt động cho công nhân. Công nhân thì háo hức chuẩn bị tinh thần về quê đón tết. Tất cả công nhân trong công ty dù xa nhưng họ vẫn sắp xếp về đoàn tụ cùng gia đình. Cảm nhận điều đó, tôi thấy tết Nguyên đán đúng là tết đoàn viên. Năm sau, tôi sẽ cố gắng sắp xếp để đưa vợ con đến Bình Dương ăn tết.
Ông Chung Yeon Kee (Hàn Quốc): Tôi gắn bó lâu dài với Bình Dương
Những ai từng là thực khách tại nhà hàng bánh pizza trên đại lộ Bình Dương chắc chắn sẽ khó quên hành động ân cần, trọng thị các khách hàng mà ông chủ đối đãi. Đối với bất kỳ thực khách nào, khi rời khỏi nhà hàng đều được ông Chung Yeon Kee, chủ nhà hàng pizza tận tay dắt xe máy từ vỉa hè xuống tận lòng đường để giao cho khách ra về. Chính vì thái độ thân thiện, hết lòng với thực khách như vậy nên nhà hàng pizza do ông Chung Yeon Kee làm chủ và điều hành trực tiếp suốt 14 giờ trong ngày đã ngày càng đông khách, trở thành điểm nhấn thú vị trong danh mục ẩm thực tại Bình Dương.
Ông Chung Yeon Kee cho biết: “Trước khi sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư, tôi là một người hoạt động trong lĩnh vực báo chí xuất bản tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc). TP.Hồ Chí Minh là điểm đầu tiên tôi đến và có gần 2 năm sinh sống, làm việc ở đó trước khi quyết định gắn bó lâu dài với Bình Dương bằng việc mua lại nhà hàng pizza từ một người bạn. Trước đây nhà hàng này hoạt động không hiệu quả, nhưng rất may dưới thời của tôi, được sự giúp đỡ hết mình từ các nhân viên và nhất là sự ủng hộ của khách hàng đã giúp nhà hàng Pizza Inn từng bước phát triển”.
Ông Chung Yeon Kee (trái) trò chuyện cùng người viết
Chia sẻ về những tình cảm với tết cổ truyền của dân tộc Việt, ông Chung Yeon Kee bật mí: “Tết vừa rồi, tôi đã có dịp được nếm trải những món ăn truyền thống của người Việt, cùng với bạn bè đi thăm, tặng quà cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Tôi rất thích phong tục lì xì và những lời chúc tết đầy ý nghĩa của bà con người Việt. Tôi muốn được cưới vợ Việt Nam và xem Bình Dương là quê hương thứ hai của mình”.
NHÓM P.V VHXH