Tết Chol Chnam Thmay của đồng bào Khơ-me ở xã An Bình, Phú Giáo: Để không còn là hoài niệm!
Trong khi đồng bào Khơ-me ở khắp nơi tưng bừng trong lễ hội chào đón năm mới thì những ngày qua ở ấp Nước Vàng, xã An Bình, Phú Giáo lại lặng yên đến lạ thường. Không một tiếng cồng chiêng, không tổ chức lễ hội... hầu như bà con người Khơ-me ở đây đã quên rồi cái tết truyền thống của cha ông!
Tết xưa... nhiều ý nghĩa
Ông Ngưu Bư, một người nắm giữ nhiều nét văn hóa của người Khơ-me trong ấp kể, trước đây, ông cùng bà con sống ở Đồng Phú, Đồng Xoài; đến năm 1959 mới di cư về An Bình, Phú Giáo. Theo ông Ngưu Bư thì dù người Khơ-me miền ngược hay miền xuôi thì ngày Tết Chol Chnam Thmay hoàn toàn giống nhau về ý nghĩa. Tết được tổ chức vào tháng 3 âm lịch hàng năm, mang ý nghĩa chào đón năm mới tốt lành như Tết Nguyên đán của người Kinh. Đây là thời điểm giao mùa giữa mùa khô và mùa mưa. Trước ngày lễ, bà con Khơ-me lo chuẩn bị rất chu đáo, gia đình nào cũng tập trung cho việc ăn ngon, mặc đẹp, tắm nước thơm để rửa sạch những cái không tốt của năm cũ, chào đón may mắn trong năm mới. Nhà nào cũng lo chà gạo, làm bánh, nước sinh hoạt gánh đổ đầy ghè, đầy chum. Mọi người sửa sang bàn thờ phật, trang hoàng nhà cửa...
Ông Kim Thật (trái) bên bộ cồng chiêng duy nhất còn lưu giữTrong 3 ngày tết, họ kéo về chùa tổ chức làm lễ, cúng kiến. Sau đó cùng mang những lễ vật của từng gia đình bày ra cùng ăn uống, nhảy múa, hát ca suốt đêm. Tùy vào kinh tế và lòng thành mà các gia đình đem đến cúng chùa những sản vật khác nhau. Những ngày tết, họ thường tổ chức lồng ghép rất nhiều trò chơi dân gian, đây là dịp để người lớn cùng ngồi lại bên ché rượu cần bàn chuyện làm ăn, giữ gìn hạnh phúc gia đình. Tết cũng là dịp để trai, gái các phum, sóc quen thân, kết đôi... Việc quan trọng nhất trong ngày tết của các gia đình là đưa con em đến chùa để nghe tụng kinh, thuyết pháp. Đó là những lời dạy của phật về điều hay lẽ phải; sống phải có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng, phải biết thương yêu nhau, không làm điều ác, làm hại người khác... Theo ông Ngưu Bư, trước đây ở Đồng Phú cũng có một ngôi chùa Khơ-me bằng gỗ, tuy không lớn nhưng cũng đủ chỗ để bà con ở các nơi như Phước Long, Bù Đăng, Lộc Ninh, Bình Long tìm về sum vầy. Hiện tại khu vực Bình Dương và Bình Phước chỉ có một ngôi chùa Khơ-me duy nhất vừa mới xây không lâu, nằm ở Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh...
Tìm hiểu sâu hơn về ngày tết của người Khơ-me ấp Nước Vàng đang bị mai một, rất nhiều người cho biết nguyên nhân chính là ở đây không có một ngôi chùa của người Khơ-me như những nơi khác. Bởi ngôi chùa không chỉ là nơi để bà con tụ họp ngày tết, mà còn là nơi truyền đạt lối sống lành mạnh, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của người Khơ-me...
Cái tết cổ truyền cuối cùng thực sự có ý nghĩa của đồng bào Khơ-me ấp Nước Vàng đã diễn ra cách đây khoảng 10 năm trước. Ngày đó, khi ông Hai Lầm - một già làng có uy tín với bà con còn sống, hầu như năm nào ông cũng đứng ra tổ chức đón tết cho bà con, tiệc tùng linh đình 3 ngày liền. Ông Hai Lầm có một căn nhà sàn khá lớn, khuôn viên lại rộng nên đến tết, bà con gần xa cứ mang lễ vật tụ về cùng cúng kiến. Ông cũng là người đứng ra thuyết giảng đạo lý cho lớp con trẻ mà không cần phải đến chùa. Có người còn kể, năm nào gia đình ông Hai cũng bỏ ra một số tiền rất lớn, bởi lúc đó kinh tế rất khó khăn nên ông bao ăn rất nhiều gia đình trong dịp tết. Ông quan tâm, chăm chút cho bà con như người thân trong gia đình. Sau ngày ông mất, kinh tế gia đình ông suy sụp, vậy là Tết Chol Chnam Thmay cũng theo chân ông ra đi. Về sau, mạnh ai nấy làm, nên cái tết cổ truyền ở đây cũng vì thế mà “nghèo” dần.
Đời sống của người Khơ-me ở An Bình bây giờ đã khá lên rất nhiều, không còn chạy vay mượn, hay nuôi con heo, vài ba con gà làm vốn để dành đón tết như trước. Không ít người đã có nhà cao cửa rộng, trong tay có vài mẫu cao su đang khai thác, nhưng hầu như họ đã quên rồi cái tết truyền thống của dân tộc Khơ-me. Ngay cả gia đình ông Ngưu Bư, Ngưu Ngọt cũng đơn giản hóa cái tết, không có mâm cao, cỗ đầy, đủ lễ nghi để cúng tổ tiên. Ba ngày tết, khách có ghé nhà thì chạy ra quán mua cái lẩu, dĩa mồi về nhâm nhi... Cũng vì thế mà những câu chúc tết thật hay và ý nghĩa ngày nào giờ chẳng mấy ai còn thuộc. Còn lớp trẻ trong ấp, không ít đứa chẳng hiểu rõ ý nghĩa của từ Chol Chnam Thmay là gì! Lâu lâu, họ cũng tổ chức thuê xe tìm về các chùa ở Sóc Trăng, Lộc Tấn để đón tết, nhưng xem ra mang ý nghĩa du lịch nhiều hơn.
Chỉ còn là hoài niệm?
Đảo xe một vòng từ đầu đến cuối ấp (nơi có hàng trăm đồng bào Khơ-me đang sinh sống) khi chỉ còn đúng 2 ngày nữa là đến lễ hội Chol Chnam Thmay, chúng tôi thấy không khí nơi đây thật bình lặng. Tìm kiếm mỏi mắt, chúng tôi mới phát hiện 2 chiếc váy có hoa văn sặc sỡ được giặt phơi tươm tất bên bãi đất trống cạnh đường lộ, đó là váy của nhà chị Kim Thị Thu. Chị Thu cho biết, một chiếc của mình, chiếc còn lại của người con gái đã đến tuổi trưởng thành. Cứ đến năm mới, chị lại nhớ và đem váy ra giặt ủi, nhưng sau đó lại cất vào tủ, rất ít khi được mặc. Chị giặt váy là để hờ ngày tết những bạn bè thân quen như chị Ngư Thị Dung, Kim Thị Ơn... có rủ đi chùa ở Sóc Trăng, Bình Phước. Sao chị không mặc váy ở nhà mà phải dành đi chùa mới mặc? “Mình đến chùa phải ăn mặc theo phong tục để tỏ lòng thành kính. Bây giờ ở trong ấp không còn ai tổ chức ăn tết như trước, mình có đem váy ra mặc con cái nó cũng không ưa” - chị Thu lắc đầu cười hiền. Ông Kim Thật, người được lưu truyền và cất giữ 6 chiếc cồng chiêng duy nhất của bà con Khơ-me ở đây mỗi khi nhắc đến ngày tết, mắt ông lại nhìn xa xôi, luyến tiếc, bởi rất lâu rồi ông không có dịp để trổ tài. Lâu lâu, ông đem chúng ra lau bụi, ngồi đánh thử một vài cái, rồi lại cất vào tủ. Hôm chúng tôi đến đã cận tết, nhưng ông đang cặm cụi lo cơm đùm gạo bới để vào trông rẫy. Năm nay tuổi ông đã lớn, vì thế mà không bao lâu nữa, chắc những âm vang cồng chiêng của người Khơ-me ấp Nước Vàng cũng sẽ vĩnh viễn theo ông ra đi.
Chia tay bà con Khơ-me ấp Nước Vàng, bên tai chúng tôi vẫn còn văng vẳng tiếng cồng chiêng của ông Kim Thật, nhưng không biết đến bao giờ số cồng chiêng mà ông đang giữ mới có đủ một dàn hợp xướng. Bên cạnh là những đôi trai gái mặc váy quấn đung đưa cùng ca hát, nhảy múa suốt đêm trông thật đẹp và lãng mạn trong tiết trời khô ráo của lễ hội tết Chol Chnam Thmay như lời của ông Ngưu Bư vừa kể...
Ông TRẦN CÔNG QUAN, Phó Chủ tịch UBND xã An Bình, Phú giáo: Tạo điều kiện để bà con dân tộc Khơ-me bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống
Từ năm 1986 đến nay, người Khơ-me tại xã An Bình đã không còn đón Tết Chol Chnam Thmay. Nhằm giúp đồng bào Khơ-me lưu giữ bản sắc văn hóa của dân tộc, lưu giữ cái tết cổ truyền, UBND xã đang làm văn bản trình lên trên để xin cấp đất, kinh phí xây dựng một ngôi chùa Khơ-me. Ngôi chùa được xây dựng sẽ là nơi bà con tụ họp, tuyên truyền lối sống lành mạnh, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước; đồng thời qua đó khơi dậy tinh thần trách nhiệm của đồng bào Khơ-me phải luôn biết cách bảo tồn phát huy nét văn hóa truyền thống của mình. Tuy nhiên, để khôi phục lại tất cả những nét văn hóa truyền thống của người Khơ-me là cực kỳ khó. Bởi chỉ có chính những con người Khơ-me tâm huyết mới thật sự vực dậy được những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, cộng với sự hỗ trợ tích cực từ địa phương, của ngành VH-TT.
QUANG TÁM - THIÊN LÝ