Tết bình dị của ngày xưa
Mỗi dịp tết, mẹ thường may quần áo mới cho 2 anh em. Cả năm đi học, mỗi lần được 10, mẹ lại thưởng cho 500 đồng bỏ lợn, cộng với tiền vốn (mừng tuổi năm trước), cuối năm mổ lợn (nhựa) cũng đủ tiền mua quần áo mới rồi.
Lâu rồi không còn cảm giác mong tết đến nữa, chắc vì lớn rồi, nên cách thể hiện tình cảm cũng thay đổi. Nhớ ngày xưa, trước tết một tháng là bắt đầu đếm từng ngày, mong cho đến tết. Rồi năm nào thiếu, không có ngày 30 thì vẫn tự nhủ 29 nhưng coi như là 30 tết. Và như thế, vẫn có chiều 30 như mọi năm.
Mỗi dịp tết đến, mẹ thường may quần áo mới cho 2 anh em. Cả năm đi học, mỗi lần được 10, mẹ lại thưởng cho 500 đồng bỏ lợn, cộng với tiền vốn (mừng tuổi năm trước), cuối năm mổ lợn (nhựa) cũng đủ tiền mua quần áo mới rồi. Vui lắm vì đó là công sức mình bỏ ra, cày cuốc cả năm.
25 tết, bố đưa hai anh em đi tảo mộ, thắp nén hương tỏ lòng thành kính tổ tiên, thăm mộ chị và mời các cụ về ăn tết cùng với gia đình. Khoảng 28 tết, nhà mình bắt đầu gói bánh chưng, mẹ chuẩn bị đỗ, gạo từ tối hôm trước, sáng ra chỉ việc gói. Bao giờ mẹ cũng gói cho 2 chiếc bánh chưng con để nếm thử khi luộc xong. Ăn bánh chưng ấy thấy rất ngon, vì vừa được luộc xong, vẫn còn thơm mùi lá dong, mùi lạt.
Chiều 30, hai anh em mang mứt tết vào lễ tết ông bà nội và bà ngoại. Quê ngoại và quê nội chỉ cách nhà 200m, nên một buổi chiều có thể đi bộ đến cả 2 quê và trở về nhà luôn.
Ngày đó vẫn còn được đốt pháo, bố chuẩn bị một tràng pháo Bình Đà và hai cây pháo hoa. Đến giao thừa, hai bố con đốt pháo hoa và không quên nhìn sang nhà bên cạnh xem có đẹp bằng nhà mình không. Sau đó là tràng pháo Bình Đà, nổ to, vang rền khắp xóm. Sáng hôm sau, xác pháo vương đầy sân, báo hiệu một năm mới may mắn, bình an.
Ngày mùng một, hai anh em bao giờ cũng dậy thật sớm, háo hức chuẩn bị để vào lễ tết ông, bà. Nhớ năm 92, ông nội tròn 69 tuổi, làm một buổi liên hoan cả gia đình vào ngày mùng một tết, mình đọc tặng ông và mọi người bài thơ: " Nhà em treo ảnh bác Hồ ". Bố mình làm bài thơ theo phong cách Tú Xương:
"Anh em đừng tưởng tết tôi nghèo,
Tiền còn trong két chửa lĩnh tiêu.
Bánh đường tan gói e nồm chảy,
Chè sen hỏi giá vẫn còn kiêu.
Thôi thế thì thôi dành tết khác,
Anh em đừng tưởng tết tôi nghèo..."
Tết của ngày xưa là thế đấy, bình dị nhưng mà nhớ lắm. Để mỗi khi tết đến xuân về, lại có dịp nhớ về tết của ngày xưa.
(Theo VnE)