Teen... học tại chức, tại sao không?

Thứ bảy, ngày 17/09/2011

Giáo dục Việt Nam ngày càng rộng mở vì được Nhà nước khuyến khích đào tạo, ngày càng có nhiều trường, nhiều đơn vị đứng ra để mở trường, mở lớp. Theo đó là nhiều loại hình đào tạo khác nhau để phù hợp với nhiều người, từ đào tạo chính quy, đào tạo từ xa, đào tạo tập trung... và cả đào tạo tại chức - một loại hình đào tạo nâng cao tri thức mà nhiều người vẫn thường gọi là hệ đào tạo không chính quy hay thân thuộc hơn thì còn được gọi là hệ vừa học vừa làm.

Khi mà mọi cánh cửa của đại học (ĐH) khóa chính quy chính thức khép lại cũng là khi mà các bạn sinh viên (SV) “hụt” bắt đầu tìm cơ hội khác cho mình. Có bạn sẽ quyết tâm ôn tập để thi lại vào năm sau nhằm tìm cơ hội mới, lối đi mới để bước vào đời bằng tấm bằng ĐH chính quy. Có bạn sẽ đi học cho mình một cái nghề ở một trường trung cấp hoặc một trung tâm dạy nghề nào đó để phụ giúp gia đình vì kinh tế không cho phép các bạn chờ đợi tới năm sau hoặc có bạn sẽ bắt đầu ngay bây giờ để không mất thời gian chờ đợi, vừa có thể tiết kiệm chi phí cho gia đình lại vừa có thời gian để tìm cho mình một việc làm thêm bằng cách thi vào... lớp tại chức.

 

Học tập để nâng cao kiến thức dù bằng hình thức nào cũng rất cần thiết

Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Bình Dương lâu nay vẫn là một nơi quen thuộc đối với những ai có nhu cầu nâng cao tri thức. Ngoài hoạt động chính của trường là dạy phổ thông và ngoại ngữ tin học thì trường còn liên kết với các trường ĐH trong khu vực để mở các khóa học như Kinh tế đối ngoại (trường ĐH Ngoại thương), Kế toán - kiểm toán (trường ĐH Kinh tế), Luật (trường ĐH luật), Quản lý đất đai (trường ĐH Đà Lạt)... và tất cả đều là hệ tại chức. Tuy nhiên không phải nếu muốn học thì có thể đăng ký một cách dễ dàng vì chỉ tiêu đặt ra có giới hạn và quan trọng hơn là vẫn phải thi đầu vào chứ không xét tuyển. Tùy theo ngành học mà sẽ có các khối thi tương ứng như khối A (toán - lý - hóa), khối C (văn - sử - địa) và khối D (toán - văn - Anh) để chọn lọc ra những sinh viên tốt nhất. Cô Phan Thị Kim Dung (giáo viên chủ nhiệm lớp kinh tế đối ngoại) cho biết số lượng SV theo học lớp tại chức ngày càng trẻ hóa, các bạn ngày nay rất năng động và đều có thể đi làm ngay khi vừa học xong lớp 12 nên các bạn vẫn đủ điều kiện để theo học các lớp tại chức tại trường khi hoàn tất hồ sơ thi tuyển kèm theo giấy xác nhận công tác (đã đi làm). Theo quan sát một lớp học của khóa K26 lớp kinh tế đối ngoại (ĐH Ngoại thương) tại trung tâm thì có đến 90% là các bạn sinh năm 1987 hoặc 1988, số còn lại thì cũng không “già” hơn khi có năm sinh trung bình là 1986. Điều đó cho thấy nhu cầu học và tinh thần mở mang tri thức của các bạn là không chỉ giới hạn dừng lại ở các lớp chính quy dù các bạn còn rất trẻ. Tuy nhiên, nói như thế cũng không hẳn là tất cả các bạn đều là những người “thất bại” trong kỳ thi tuyển sinh hệ chính quy và càng không đúng hơn nữa khi nói các bạn là... “dở” nên mới theo học lớp tại chức.

  

Tố Quyên vui vẻ bên giảng đường tại

chức cùng các bạn trẻ khác

Tiêu biểu như bạn Trương Thị Tố Quyên (1988) bạn vừa là SV tại chức của lớp kinh tế đối ngoại của trường ĐH Ngoại thương, lại vừa là SV cao đẳng kế toán và đang liên thông lên ĐH của trường ĐH Ngân hàng khóa chính quy. Cùng một lúc phải hoàn thành đến 2 khóa học ở 2 trường khác nhau, một chính quy và một không chính quy, qua trao đổi thì bạn cho biết: “Quyên nghĩ đi học là để có kiến thức giúp cho công việc sau này có thể hoàn thành tốt hơn, chứ không phải đi học là để có cái bằng, dù cầm cái bằng trong tay mà kiến thức không có thì cũng sẽ không làm được gì, nên Quyên không quan trọng lắm việc mình học là chính quy hay không chính quy”. Đó là một suy nghĩ hết sức đúng đắn của một bạn trẻ ngày nay như Quyên, khi mà các bạn vẫn còn nặng tư tưởng là đi học để có bằng hơn là có kiến thức. Nói rộng ta, bằng cấp cũng chỉ là một mảnh giấy cứng, nó chứng nhận một con người đã trải qua đào tạo kiến thức ở một lĩnh vực nào đó, để qua đó nói lên rằng con người này có đủ trình độ chuyên môn trong lĩnh vực mà bằng cấp đã nêu, nên cái quan trọng là kiến thức mà họ có được chứ không phải là cái bằng mà họ được cấp - nhưng điều cốt lõi này hình như ngày càng bị quên lãng bởi những người có thẩm quyền.

Nhà ở huyện Bến Cát, bạn Lê Thanh Nhân (1988) phải chạy xe hơn 20km mỗi ngày để đến giảng đường trong 4 năm qua cho khóa học tại chức của mình. Bạn tâm sự, khi biết tin mình đậu 2 trường, bạn cũng rất phân vân không biết nên chọn giữa trường cao đẳng học chính quy hay trường ĐH hệ tại chức. Nhưng rồi bạn nghĩ cái chính của việc đi học là để có kiến thức, để phục vụ cho công việc khi ra trường nên bạn quyết định học ĐH ở ngành kinh tế đối ngoại mà mình yêu thích dù đó chỉ là hệ tại chức. Bạn chia sẻ: “Học tại chức, nhiều khi bạn bè hỏi mình cũng không nói nhiều, chỉ nói qua loa là đang đi học để cho qua chuyện, không phải vì ngại mà vì mình không muốn bạn bè có những đánh giá sai về hệ tại chức khi chưa trải qua là người trong cuộc mà cũng chỉ dừng lại ở mức... nghe đồn”. Thực sự là vậy, trong suy nghĩ của nhiều người cứ thấy ai học tại chức thì cứ huơ đũa cả nắm bằng một câu nói “dốt như chuyên tu, ngu như tại chức” đã luật bất thành văn bấy lâu nay, công bằng mà nói nếu đó là sự thật thì trước mắt phải xem lại đầu tiên là chính những người phát ngôn ra câu nói đó vì các thầy cô dạy tại chức, đó cũng là những thạc sĩ, tiến sĩ được Nhà nước công nhận cùng với kinh nghiệm giảng dạy lâu năm trên giảng đường. Những thầy cô này cũng dạy hệ chính quy, thậm chí còn là những thầy cô chủ chốt của trường được cử đi dạy hệ tại chức, vậy tại sao lại nói những người học tại chức là “dở” khi mà giáo viên giảng dạy, chương trình giảng dạy là như nhau.

Mới đây, trong kỳ họp thứ 17 HĐND TP.Đà Nẵng khóa VII, Sở Nội vụ TP.Đà Nẵng đã có tờ trình về kế hoạch biên chế hành chính sự nghiệp như sau: “Từ năm 2011, TP.Đà Nẵng sẽ không tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào làm việc trong cơ quan Nhà nước” đã gây không ít tranh cãi trong dư luận. Nhưng có lẽ chính những bạn SV tại chức mới là những người đang hoang mang nhất về nội dung này. Đành rằng hệ tại chức từ lâu đã bị “đồn” về những điều không tốt, nhưng đó không phải là tất cả, không phải cứ bất cứ ai theo học tại chức thì đều là những sinh viên học cho... có bằng. Đành rằng việc đưa ra kế hoạch trên nhằm phần nào làm trong sạch bộ máy Nhà nước, tránh việc học giả bằng thật nhưng việc đưa ra văn bản như thế đã phần nào chạm đến lòng tự trọng của những ai theo học lớp tại chức bằng chính kiến thức thật và học thật của họ. Cách tốt nhất thay vào đó là nên đưa ra chính sách thi tuyển đầu vào công chức Nhà nước thì sẽ khả quan và công bằng hơn vì chẳng có gì để bảo đảm rằng những tấm bằng chính quy sẽ làm được việc còn bằng không chính quy thì sẽ không làm được gì.

Một con sâu có thể sẽ làm sầu cả nồi canh, nhưng thay vì đổ bỏ cả một nồi canh đã kỳ công vun đúc thì sao không chọn cách gắp bỏ con sâu đi. Cũng như nền giáo dục của chúng ta, tại sao lại bỏ hẳn những SV tại chức trong bộ máy Nhà nước mà không chọn lọc những SV tại chức tốt nhất qua thi tuyển đầu vào để họ được phục vụ cho đất nước. Chính điều này đã làm cho những bạn SV tại chức và nhất là các bạn trẻ, học bằng chính khả năng và tri thức của mình đang hoang mang ít nhiều về giá trị của tấm bằng sau khi được cấp lại bị xem rẻ đến bất ngờ, trong khi thời gian học tập và nghiên cứu cũng không phải là một ngày một bữa mà có được. Rất mong các nhà chức trách, hữu quan sẽ xem xét lại vấn đề này hoặc sẽ không nhân rộng ở nhiều tỉnh, thành như kế hoạch của TP.Đà Nẵng đưa ra để không còn cảnh phân biệt đối xử giữa những người có học, có tri thức với nhau và cũng để trả lời cho các bạn trẻ rằng việc học tập nâng cao trình độ dân trí bằng con đường nào cũng là cần thiết.

BÙI TRUNG CHÍ