TBT Lê Khả Phiêu - Người củng cố sự lãnh đạo của Đảng trong Quân đội

Thứ năm, ngày 13/08/2020

(BDO)

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thăm nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, ngày 17/7/2017. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (1931-2020) là nhà lãnh đạo xuất sắc, vị tướng lĩnh cấp cao tài năng, dày dạn kinh nghiệm, có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng.

Để góp phần làm rõ hơn những công lao, đồng thời tỏ lòng thành kính thương tiếc nhà lãnh đạo vừa qua đời (7/8/2020),  trân trọng giới thiệu bài viết: “Đồng chí Lê Khả Phiêu - người góp phần củng cố sự lãnh đạo của Đảng trong Quân đội” của Đại tá Trần Tiến Hoạt, nguyên Phó Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.

Sau một quá trình công tác, đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (6/1991), ông Lê Khả Phiêu được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được phân công làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong thời gian giữ cương vị công tác này (1991-1997), ông Lê Khả Phiêu vừa thay mặt Tổng cục Chính trị tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương; đồng thời trực tiếp chỉ đạo cơ quan và các đơn vị toàn quân thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ quan trọng, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng vững mạnh.

Củng cố trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội

Bước vào những năm 90 của thế kỉ XX, công cuộc đổi mới đất nước của nhân dân ta do Đảng khởi xướng và lãnh đạo (từ 1986) đã đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng.

Tuy nhiên, hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô, Đông Âu sụp đổ hoàn toàn đã tác động tiêu cực đến phong trào cách mạng thế giới nói chung và cách mạng Việt Nam nói riêng.

Trong bối cảnh đó, các thế lực thù địch câu kết chặt chẽ, siết chặt bao vây cấm vận, ra sức đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” hòng lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Tâm trạng của nhiều tầng lớp nhân dân và cán bộ, đảng viên lúc này có sự phân vân và lo lắng. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, chiến sỹ trong Quân đội có tư tưởng dao động, giảm sút lòng tin; một số thiếu kiên định, mơ hồ, thậm chí bi quan về công cuộc đổi mới và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Công tác ổn định tốt tư tưởng lúc này được đặc biệt coi trọng và trở nên bức thiết.

Thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, với kinh nghiệm trưởng thành từ người chiến sĩ qua hơn 40 năm quân ngũ, trên cương vị mới được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, ông Lê Khả Phiêu dành công sức, tâm huyết lắng nghe, tìm hiểu, đề ra nhiều biện pháp sát hợp, từ đó chỉ thị cho Đảng ủy các cấp, cơ quan chính trị và cán bộ chính trị trong toàn quân tiến hành tất cả các mặt công tác đảng, công tác chính trị thường xuyên, vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt, vừa đảm bảo xây dựng cơ bản lâu dài về chính trị, tư tưởng và tổ chức trong Quân đội.

Trên cơ sở đó, các cơ quan, cán bộ chính trị toàn quân tập trung nhiệm vụ giáo dục cán bộ, chiến sĩ tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội; kiên định lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; tự hào và kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng đã giành được.

Mặt khác, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, Tổng cục Chính trị cũng đề ra nhiều biện pháp kiên quyết đấu tranh chống chiến lược “diễn biến hòa bình”, làm thất bại những âm mưu và hành động phá hoại của các thế lực thù địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ.

Từ gợi ý và chỉ đạo trực tiếp của ông Lê Khả Phiêu, Tổng cục Chính trị chỉ đạo một số cơ quan, đơn vị nghiên cứu, biên soạn tài liệu theo các chủ đề cơ bản: Vạch trần bản chất và đặc trưng của chiến lược “diễn biến hòa bình;” chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đã tiến hành “diễn biến hòa bình” chống độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; quân đội và nhân dân ta đấu tranh chống chiến lược “diễn biến hòa bình” bảo vệ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Những nội dung nghiên cứu nói trên vừa sát tình hình thực tế đã diễn ra ở Liên Xô và các nước Đông Âu, đang diễn ra ở một số nước xã hội chủ nghĩa khác, trong đó có Việt Nam, vừa trở thành cơ sở lý luận mang tính chiến đấu sắc bén, được Tổng cục Chính trị sử dụng làm tài liệu giáo dục bộ đội toàn quân trong chương trình huấn luyện, cho cả đảng viên và quần chúng.

Ngay trong năm 1994, Tổng cục Chính trị đã cho in 160.000 bản tài liệu gồm các chuyên đề phát hành đến chi bộ đảng toàn quân, dùng làm tài liệu học tập từ trong Đảng ra ngoài quần chúng.

Nhờ đó, ta đã bồi dưỡng nâng cao nhận thức, làm cho cán bộ, đảng viên quán triệt sâu sắc hơn những quan điểm tư tưởng và tư duy lý luận của Đảng về cách mạng xã hội chủ nghĩa nói chung và công cuộc đổi mới toàn diện ở nước ta, làm cơ sở nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục-tư tưởng trong Quân đội, củng cố lập trường kiên định: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Kết quả hoạt động giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng trong toàn quân đã kịp thời giải quyết những băn khoăn, vướng mắc của bộ đội về tâm lý, tư tưởng, củng cố lòng tin, nêu cao ý chí đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong Quân đội

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (6/1991) đã đề ra mục tiêu: xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân với chất lượng cao; xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại với cơ cấu tổ chức và quân số hợp lý; nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, lấy chất lượng chính trị làm chính.

Để đạt mục tiêu đề ra, nghị quyết Đại hội khẳng định: “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội và sự nghiệp quốc phòng, bảo đảm Quân đội luôn luôn là lực lượng trung thành với Tổ quốc, với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân, vững vàng trong mọi tình huống” (Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VII).

Nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, tháng 6/1992, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 03/NQ-TW “Về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng,” coi đây là một trong những biện pháp chiến lược, có ý nghĩa quyết định đến cả sự tồn vong của Đảng.

Giữa lúc đó, dựa vào những khuyết điểm, hạn chế về công tác xây dựng tổ chức trong Đảng bộ Quân đội thời gian trước; đồng thời lợi dụng những khó khăn của ta trong thời gian đầu thực hiện công cuộc đổi mới, các thế lực thù địch ra sức đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” với những âm mưu và thủ đoạn thâm độc, đòi thực hiện hệ thống đa đảng, kêu gọi “phi chính trị hóa Quân đội.”

Trước tình hình đó, ngày 30/12/1991, Tổng cục Chính trị đã ra Chỉ thị số 311/CT về thực hiện công tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang, xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ hoạt động xây dựng Quân đội về chính trị trong năm 1992 và những năm tiếp theo, khẳng định nội dung cơ bản, quan trọng, nhất là tập trung vào việc tăng cường sự lãnh đạo vững chắc của Đảng, xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, trong sạch về tổ chức.

Theo đó, vấn đề thực hiện hiệu quả chủ trương “đổi mới và chỉnh đốn Đảng” trong Đảng bộ toàn quân là ưu tiên hàng đầu. Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lê Khả Phiêu đã chỉ rõ: “Thực hiện nghiêm túc và sáng tạo cuộc vận động đổi mới và chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của từng tổ chức đảng cũng như Đảng bộ Quân đội ngang tầm với nhiệm vụ trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Đổi mới và chỉnh đốn Đảng, trước hết, phải giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, lãnh đạo tập thể đi đôi với phân công phụ trách, bảo đảm bất cứ ở đâu, lúc nào, tổ chức đảng cũng là hạt nhân lãnh đạo chính trị, đảng viên tổ chức hướng dẫn cán bộ, chiến sĩ đem hết nhiệt tình, trách nhiệm, kiến thức, năng lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của đơn vị mình” (Trích trong: Lê Khả Phiêu, Tuyển tập, Tập I, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2015, tr.75).

Trên cơ sở đó, Tổng cục Chính trị vừa chỉ đạo toàn quân thực hiện tốt kế hoạch công tác đảng, công tác chính trị thường xuyên, vừa tập trung chỉ đạo sinh hoạt quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết Trung ương và Quân ủy Trung ương về đổi mới và chỉnh đốn Đảng.

Cuối năm 1992, toàn quân đã hoàn thành đợt tự phê bình và phê bình, từ Đảng ủy quân sự Trung ương xuống tới chi bộ ra nghị quyết đổi mới và chỉnh đốn đảng ở từng cấp.

Kết quả của công tác giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong Quân đội được phản ánh rõ nét tại Đại hội đại biểu Đảng bộ toàn quân lần thứ 6 (từ ngày 6 đến ngày 9/5/1996), tại Hà Nội.

Đại hội nhất trí với Báo cáo chính trị của Quân ủy Trung ương về kết quả lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân thực hiện nhiệm vụ củng cố quốc phòng, xây dựng quân đội trong 5 năm (1991-1995), trong đó khẳng định: “Chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của quân đội được nâng lên một bước toàn diện hơn. Sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp quốc phòng và quân đội tiếp tục được tăng cường.”

Về phương hướng trong thời gian tiếp theo (1996-2000), Đại hội chỉ rõ: “Tập trung sức nâng cao chất lượng tổng hợp sức mạnh chiến đấu và trình độ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang, trước hết là của quân đội nhân dân...; xây dựng hệ thống tổ chức Đảng trong Quân đội vững mạnh về chính trị - tư tưởng và tổ chức, củng cố và tăng cường nguyên tắc lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội” (Trích nghị quyết Đại hội).

Giải quyết tốt chính sách hậu phương Quân đội

Tiếp nối những kết quả đã đạt được, từ năm 1992 đến năm 1997, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Tổng cục Chính trị, cấp ủy và chỉ huy, cơ quan chính trị các đơn vị toàn quân đã dành nhiều công sức tập trung giải quyết tốt chế độ chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội. Đây là vấn đề còn tồn đọng trong chiến tranh, mang tâm lý nhạy cảm, bức thiết trước mắt.

Tổng cục Chính trị tích cực tham mưu, đề xuất với Thường vụ Quân ủy Trung ương báo cáo Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương về xét khen thưởng cho những đối tượng có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Những đề xuất này được Đảng và Nhà nước chấp thuận.

Cụ thể hóa chủ trương khen thưởng của Đảng đối với tập thể và cá nhân có công với cách mạng, trong tháng 8/1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh quy định Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, thể chế hóa về chính sách chăm sóc những người đã cống hiến xương máu và sức lực cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc độc lập, thống nhất qua những chặng đường lịch sử từ khi có Đảng.

Tổng cục Chính trị đóng vai trò trung tâm, đã tích cực phối hợp cùng các ban, ngành ngoài Quân đội tăng cường chỉ đạo việc thu thập hồ sơ, đề nghị xét khen thưởng, tổng hợp các báo cáo của toàn quân, toàn quốc trình Hội đồng Nhà nước.

Ngày 17/12/1994, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho 19.879 mẹ của 53 tỉnh, thành phố.

Về danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân," trong ba năm 1994-1996, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng và truy tặng 3 đợt cho 665 đơn vị và địa phương; phong tặng và truy tặng 134 cá nhân.

Tính từ năm 1991 đến năm 1995, toàn quân đã tìm, cất bốc quy tập mộ liệt sỹ từ các chiến trường về nghĩa trang được gần 35.000 mộ (có gần 4.000 mộ đưa từ nước bạn Lào về Việt Nam); bàn giao cho các tỉnh trông nom quản lý gần 53.000 mộ; xác minh kết luận làm thủ tục báo tử cho hơn 9.000 trường hợp quân nhân mất tích.

Đối với công tác thương binh, đã tổ chức giám định và cấp gần 49.500 giấy chứng nhận bị thương; cấp hơn 900.000 huân, huy chương các loại còn nợ trong chiến tranh.

Đặt trong bối cảnh đất nước còn gặp nhiều khó khăn, những kết quả nêu trên thực sự là cố gắng rất lớn, có ý nghĩa chính trị-xã hội sâu sắc, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và có tác dụng giáo dục lâu dài đối với các thế hệ người Việt Nam về truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần độc lập dân tộc, ý chí cách mạng kiên cường của thế hệ cha anh, đúng như ông Lê Khả Phiêu từng nói: “Công tác đền ơn đáp nghĩa là chủ trương lớn rất đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Mỗi cán bộ, đảng viên từ Trung ương đến cơ sở cần phát huy hết tinh thần, trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn chung tay góp phần xoa dịu những đau thương, mất mát của chiến tranh.”

Những đóng góp quan trọng của ông Lê Khả Phiêu trên cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam trong những năm 1991-1997 trực tiếp góp phần xây dựng Quân đội ngày càng trưởng thành vững mạnh; đồng thời cũng là dấu ấn sâu đậm trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng của cá nhân đồng chí - một người chiến sỹ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tâm huyết, mẫu mực./.

Theo TTXVN