Tây Ninh: Giữ gìn, bảo tồn múa trống Chhay-dăm của đồng bào Khmer
(BDO)
Thanh thiếu niên đồng bào Khmer là tầng lớp kế thừa điệu múa trống Chhay-dăm ở xã Trường Tây
Xã Trường Tây, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh là nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống, đời sống văn hóa tinh thần phong phú, mang nhiều dấu ấn đậm bản sắc dân tộc, thể hiện qua âm hưởng của dàn nhạc ngũ âm, các công trình sinh hoạt cộng đồng…
Đặc biệt, đồng bào Khmer ở xã Trường Tây có điệu múa trống Chhay-dăm độc đáo, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia năm 2014.
Múa trống Chhay-dăm - Điệu múa dân gian độc đáo
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh, múa trống Chhay-dăm là một điệu múa dân gian độc đáo, là loại hình sân khấu đặc biệt, gắn bó mật thiết với đồng bào dân tộc Khmer.
Đây là điệu múa không thể thiếu trong các ngày lễ tết như Chôl Chnăm Thmây, Sene Dolta, Oóc om bok và có thể biểu diễn mọi nơi từ sân khấu, sân chùa hay sân nhà với những động tác thoải mái, lạc quan.
Múa trống Chhay-dăm ở xã Trường Tây khác với múa trống Chhay-dăm của dân tộc Khmer miền Tây Nam Bộ là diễn viên múa trống không cần hóa trang khuôn mặt khi biểu diễn, không cần nhạc đệm. Động tác múa được thể hiện theo nhiều thế võ như xuống tấn, nhào, lộn, đánh trống, song đấu, từng động tác dứt khoát, mạnh mẽ.
Trống Chhay-dăm là loại trống bịt da một mặt, tang trống được làm bằng thân cau già đụt rỗng ruột, mỗi tiết mục múa Chhay-dăm thường có từ 4-6 trống Chhay-dăm, hai cái Cuôl (chiêng) cùng với Chul (chũm chọe) và Krap (gõ sênh).
Để có thể thực hiện các động tác trong bài múa Chhay-dăm, người múa phải có sức khỏe, sự dẻo dai, biết khéo léo kết hợp hài hòa giữa tiết tấu của trống với điệu bộ hình thể. Khi múa, người múa đeo trống trước bụng, thường có những động tác đánh trống, múa trống bằng tay, bằng chân rất điêu luyện.
Múa trống Chhay-dăm có động tác đánh trống, múa trống và múa tay, lúc múa đơn, lúc múa đôi, múa ba, múa tư và cả múa tập thể. Động tác đánh trống gồm những động tác đơn giản như vỗ lên mặt trống hay phức tạp hơn như đánh bằng cùi chỏ, bằng gót chân hoặc bất ngờ đánh vào trống của nhau, rồi vừa múa vừa làm xiếc với trống.
Cái khó nhất của người biểu diễn múa trống chính là gõ và múa kết hợp phải nhịp nhàng, chính xác từ chi tiết nhỏ nhất. Khi đánh trống bằng tay, cùi chỏ, gót chân phải kết hợp với nhào lộn nhưng vẫn phải đảm bảo âm thanh vang, không mất tiếng, đồng thời lúc nhào lộn phải ôm chặt trống vào người tránh để chạm sàn diễn, gây âm thanh lốp cốp, ảnh hưởng đến cảm xúc của người xem.
Truyền dạy cho thế hệ trẻ nhằm bảo tồn Di sản
Thời gian qua, chính quyền xã Trường Tây đã quan tâm, tạo điều kiện để bà con người Khmer ấp Trường An giữ gìn điệu múa trống Chhay-dăm. Địa phương xây dựng Nhà văn hóa Dân tộc Khmer tại ấp Trường An để đồng bào có nơi sinh hoạt và tập luyện; đồng thời tài trợ kinh phí mua trống, trang phục biểu diễn.
Tiếp nối truyền thống của gia đình, chị Cao Thị Thu Loan ở ấp Trường An, xã Trường Tây truyền dạy điệu múa trống Chhay-dăm cho thanh thiếu niên trong xã.
Thời gian tới, để bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa Phi vật thể múa trống Chhay-dăm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khuyến khích công tác truyền dạy, tạo không gian trình diễn Di sản múa trống Chhay-dăm tại các sự kiện trong và ngoài tỉnh, thông qua sự kiện văn hóa cấp khu vực, toàn quốc. Đồng thời tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan đưa loại hình di sản múa trống Chhay-dăm vào phục vụ tại điểm đến du lịch.
Cùng với việc triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng địa phương tu bổ, mua sắm trang thiết bị hoạt động cho Nhà văn hóa dân tộc Khmer để nâng cao chất lượng hoạt động, trong đó có công tác truyền dạy múa trống Chhay-dăm./.
Theo TTXVN