Tật khúc xạ: Cần phát hiện và điều trị kịp thời

Thứ năm, ngày 10/10/2013
Trong các bệnh ảnh hưởng đến mắt mà chúng ta thường gặp nhất đó là tật khúc xạ (TKX). Theo các bác sĩ (BS) chuyên khoa mắt, nếu không được phát hiện và điều trị sớm, các TKX sẽ gây nên biến chứng đáng tiếc cho “cửa sổ tâm hồn”, thậm chí có thể mất thị lực vĩnh viễn…

TKX là từ dùng chung để chỉ các tật liên quan đến mắt, như: cận thị, viễn thị và loạn thị; trong đó cận thị chiếm tỷ lệ khá cao trong cộng đồng. TKX xảy ra hầu hết ở mọi lứa tuổi, nhưng đa phần là gặp ở lứa tuổi học sinh THCS và THPT. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội (TT PCBXH) tỉnh, hiện nay tỷ lệ người mắc TKX học đường trên địa bàn tỉnh chiếm khoảng 10%; trong đó tập trung nhiều nhất ở các khu vực thị trấn, đô thị (vùng thôn quê thì tỷ lệ này thấp hơn).   Một học sinh đang kiểm tra mắt tại khoa Mắt TT PCBXH tỉnh

Theo BS Đinh Thị Hồng Huệ, Trưởng khoa Mắt, TT PCBXH tỉnh, nguyên nhân dẫn đến TKX là do những khói quen xấu, như: tư thế ngồi học không đúng, cúi quá gần sách vở và ánh sáng không đầy đủ. Trong những năm gần đây, TKX có xu hướng tăng lên là do trẻ em sớm được tiếp cận với các trò chơi trên máy vi tính. Do trẻ thường xuyên nhìn vào máy tính ở một khoảng cách gần khiến cho mắt phải điều tiết nhiều, liên tục nên mắt dễ bị tổn thương. Trẻ em bị TKX thường không nhìn rõ các vật ở xa. Khi đi học sẽ không nhìn rõ hoặc hay nhầm lẫn các chữ viết trên bảng; khi xem tivi thường nheo mắt hoặc phải tiến lại gần mới thấy rõ.

BS Huệ cho rằng, người mắc TKX sẽ gặp một số rắc rối trong cuộc sống và sức khỏe. Khi mắc TKX chất lượng cuộc sống sẽ giảm đáng kể do tầm nhìn hạn chế và sự thú vị trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày cũng giảm đi. Vì thế, người bị TKX cần được phát hiện sớm để đeo kính đúng độ nhằm tránh tình trạng nhược thị (là tình trạng mắt không nhìn thấy rõ khi đã được đeo kính đúng, dù không có bệnh lý nào khác ở mắt). Khi bị rách và bong võng mạc phải được điều trị kịp thời nếu không sẽ mất thị lực vĩnh viễn. Đối với các em học sinh, nếu phát hiện mình nhìn chữ trên bảng không rõ hoặc qua kiểm tra có thị lực dưới 5/10 cần đi khám chuyên khoa mắt để được đo và làm kính đúng độ.

TKX thường gặp ở lứa tuổi học sinh, nên đề phòng TKX cho trẻ, BS Huệ khuyến cáo rằng: Bàn học phải được thiết kế vừa với kích thước cơ thể trẻ; khi đọc sách nên để khoảng cách từ mắt đến sách trong khoảng 30 - 40cm là tốt nhất; phòng học cần có đầy đủ ánh sáng; không đọc sách trong bóng tối; không nên làm việc bằng mắt liên tục kéo dài dưới ánh sáng nhân tạo, mỗi giờ nên cho mắt nghỉ ngơi, thư giãn từ 5 - 10 phút.

 HỒNG THUẬN