Tất cả vì tương lai trẻ thơ
(BDO) Trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (TE) trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ TE suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi giảm; các điểm vui chơi cho TE ở xã, phường, thị trấn được nâng lên; TE khuyết tật ngày càng được chăm lo tốt hơn… Để đạt được kết quả trên, ngoài sự quan tâm của các cấp, các ngành thì phải kể đến vai trò đội ngũ cán bộ, cộng tác viên (CTV) phụ trách công tác bảo vệ chăm sóc TE.
Để mọi TE khó khăn được giúp đỡ
Hình ảnh con em lao động khó khăn, con hộ nghèo trong tỉnh vui vẻ khi được nhận những phần quà ý nghĩa đầu năm học mới, hay ngày Quốc tế thiếu nhi do cán bộ TE cơ sở, cùng đoàn thể vận động các nhà hảo tâm trao tặng thật cảm động. Cũng nhờ sự quan tâm, rà soát danh sách kỹ càng, cán bộ TE đã sàng lọc, chọn trao tặng đúng đối tượng. Để làm được điều đó, ngoài thời gian làm báo cáo, các anh, chị cán bộ phụ trách TE cơ sở còn cùng với CTV TE khu phố, ấp đến từng nhà để khảo sát, nắm bắt những trường hợp khó khăn. Có nhiều trường hợp cán bộ TE phải đến vào buổi trưa, hoặc tối gặp được phụ huynh để nắm thông tin. Rà soát xong những trường hợp này, những người làm công tác TE cấp cơ sở tiếp tục vận động nhà hảo tâm trong, ngoài địa phương giúp đỡ. Nhiều trường hợp, quà được nhà hảo tâm trao tặng là hiện vật như quần áo, tập sách, giày dép… nên chính cán bộ TE phải chở về tập kết tại văn phòng để chờ ngày trao tặng cho các em. Công việc của cán bộ TE rất nhiều nhưng qua những lần tiếp xúc với cán bộ TE cấp xã, họ đều khẳng định mệt nhưng vui. Họ vui bởi thấy được sự quan tâm của mọi người dành cho trẻ và hạnh phúc khi nghe tiếng cười trẻ thơ.
Con em lao động khó khăn phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một được trao tặng quà từ nguồn vận động của cán bộ TE phường
Không chỉ vận động để trao tặng những phần quà, cán bộ TE còn vận động nhà hảo tâm cùng gia đình chữa bệnh cho trẻ. Trường hợp bé Nguyễn Ngọc Yến N. (17 tháng tuổi, phường Định Hòa, TP.Thủ Dầu Một) là một điển hình. Ban đầu khám bác sĩ phát hiện bé bị bệnh tim, gia đình và cán bộ TE phường đã lên danh sách để được phẫu thuật tim miễn phí. Xong phần tim, bé lại bị viêm phổi, sau đó phát hiện bị hẹp động mạch chủ, thông liên thất. Gia đình không đủ điều kiện để đưa con đi điều trị bệnh. Lúc này, chị Nguyễn Thị Ngân, cán bộ TE phường đã kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ để chữa bệnh cho bé...
Ngoài nắm danh sách, vận động tặng quà, khám bệnh miễn phí cho trẻ, cán bộ TE còn phụ trách việc bảo vệ trẻ trước bạo hành gia đình, xâm hại tình dục, tai nạn thương tích… Chính vì vậy, cán bộ TE phải lên kế hoạch tập huấn cho người chăm sóc trẻ, phụ huynh và chính các em để biết cách chăm sóc, tự phòng ngừa.
Nâng cao năng lực
Theo thống kê năm 2017, toàn tỉnh có gần 375.000 TE từ 0 đến 6 tuổi, chiếm 18,75% dân số toàn tỉnh, trẻ dưới 6 tuổi chiếm 8,2% dân số toàn tỉnh. Tổng số TE có hoàn cảnh đặc biệt chiếm tỷ lệ 0,91% trên tổng số trẻ toàn tỉnh. Với số lượng TE đông không chỉ là dân địa phương mà còn con em công nhân lao động các tỉnh đến Bình Dương làm việc, do đó tỉnh đã bố trí cán bộ phụ trách TE 91/91 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Phía các khu phố, ấp có 586 CTV TE.
Để công tác bảo vệ, chăm sóc TE đạt kết quả tốt thì vai trò của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên phụ trách là rất quan trọng. Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) luôn chú trọng nâng cao năng lực cho cán bộ, CTV phụ trách công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em (BVCSTE) ở cơ sở. Hàng năm, Sở LĐ-TB&XH thường xuyên mở các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, CTV làm công tác chăm sóc TE ở cơ sở. Tại buổi tập huấn, ngoài kiến thức được tìm hiểu, CTV còn được thảo luận những vấn đề liên quan trong lĩnh vực công tác chăm sóc, bảo vệ quyền lợi TE như: TE Việt Nam có những quyền lợi gì, các quyền của trẻ được thể hiện ở các văn bản pháp luật nào... Thông qua đó, các cán bộ, CTV làm công tác BVCSTE hiểu rõ hơn về những quyền lợi của TE theo quy định của luật pháp, từ đó thực hiện tốt những vấn đề liên quan đến quyền lợi TE. Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức tập huấn cấp tỉnh triển khai phần mềm theo dõi, quản lý TE trên hệ thống quản lý dữ liệu dân cư về TE cho đội ngũ cán bộ TE cấp tỉnh, cấp huyện; tổ chức tập huấn hướng dẫn điều tra, thu thập thông tin TE dưới 16 tuổi trên địa bàn toàn tỉnh cho cán bộ TE cấp huyện, xã và mạng lưới CTV khu phố, ấp.
“Những năm gần đây, đội ngũ làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục TE đa phần là kiêm nhiệm nên còn hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là ở cấp phường, xã. Việc tổ chức các lớp tập huấn được xem là giải pháp hay để từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, CTV, góp phần thực hiện tốt công tác BVCSTE trên địa bàn tỉnh. Sở cũng sẽ nghiên cứu mở thêm các lớp tập huấn để qua đó cán bộ TE nắm bắt luật, những quy định để chăm sóc tốt hơn cho TE”.
(Bà NGUYỄN NGỌC HẰNG, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH)
TỐ TÂM