Tập trung tuyên truyền tiện ích dịch vụ công trực tuyến

Thứ sáu, ngày 07/01/2022

(BDO) Bình Dương luôn xem công tác cải cách hành chính (CCHC), cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là một trong những nhiệm vụ cấp thiết để thực hiện mục tiêu xây dựng nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hóa và hoạt động có hiệu quả. Mới đây, tỉnh đã tổ chức lễ công bố danh mục dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, mức độ 4 và triển khai thực hiện 100% DVCTT trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tập trung tuyên truyền tiện ích DVCTT.

Năm 2021, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành thường xuyên rà soát, cập nhật TTHC sửa đổi, bổ sung và ban hành mới vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, nhất là các TTHC liên quan đến hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19. UBND tỉnh đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm 100% TTHC có đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 kể từ ngày 1-1- 2022. Trong năm 2022, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng của tỉnh tạo điều kiện, cơ sở để tăng tốc chuyển đổi số trong giai đoạn mới.

Tập huấn, tư vấn, hướng dẫn việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường mạng là việc làm cần thiết trong giai đoạn chuyển đổi số. Trong ảnh: Đội ngũ tình nguyện hướng dẫn cách thức trải nghiệm làm hồ sơ trực tuyến

Một trong những nội dung được quan tâm nhất hiện nay đó là việc tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức (CBCC), người dân, doanh nghiệp về các tiện ích của DVCTT. UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương hướng dẫn và cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho người dân; hướng dẫn thủ tục, giải quyết kịp thời các vướng mắc, phản ánh, kiến nghị của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giám sát, phản ánh, tham gia xây dựng nâng cao chất lượng các DVCTT hiện nay. Đây là yếu tố quan trọng nhằm chuyển đổi số và ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, gắn với xây dựng Thành phố thông minh Bình Dương.

UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải thay đổi cách tiếp cận ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ để thực hiện cung cấp dữ liệu cho các hệ thống của tỉnh nhằm phục vụ tốt hơn trong việc cung ứng DVCTT. Cùng với đó là thực hiện tốt việc đầu tư các trang thiết bị, tổ chức tư vấn, hỗ trợ, giải đáp thắc mắc trực tiếp tại các bộ phận một cửa các cấp và trực tuyến thông qua Tổng đài 1022, trợ ký ảo và các kênh truyền thông trực quan, mạng xã hội. Cùng với đó, yêu cầu tập trung tổ chức các đội hình tình nguyện viên là giáo viên, sinh viên, học sinh và đoàn viên, hội viên để hướng dẫn, hỗ trợ người dân mở tài khoản đăng ký DVCTT và tạo thói quen thực hiện DVCTT trong nhân dân, nhất là trong giai đoạn hiện nay, người dân chưa có thói quen sử dụng và không am hiểu về công nghệ thông tin.

Trong thực tế, người dân biết và thực hiện các thủ tục mức độ 3, mức độ 4 chưa nhiều. Đây là cái khó chung trong việc tạo thói quen mới để người dân thực hiện TTHC trên nền tảng số. Ông Đoàn Tấn Dũng, Chánh Văn phòng UBND, Trưởng bộ phận “một cửa” TP.Thuận An, cho biết năm 2022, TP.Thuận An tập trung công tác tuyên truyền CCHC trên địa bàn thường xuyên, liên tục, đa dạng dưới nhiều hình thức. Nhất là việc thực hiện TTHC mức độ 3, mức độ 4. TP.Thuận An đầu tư mua sắm trang thiết bị đồng bộ, phù hợp với thời đại công nghệ 4.0 để phục vụ xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số và đáp ứng nhu cầu giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp.

Tại nhiều địa phương như TP.Thủ Dầu Một, TP.Dĩ An, TX.Tân Uyên, TX.Bến Cát đã có kế hoạch tập trung tuyên truyền chuyển đổi số trong cải cách TTHC, trong đó chú trọng việc tuyên truyền trực tiếp, hướng dẫn trực tiếp cho người dân, tổ chức, nhất là việc tạo tài khoản, việc tra cứu các TTHC trên môi trường mạng, việc điều các biểu mẫu điện tử...

Tính đến tháng 12-2021, các sở, ngành, địa phương đã triển khai 1.169 TTHC đủ điều kiện thực hiện DVCTT mức độ 3, mức độ 4 và có 551 TTHC không phát sinh hồ sơ trong 3 năm gần đây; 100% DVCTT có biểu mẫu điện tử (e-Form), được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Song song đó, dịch vụ chứng thực điện tử đã được triển khai tại cấp huyện, cấp xã và các phòng công chứng thuộc Sở Tư pháp, để người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng bản sao thực hiện các DVCTT, hướng đến dần loại bỏ được tình trạng phải nộp bản sao chứng thực hoặc phải xuất trình bản chính để xác minh hồ sơ khi thực hiện TTHC.

HỒ VĂN - KHẮC TUẤN

Từ khóa: