Tập trung, tăng tốc tối đa cho mục tiêu tăng trưởng
(BDO)
Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 6-2023. Ảnh: NGỌC THANH
Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch
Trong 6 tháng đầu năm 2023, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), kiên trì mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Chú trọng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế. Phối hợp nghiên cứu, triển khai các dự án giao thông kết nối, liên kết vùng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công…
Để tránh tình trạng giải ngân đầu tư công thấp, gây ảnh hưởng tới phát triển KT-XH trên địa bàn, tỉnh đã đề ra hàng loạt giải pháp và quyết liệt đôn đốc giải ngân ngay từ đầu năm. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp so với kế hoạch.
Trong 6 tháng năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 3,76% so với cùng kỳ năm 2022. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 2,65%; thu hút đầu tư trong nước đạt 35.302 tỷ đồng; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 943 triệu đô la Mỹ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 151.240 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách ước thực hiện 31.550 tỷ đồng, đạt 48% dự toán HĐND tỉnh và Thủ tướng Chính phủ giao; tổng chi ngân sách ước thực hiện 7.330 tỷ đồng, đạt 24% dự toán; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 15,1 tỷ đô la Mỹ, giảm 17,4% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 10,76 tỷ đô la Mỹ, giảm 14,7% so với cùng kỳ. |
Đánh giá tổng quát về những kết quả đạt được, ông Võ Văn Minh nhấn mạnh tình hình 6 tháng đầu năm 2023 diễn ra trong điều kiện khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi và cơ hội. UBND tỉnh đã sớm dự báo, nhận định tình hình từ những tháng cuối năm 2022 nên đã tập trung chỉ đạo làm việc với các sở, ngành, địa phương để quán triệt nhiệm vụ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đất đai, thủ tục đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa… Đến nay, đã có 19/35 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch năm.
Triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm
Để phát triển bền vững hơn, Bình Dương đang tập trung đầu tư các tuyến giao thông trọng điểm, huyết mạch của tỉnh và của vùng. Nhờ đó, tạo sức bật cho phát triển kinh tế, đáp ứng hai mục tiêu lớn là giải tỏa áp lực giao thông trên tuyến và chuẩn bị cho phát triển đô thị sắp tới của tỉnh.
Theo ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, tỉnh đang tiếp tục phối hợp các địa phương, đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất triển khai các thủ tục đầu tư tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4, đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Quốc lộ 13, đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng; xây dựng danh mục dự án giao thông ưu tiên đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021- 2025 và sau năm 2025; nghiên cứu đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới các vị trí kết nối với TP.Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh); thỏa thuận các vị trí kết nối giao thông giữa TP.Tân Uyên, TP.Dĩ An (tỉnh Bình Dương) với các địa phương của tỉnh Đồng Nai.
Theo đó, dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, đoạn qua tỉnh Bình Dương dài khoảng 26,6km dự kiến sẽ khởi công vào ngày 28-6-2023. Đối với dự án nâng cấp, mở rộng đường Quốc lộ 13, tỉnh đề nghị phấn đấu cuối năm 2023 phải hoàn thành. Cùng với đó, 2 dự án đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành và đường Vành đai 4 - TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương đang cấp bách tập trung hoàn thành công tác bồi thường giải tỏa vào quý IV-2023, để khởi công 2 dự án này vào đầu năm 2024.
Quyết liệt thực hiện các giải pháp
Trong số 35 chỉ tiêu KT-XH - môi trường - đô thị chủ yếu, đến nay đã có 19/35 chỉ tiêu đạt trên 50% kế hoạch và vượt kế hoạch năm. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 10,3% so với cùng kỳ; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tuy đạt thấp hơn cùng kỳ nhưng số vốn giải ngân cao hơn gần 800 tỷ đồng. Tuy nhiên, có 2/35 chỉ tiêu giảm mạnh so với cùng kỳ, đó là tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu nhập khẩu. UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo, có giải pháp cụ thể trong từng tháng, từng quý trong 6 tháng cuối năm để phấn đấu hoàn thành 35/35 chỉ tiêu đã đề ra.
Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, để đạt được mục tiêu đặt ra trong năm 2023, Bình Dương nỗ lực nhiều giải pháp. Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành tăng cường tổ chức tiếp xúc, làm việc trực tiếp với từng hiệp hội, doanh nghiệp, từng dự án để kịp thời tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc. Nghiên cứu giải pháp khơi thông, kích cầu tiêu dùng góp phần tiêu thụ hàng hóa do doanh nghiệp trong tỉnh gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu. Tập trung điều tiết, bảo đảm ổn định nguồn điện cho sản xuất, sinh hoạt. Đẩy nhanh tiến độ mở rộng các khu công nghiệp và đầu tư mới các cụm công nghiệp theo quy hoạch; hoàn thiện chính sách di dời doanh nghiệp từ các địa phương phía nam lên các khu, cụm công nghiệp ở các địa phương phía bắc.
Trong 6 tháng cuối năm, tỉnh tập trung thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các chủ trương của Trung ương, từ nhiệm vụ KT-XH năm 2023 đến các chủ trương gần đây để cụ thể hóa và tổ chức thực hiện quyết tâm đạt được chỉ tiêu đề ra. Tỉnh cũng yêu cầu các cấp, các ngành, đơn vị nắm chắc tình hình, phân tích, dự báo, xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế quý III và cả năm 2023 để có giải pháp phù hợp, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng kinh tế.
Bình Dương đang tập trung đầu tư các tuyến giao thông trọng điểm, huyết mạch để tạo động lực thu hút đầu tư
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH, quốc phòng - an ninh năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành nỗ lực, quyết tâm cao hơn trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, chủ động, phối hợp chặt chẽ, phát huy những kết quả đạt được, tranh thủ mọi nguồn lực, cơ hội, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và phát triển KT-XH.
NGỌC THANH