Tập trung phòng chống dịch sốt xuất huyết
Trước tình hình phức tạp của bệnh sốt xuất huyết (SXH) năm nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế, các ban ngành, địa phương tập trung cho công tác dự phòng cũng như điều trị SXH. Một trong những việc tăng cường công tác phòng chống dịch SXH là phun hóa chất diện rộng tại trường học, khu dân cư…
Phun hóa chất tại trường Mầm non ở TX.Dĩ An
Bệnh nhân vẫn tăng
Số ca tử vong do SXH của tỉnh tính đến nay là 9 ca (2 người lớn và 7 trẻ em). Hiện, đang là thời điểm cao điểm nên số bệnh nhân nhập viện do SXH vẫn tăng. 3 địa phương có số ca mắc SXH cao được ghi nhận là TX.Dĩ An, TX.Thuận An và TP.TDM. Trong tháng 9, số ca mắc bệnh SXH của TP.TDM có giảm thì ở TX.Dĩ An vẫn có nhiều người nhập viện. Theo ghi nhận của chúng tôi, ngày 4-10, vẫn có gần 20 ca SXH và nghi SXH đang được điều trị nội trú tại Trung tâm Y tế TX.Dĩ An.
TX.Dĩ An là một trong số các địa phương được tập trung phun hóa chất diện rộng. Trong hơn một tháng qua, đoàn đã đi phun thuốc và giám sát công tác phòng chống dịch SXH tại các trường học ở TX.DĩAn và các khu phố Đông Chiêu, Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An. Tại TX.Thuận An cũng đã phun thuốc diện rộng ở các khu phố Đông Chiêu, Bình Phú, Bình Chuẩn, Bình Đáng, Bình Hòa, Hòa Lân, Thuận Giao, Thạnh Hòa, An Thạnh, Lái Thiêu...
Bác sĩ Lương Thị Hồng Lê, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, từ tháng 5 đến nay là thời điểm rất vất vả của cán bộ y tế nhằm ứng phó với SXH. Riêng cán bộ hệ dự phòng mà cụ thể là các anh em trong đội phun hóa chất, phải đi liên tục sáng, chiều mỗi ngày vì số điểm cần phun xịt hóa chất nhiều, địa bàn rộng mà lực lượng cán bộ thì mỏng. Một ổ dịch phải phun 2 lần, mỗi lần cách nhau 7 ngày. Đó là thời điểm lăng quăng phát triển thành muỗi và phải quay lại phun thêm một lần nữa.
Song song với việc phun hóa chất diện rộng, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở triển khai thực hiện chiến dịch tổng vệ sinh môi trường năm 2015. Ông Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế nói: “Chiến dịch tổng vệ sinh môi trường năm nay chúng tôi cũng tập trung tuyên truyền về phòng chống SXH và tay chân miệng. Chúng tôi mong muốn tự mỗi người dân cần ý thức tốt hơn nữa việc giữ vệ sinh môi trường, phòng chống bệnh dịch”. Ông Hà cũng cho rằng, cần làm tốt công tác phối hợp tuyên truyền, hành động giữa ngành y tế, giáo dục, các ban ngành đoàn thể và địa phương để công tác phòng chống bệnh được hiệu quả hơn...
Cần nâng cao ý thức phòng, chống bệnh
Có một thực tế mà chúng tôi ghi nhận được qua những lần cùng đoàn cán bộ y tế đi giám sát việc phun hóa chất dập dịch là người dân vẫn thờ ơ với phòng chống bệnh dịch mà cụ thể là dịch SXH. Bà Hồng Lê cho biết, nhiều hộ gia đình không chịu mở cửa cho đoàn đến phun thuốc bởi sợ bị độc hại. Dịch SXH đã gây tử vong ở người lớn nhưng vẫn còn hình ảnh những người thanh niên vô tư cởi trần ngồi nhậu bên đống vỏ dừa lật ngửa, trong đó hằng hà sa số lăng quăng. Thậm chí, khi cán bộ tuyên truyền cho biết, đang “sống cạnh ổ dịch” nhưng họ vẫn thờ ơ như không có chuyện gì xảy ra!
Một điều đáng lo lắng và băn khoăn mà chúng tôi ghi nhận khi đến các điểm trường học, khu dân cư là vật chứa nước có lăng quăng vẫn còn quá nhiều. Gần 100% trường học ở địa bàn TX.Dĩ An có khuôn viên khá đẹp, khang trang, cây xanh nhiều nhưng cũng là nơi cho muỗi vằn sinh sản. Các lớp thường có treo bình thủy tinh, gốm, nhựa để trồng cây thủy sinh trong đó và lâu ngày không súc, rửa đã tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng, phát triển thành lăng quăng. Thế nên, câu khẩu hiệu “không có lăng quăng không có SXH” vẫn chỉ là... khẩu hiệu! Bởi, cán bộ y tế “đụng đến đâu là thấy... ổ dịch đến đó!”, khi thử kiểm tra một số bình hoa, cây kiểng tại trường học. Dụng cụ chứa nước cho học sinh thí nghiệm được bỏ một góc nơi vườn trường, ly nhựa, vỏ hũ yaour do học sinh vứt ra cũng làm vật chứa nước để muỗi vằn đẻ trứng trong đó. Thế nên, tự mỗi người, mỗi nhà phải ý thức diệt trừ lăng quăng nơi mình sống mới mong “thanh toán” được muỗi vằn, tránh bệnh SXH.
Q.NHƯ