Tập trung nghiên cứu thị trường, phát triển hàng hóa
(BDO) Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, ngành công thương đã tập trung vào thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực sản xuất, hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần khơi dậy nội lực, khuyến khích doanh nghiệp và hàng hóa phát triển.
Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Găng tay HTC (KCN Rạch Bắp, TX. Bến Cát)
Khơi dậy nội lực
Tại hội nghị về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2020, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhận định trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó khăn song đây cũng là cơ hội để nền kinh tế Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa và triển khai thực chất hơn chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đối tác. Thời điểm này cũng là lúc giúp các bộ, ngành, doanh nghiệp Việt Nam nhận thức rõ hơn rủi ro của việc phụ thuộc, tập trung vào một hoặc một vài thị trường, đối tác khi có biến động.
Trong đó, với trách nhiệm của mình, ngành công thương tập trung đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế trong từng lĩnh vực, từng ngành hàng trong cả trước mắt và lâu dài, đáp ứng tiêu chuẩn về xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, thúc đẩy công nghiệp chế biến nông sản; phát triển nhanh, chuyên sâu một số ngành công nghiệp nền tảng, chiến lược, có lợi thế cạnh tranh. Một giải pháp nữa cũng được ngành công thương đưa ra là khơi dậy nội lực trong nước, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam phát triển, khuyến khích hàng hóa Việt Nam bằng các biện pháp thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng trên cơ sở đổi mới sáng tạo, công nghệ, năng lực quản trị và chuyển đổi số. Đặc biệt là trong chế biến, chế tạo của khu vực doanh nghiệp Việt, đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng công nghệ trong thương mại, nhất là thương mại điện tử...
Theo ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), sự phát triển của các công cụ thương mại điện tử, nền tảng số cùng các thiết bị giúp giải quyết khâu tiếp cận khách hàng nhanh chóng mà không nhất thiết cần đến mặt bằng quá rộng và nhiều nhân lực, hoạt động 24/24, xóa đi khoảng cách địa lý, tiếp cận và hiểu nhà sản xuất ở mức tốt nhất có thể, rút ngắn thời gian tiến trình đặt hàng. Trong dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp trong hiệp hội đã vững vàng “tay lái” khi đẩy mạnh xúc tiến thương mại điện tử, duy trì đơn hàng. Không những thế, việc ứng dụng điện tử vào xúc tiến hứa hẹn là nền tảng kinh doanh vững chắc giúp doanh nghiệp đồ gỗ duy trì và tăng trưởng một cách bền vững, đáng chú ý là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Bà Trương Thị Ngọc Thiệp, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp - Chi nhánh Bình Dương (KCN Nam Tân Uyên), cho biết hoạt động xúc tiến thương mại đang giúp sản phẩm cà phê Việt ngày càng được nhiều người biết đến nhờ các ứng dụng công nghệ hiện đại, tận dụng hiệu quả phương pháp bán hàng và đang dần chú trọng đầu tư công nghệ chế biến sâu. Đây là tiền đề để phát triển thương hiệu, xuất khẩu bền vững trong tương lai.
Theo sát thị trường
Theo Bộ Công thương, đây chính là thời khắc mà các doanh nghiệp cần tập trung nghiên cứu thị trường để có bước đi bền vững. Theo đó, các doanh nghiệp cần khai thác tối đa thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó cần theo sát thị trường truyền thống trên cơ sở rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, DN tập trung xúc tiến thương mại qua hình thức trực tuyến, đặc biệt là mặt hàng các nước có nhu cầu thực sự. Bà Trần Thị Trà, Giám đốc Công ty Cổ phần Găng tay HTC (KCN Rạch Bắp, TX.Bến Cát), cho biết hiện nay công ty đang đẩy mạnh công suất, đầu tư thêm máy móc thiết bị hiện đại để đẩy mạnh xuất khẩu. Công ty cũng đã có phương án mở rộng nhà máy sản xuất để đáp ứng yêu cầu thị trường trong bối cảnh dịch bệnh.
Bộ Công thương xác định trọng tâm của việc tái cơ cấu là khu vực công nghiệp hỗ trợ và ngay từ bây giờ cần tập trung tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là một số ngành công nghiệp chế biến chế tạo lớn như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ... theo hướng bền vững hơn với một số đối tác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, tránh phụ thuộc quá lớn vào một hoặc một số ít đối tác hoặc thị trường. Cùng với hai trụ cột khác là đầu tư và xuất khẩu, trụ cột quan trọng thứ ba là thị trường trong nước cần được khai thác và phát huy tốt để phục vụ cho tăng trưởng chung. Mặc dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn có cơ hội để thúc đẩy cho khu vực này.
Đánh giá về tình hình thị trường trong 6 tháng cuối năm, ngành công thương tỉnh cho rằng với lợi thế trong việc kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, kinh tế vĩ mô ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững, Bình Dương đang có nhiều lợi thế về thu hút đầu tư và hợp đồng xuất khẩu. Để thúc đẩy sản xuất theo hướng tái cơ cấu công nghiệp, ngành cũng tiếp tục theo dõi khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để kịp thời tháo gỡ và kiến nghị với các cấp. Để hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu, ngành đẩy mạnh triển khai thực hiện các đề án phát triển đã được UBND tỉnh phê duyệt; trình UBND tỉnh phê duyệt “Đề án phát triển ngành chế biến gỗ tỉnh Bình Dương đến 2025, định hướng đến 2030”; “Đề án phát triển ngành cơ khí tỉnh Bình Dương đến 2025, định hướng đến 2030”; triển khai thực hiện Đề án Xây dựng cơ sở dữ liệu chuỗi cung ứng…
TIỂU MY