Tập trung mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển đô thị

Thứ năm, ngày 15/06/2023

(BDO) Ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao

Theo dự thảo báo cáo sơ kết của Sở Kế hoạch và Đầu tư, qua hai năm thực hiện Chương trình số 20-Ctr/TU, đến cuối năm 2022, tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm 22,8% trong cơ cấu kinh tế (tăng 0,3% so với năm 2021) góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng định hướng Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Tăng trưởng bình quân khu vực dịch vụ đạt 6,89%/năm, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt bình quân 5,47%/năm. Tổng mức bản lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 9,9%/năm. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa chiếm khoảng 69,33%. Dịch vụ logistics có nhiều khởi sắc, đã hình thành hệ thống các trung tâm dịch vụ logistics tương đối hoàn chỉnh, cung cấp dịch vụ logistics đạt mức độ 3PL và 4PL…

Có thể thấy, cùng với công nghiệp, lĩnh vực TM-DV của tỉnh đang có những chuyển biến tích cực, bao gồm cả dịch vụ phục vụ công nghiệp, đô thị, y tế, giáo dục - đào tạo. Trong định hướng phát triển bền vững, cùng với việc thu hút công nghệ cao, sản xuất tiên tiến, tỉnh sẽ tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đẩy mạnh TM-DV chất lượng cao. Trong đó, ưu tiên các ngành dịch vụ hàm lượng chất xám cao, thương mại điện tử, thúc đẩy đầu tư tài chính, ngân hàng, công nghệ sáng tạo…

Bình Dương đang tập trung huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện

UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan đang quyết tâm triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình số 20-CTr/TU ngày 31-5-2021 của Tỉnh ủy về tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng văn minh, hiện đại giai đoạn 2020-2025, định hướng 2025-2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Hiện thực hóa mục tiêu này, thời gian qua, tỉnh đã tập trung triển khai nhiều giải pháp để hoạt động TM-DV, chất lượng cao trên địa bàn phát triển, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trong đó, tập trung huy động tổng nguồn lực vào đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, coi trọng phát triển TM-DV chất lượng cao gắn với phát triển công nghiệp, đô thị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Theo Sở Công thương, nhằm tăng tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng định hướng, đến năm 2025 chiếm 28%; tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành dịch vụ bình quân hàng năm khoảng 11%..., sở sẽ tập trung nguồn lực phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao thuộc lĩnh vực công thương như: Thương mại hiện đại, logistics, các dịch vụ hỗ trợ công nghiệp... góp phần dẫn dắt và hỗ trợ phát triển công nghiệp, đô thị.

Mở đường giao thông tạo lợi thế hấp dẫn

Với các chính sách đột phá “đi trước một bước” trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, thời gian qua, Bình Dương đãđạt được nhiều thành tựu quan trọng trong quá trình phát triển KT-XH. Tỉnh đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh ngày càng hoàn thiện, phục vụ tốt hơn cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, giao thương của người dân và doanh nghiệp.

Theo Sở Giao thông - Vận tải, qua hai năm thực hiện Chương trình 42, công tác đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm từ giai đoạn 2021 đến nay được triển khai khá quyết liệt, toàn diện nhất là các dự án cao tốc, vành đai thuộc quản lý của Trung ương nhưng giao cho địa phương triển khai đầu tư. Đến nay, các tuyến đường quốc lộ đã và đang được đầu tư nâng cấp, mở rộng từ ngân sách cũng như huy động từ các thành phần kinh tế đầu tư phát triển hệ thống giao thông. Các trục giao thông mang tính kết nối vùng, kết nối liên vùng như: Đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, cầu Bạch Đằng 2; nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13, đường Vành đai 3 đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương (giai đoạn 1) đang được khẩn trương triển khai thực hiện.

Để phát triển bền vững hơn, thời gian tới Bình Dương cần chủ động phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải và các địa phương trong vùng để sớm xây dựng hệ thống giao thông kết nối vùng; cần tập trung nguồn lực để phát triển hệ thống giao thông vùng đã được quy hoạch; chủ động phối hợp với TP.Hồ Chí Minh trong xây dựng hệ thống giao thông kết nối. Trong đó, các công trình cơ sở hạ tầng cần ưu tiên hoàn thành trong thời gian sớm nhất là đường Vành đai 4, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành; Quốc lộ 13…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dành yêu cầu Sở Giao thông - Vận tải cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu đầy đủ ý kiến của các sở, ngành, địa phương nhằm sớm hoàn thiện dự thảo sơ kết Chương trình 42 và Chương trình 20 của Tỉnh ủy để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, đây là hai chương trình lớn về phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, có ý nghĩa vô cùng quan trọng, làm cơ sở thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển KT-XH. Do đó, tỉnh và các sở ngành, địa phương đều phải nâng cao vai trò chủđộng vàtrách nhiệm trong quátrình chỉđạo, triển khai thực hiện, hướng đến mục tiêu xây dựng đô thị Bình Dương theo hướng văn minh, hiện đại, bền vững.

Bình Dương đang nỗ lực tập trung thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), thúc đẩy tăng trưởng trên nền tảng chuyển đổi số, kinh tế số, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tỉnh đang gấp rút chuẩn bị khởi công đường Vành đai 3, cùng với đó là các dự án giao thông trọng điểm huyết mạch liên vùng đang triển khai, sắp triển khai sẽ giúp kết nối và tạo sức bật cho phát triển kinh tế, góp phần quan trọng để tỉnh đẩy mạnh việc phát triển trong giai đoạn mới.

NGỌC THANH

Từ khóa: