Tập trung mọi điều kiện tốt nhất để phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ
(BDO) Sáng 31-8, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và năm 2021. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Vương chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Bình Dương, tham dự có ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan (ảnh).
Hội nghị đã thông qua báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và đầu tư công, giai đoạn 2021-2025 và năm 2021 vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long. Theo đó, tăng trưởng GRDP của vùng Đông Nam Bộ, giai đoạn 2016-2020 bình quân đạt 6,13%/năm, thấp hơn giai đoạn 2011-2015 là 7,05%/năm. GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 141,2 triệu đồng/ người, gấp 1,24 lần năm 2016, cao hơn 2 lần mức bình quân chung cả nước. Xuất khẩu đạt khoảng 413,43 tỷ đô la Mỹ, chiếm 35,6% cả nước. Thu ngân sách Nhà nước ước đạt hơn 2,84 triệu tỷ đồng, chiếm 40,38% tổng thu cả nước. Các địa phương thu ngân sách dẫn đầu cả nước là TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu. Đây cũng là vùng thu hút nhiều vốn FDI nhất so với cả nước, chiếm 46,2% số dự án và 38,2% tổng vốn đấu tư…
Đối với tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công, nhìn chung các mục tiêu, kế hoạch đề ra trong giai đoạn 2016-2020 đều cơ bản hoàn thành góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh. Tình hình giải ngân 8 tháng đầu năm 2020 của các địa phương trong vùng ước đạt 38,4% so với số vốn được Thủ tướng Chính phủ giao.
Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, giai đoạn 2021-2025, vùng cần tập trung mọi điều kiện tốt nhất để phát triển kinh tế cũng như cơ hội thu hút sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư trên thế giới. Thu hút đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao để phát triển các chuỗi giá trị; phát triển mạnh các loại dịch vụ; sớm hình thành các chuỗi cung ứng toàn cầu, trở thành một trung tâm công nghệ, công xưởng chế tạo của khu vực và cả nước, đưa vùng tiếp tục là động lực tăng trưởng thời gian tới. Phấn đấu tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 8-8,5%. Cơ cấu kinh tế năm 2025 duy trì tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm 80% trong GRDP toàn vùng.
Phương Lê