Tập trung gỡ khó, giữ đà tăng trưởng kinh tế
(BDO) Phát huy những thành quả gặt hái được trong năm 2022, trong 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế - xã hội của huyện Dầu Tiếng vẫn tăng trưởng ổn định với những con số đáng khích lệ. Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ đều có dấu hiệu khởi sắc.
Sản xuất xanh là mục tiêu hướng tới sự phát triển bền vững. Trong ảnh: Vườn bưởi da xanh sản xuất theo quy trình VietGAP của hộ ông Trần Văn Xộp đạt OCOP 3 sao
Tín hiệu vui
Để tạo tiền đề cho nền kinh tế - xã hội địa phương phát triển, huyện Dầu Tiếng xác định việc đầu tư hạ tầng giao thông là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Theo đó, hạ tầng giao thông đô thị, giao thông nông thôn được huyện nỗ lực triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp. Đặc biệt, đến nay 100% tuyến đường do huyện quản lý và đường liên xã đã được nhựa hóa. Đối với đường do xã quản lý có 41% tuyến được nhựa hóa hoặc bê tông, số còn lại được cứng hóa bằng sỏi đỏ, đi lại thuận tiện quanh năm.
Nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, huyện khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất. Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp hoạt động ổn định đã góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho lao động địa phương, đóng góp tích cực cho ngân sách. Đến nay toàn huyện có 496 doanh nghiệp, tăng 13 doanh nghiệp so với cùng kỳ. Tình hình hoạt động kinh doanh thương mại - dịch vụ trên địa bàn cơ bản đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân.
Trong 6 tháng đầu năm, ước tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện Dầu Tiếng đạt hơn 11.182 tỷ đồng (tăng 12,98% so với cùng kỳ). Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng hơn 5.344 tỷ đồng (tăng 16%); giá trị sản xuất thương mại - dịch vụ hơn 4.201 tỷ đồng (tăng 12,5%); giá trị sản xuất nông nghiệp hơn 1.636 tỷ đồng (tăng 5,2% so với cùng kỳ). |
Song song với phát triển sản xuất, ngay từ đầu năm huyện chú trọng chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm là phối hợp với các ban ngành để hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn trong việc thực hiện các tiêu chí nhằm sớm đưa 2 xã còn lại là Minh Thạnh và An Lập hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Đồng thời, đôn đốc các xã triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Tiến hành khảo sát, hướng dẫn 7 xã, thị trấn (chưa có sản phẩm chứng nhận OCOP) lựa chọn sản phẩm thực hiện chương trình OCOP trong năm 2023. Hiện nay, đã có 7 sản phẩm OCOP của 5 xã được công nhận. Ông Trương Thanh Hương, Chủ tịch UBND xã Minh Hòa, cho biết: “Chương trình OCOP có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế nông thôn, sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng, nâng cao năng lực cạnh trạnh trên thị trường. Sản phẩm bưởi da xanh của Hợp tác xã Minh Hòa Phát mới được công nhận OCOP 3 sao, góp phần xây dựng tiêu chí nông thôn, nâng tầm thương hiệu cho sản phẩm của địa phương”.
Sản xuất xanh
Ngày cuối tuần giữa tháng 7, có dịp đến tham quan vườn cây rộng 8 ha của ông Trần Văn Xộp, thành viên của Hợp tác xã Minh Hòa Phát (ấp Hòa Cường, xã Minh Hòa), chúng tôi thật sự ấn tượng. Vườn cây rộng rãi, thoáng mát của ông Xộp nằm sát ven hồ Dầu Tiếng với đủ loại trái cây như sầu riêng, nhãn, chôm chôm, chủ lực là cây bưởi chiếm diện tích 4 ha.
Ông Trần Văn Xộp tâm sự: “Gia đình trồng bưởi từ năm 2013, trung bình mỗi năm thu nhập từ trồng cây ăn trái đạt khoảng 1 tỷ đồng. Tận dụng những trái bưởi mẫu mã không đẹp, giá rẻ gia đình sản xuất thành sản phẩm rượu bưởi. Về cơ bản, dáng vỏ bên ngoài không đẹp nhưng ruột bưởi vẫn bảo đảm nên không ảnh hưởng đến chất lượng rượu”. Ông Trần Văn Xộp cho biết thêm, khi thị trường tiêu thụ bưởi trở nên bão hòa hoặc gặp lúc giá rẻ, việc chế biến thành sản phẩm sẽ giúp nâng cao giá trị và bảo quản được lâu hơn. Sản phẩm bưởi da xanh của gia đình đã đạt OCOP 3 sao”.
Ngoài hộ ông Trần Văn Xộp, hiện nay nhiều nông dân đã xem việc tiết kiệm, tận dụng nguồn nguyên liệu, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp là giải pháp quan trọng để giảm chi phí, tăng lợi nhuận trong sản xuất. Hiện trên địa bàn huyện có 253 trại chăn nuôi, trong 6 tháng đầu năm diện tích cây ăn trái tăng 70 ha. Để mang lại giá trị kinh tế cao, phát triển bền vững huyện khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo hướng chuỗi, truy xuất được nguồn gốc. Các cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại đã đầu tư hệ thống trại lạnh, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, công nghệ cao. Các hộ chăn nuôi quy mô nông hộ thực hiện bảo vệ môi trường như sử dụng hầm biogas, sử dụng men vi sinh để xử lý ô nhiễm môi trường. Các mô hình trồng trọt được thực hiện sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Dầu Tiếng, cho biết: “Huyện đã và đang quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng. Đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, chú trọng phát triển cây công nghiệp như cao su, cây ăn trái theo hướng nông nghiệp kỹ thuật cao. Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng công nghiệp sạch. Việc triển khai thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp bước đầu đạt kết quả khả quan, tạo tiền đề cho việc triển khai nhân rộng trong thời gian tiếp theo”.
Theo ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện, trong 6 tháng đầu năm, ảnh hưởng bởi tình hình bất ổn của một số nước trên thế giới, giá cả một số sản phẩm nông nghiệp ở mức thấp đã ảnh hưởng đến hoạt động của một số doanh nghiệp và đời sống của người dân. Song, huyện đã tập trung chỉ đạo các ngành, các xã, thị trấn triển khai thực hiện một số giải pháp tích cực nhằm bảo đảm kinh tế - xã hội của huyện tiếp tục phát triển ổn định.
TIẾN HẠNH - TÚ BÌNH