Tập trung gỡ khó cho các công trình trọng điểm

Thứ hai, ngày 29/07/2024

(BDO) Thời gian qua, các dự án trọng điểm, nhất là các công trình giao thông kết nối vùng luôn được lãnh đạo tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đặc biệt là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân cũng như công trình được triển khai đúng tiến độ. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến các bộ, ngành và địa phương khác, điển hình như dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, đoạn qua tỉnh Bình Dương.

 Đối với các công trình giao thông, thời gian qua, Bình Dương luôn được xem là địa phương có nhiều đột phát nhờ sự chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, quyết liệt và linh hoạt trong quản lý, điều hành. Vì vậy, các công trình không những huy động được nguồn lực để triển khai mà còn tạo được sự đồng thuận cao của nhân dân.

Đặc biệt, liên quan đến GPMB, tỉnh luôn chủ động công khai quy hoạch chi tiết dự án đầy đủ, đúng quy định. Song song đó, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án đối với sự phát triển của địa phương và khu vực luôn được thực hiện tốt nên tạo được sự đồng thuận cao từ nhân dân.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, đối với dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh hiện nay vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù GPMB. Để giải quyết vấn đề này, lãnh đạo tỉnh đã tổ chức đoàn công tác khảo sát một số công trình để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, kịp thời có giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.

Đặc biệt, khó khăn hiện nay không chỉ là đền bù GPMB mà còn liên quan đến nguồn vật liệu san lấp mặt bằng. Để giải quyết vấn đề này thẩm quyền không chỉ trong tỉnh mà liên quan đến các bộ, ngành Trung ương và địa phương khác trong vùng. Vấn đề này, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo về bảo đảm nguồn vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm trong cả nước nói chung và dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh nói riêng.

Theo đó, cần phải tìm nguồn vật liệu để thay thế cát sông đang khan hiếm là cát biển để san lấp mặt bằng. Đồng thời, đề nghị các chủ đầu tư, nhà thầu đăng ký nhu cầu cát biển sử dụng làm vật liệu san lấp bù đắp cho nguồn cát sông còn thiếu. Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương khẩn trương rà soát khả năng cung ứng cát để kịp thời có các giải pháp xử lý vướng mắc.

Trên cơ sở đó, các nhà thầu đã rất nỗ lực để tìm kiếm các nguồn vật liệu phục vụ dự án. Tuy nhiên, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết khối lượng cát huy động về công trường hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu của dự án, nguồn cung cấp cát từ các tỉnh liên quan thường xuyên bị gián đoạn không ổn định dẫn đến tiến độ thi công hạng mục đắp cát nền đường bị chậm…

Hy vọng, thời gian tới, những vướng mắc nói trên sẽ sớm được giải quyết, tạo điều kiện để tỉnh đẩy nhanh tiến độ phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là các tuyến đường huyết mạch kết nối vùng.

K.TÂN