Phát triển khoa học - công nghệ, chuyển đổi số:
Tạo xung lực mới, sẵn sàng bứt phá - Kỳ 2
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Kỳ 2: Nâng cấp hạ tầng theo hướng thông minh
Để đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời đại công nghiệp 4.0, sớm trở thành thành phố thông minh, trung tâm công nghiệp hiện đại, dẫn đầu về khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo khu vực Đông Nam Á, Bình Dương sẽ nâng cấp các hạ tầng theo hướng xanh, thông minh.
Phát triển khu công nghiệp xanh, thông minh
Hiện nay, Bình Dương đã và đang xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp xanh, thông minh. Theo đó, Bình Dương thực hiện chuyển đổi mô hình phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ theo hướng thông minh, bền vững. Cụ thể, cùng với phát triển các khu công nghiệp (KCN) thế hệ mới, Bình Dương sẽ nâng cấp hạ tầng các KCN hiện hữu trở thành KCN thông minh, có khả năng cung cấp nền tảng công nghệ 4.0, thu hút các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.
Trong giai đoạn mới, Bình Dương định vị một phân khúc mới, đó là phát triển công nghiệp gắn liền với phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Việc chuyển đổi theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số trong các KCN là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh và bảo đảm phát triển bền vững của tỉnh.

Bình Dương đang xây dựng hoàn thiện KCN Việt Nam - Singapore III với quy mô 1.000 ha, đặt mục tiêu trở thành KCN xanh, thông minh đầu tiên của cả nước, với năng lượng tái tạo thay thế điện lưới, nước thải xử lý đúng tiêu chuẩn xanh (tái sử dụng), tạo không gian cây xanh. KCN này còn được thiết kế để tích hợp công nghệ thông minh trong các hoạt động, quản lý giao thông và an ninh. Những tính năng thông minh khi vận hành sẽ giúp KCN Việt Nam - Singapore III trở thành một trong những môi trường làm việc xanh và bền vững tại Việt Nam, mang lại sự an toàn, tin cậy và hiệu quả cho khách hàng, người lao động.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, cho biết trong giai đoạn phát triển mới, Bình Dương xác định muốn đón nhà đầu tư lớn các KCN phải được nâng cấp lên chuẩn mới, đó là phát triển công nghiệp gắn liền với phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bình Dương kiên định mục tiêu thu hút các dự án mới có chọn lọc, ưu tiên các đối tác có tiềm lực mạnh, tập đoàn kinh tế lớn, các ngành công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường... và chuẩn bị các điều kiện đáp ứng tốt nhu cầu của nhà đầu tư, nhằm tăng cường khai thác thời cơ từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để chủ động đón dòng vốn đầu tư mới.
Hiện thực hóa mô hình KCN sinh thái
Bình Dương là thủ phủ công nghiệp của Việt Nam, thu hút rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư. Chương trình xanh hóa sản xuất công nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm không chỉ giúp Việt Nam phát triển bền vững mà còn đóng góp vào chuỗi giá trị toàn cầu trong sản xuất xanh hơn, sạch hơn, tối ưu hóa nguồn tài nguyên cũng như tiến tới phát triển bền vững hơn. Chúng tôi đánh giá rất cao về Tổng Công ty Becamex IDC trong thực hiện cam kết nghiên cứu khả thi phát triển KCN sinh thái tại Bình Dương lần này. Đây là một trong những điều kiện cần thiết để chuẩn bị cho các KCN của Becamex tại Bình Dương đạt được chứng nhận toàn cầu”. Ông Shunsuke Nakai, Cố vấn Ulsan EID (Đơn vị tư vấn triển khai thành công mô hình KCN sinh thái tại Ulsan, Hàn Quốc) |
Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển các KCN xanh, thông minh tạo đột phá tăng trưởng kinh tế, cùng với sự phối hợp tích cực của Tổng Công ty Becamex IDC, Bình Dương đang triển khai các bước hoạt động một cách cụ thể. Mới đây, UBND tỉnh phối hợp với Tổng Công ty Becamex IDC và Ngân hàng Thế giới tổ chức hội thảo khởi động Dự án nghiên cứu khả thi KCN sinh thái theo khung quốc tế (EIP 2.0). Hội thảo đánh dấu bước tiến quan trọng trong lộ trình phát triển công nghiệp bền vững của Bình Dương. Dự án nghiên cứu này không chỉ góp phần đóng góp vào chiến lược xây dựng Bình Dương thành trung tâm công nghiệp hiện đại mà còn thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang mô hình cộng sinh công nghiệp, đáp ứng các tiêu chuẩn nền kinh tế carbon thấp, KCN sinh thái, công nghiệp 4.0 và công nghiệp khoa học - công nghệ.
Ông Bùi Minh Thạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh lãnh đạo tỉnh đánh giá cao và ủng hộ dự án nghiên cứu khả thi này. Ông bày tỏ tin tưởng, với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ngân hàng Thế giới và các tổ chức, đơn vị liên quan, dự án sẽ mở đường để Bình Dương trở thành địa phương tiên phong của Việt Nam trong phát triển KCN sinh thái theo tiêu chuẩn quốc tế, đưa Bình Dương trở thành điểm sáng phát triển trong khu vực Đông Nam Á.
Dự án nghiên cứu khả thi KCN sinh thái theo EIP 2.0 tiếp nối thành công của giai đoạn tiền khả thi và tiếp tục nhận được sự đồng hành của Ngân hàng Thế giới, hướng đến triển khai mô hình EIP đạt chuẩn quốc tế tại các KCN Bàu Bàng, Bàu Bàng mở rộng, Cây Trường. Mô hình này giúp doanh nghiệp phát triển theo hướng cộng sinh công nghiệp, tối ưu hóa tài nguyên, giảm tác động môi trường và gia tăng giá trị kinh tế. |
Tiến sĩ Lý Duy Khiêm, Tổng Công ty Becamex IDC, cho biết mô hình EIP giúp tăng lợi thế cạnh tranh, tiết kiệm chi phí và quản trị bền vững. Becamex IDC kiến tạo các KCN sinh thái theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm cân bằng giữa phát triển công nghiệp và trách nhiệm xã hội, môi trường; hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong tiến trình phát triển bền vững. Hiện Tổng Công ty Becamex IDC đã và đang thực hiện các mục tiêu trụ cột như sử dụng năng lượng sạch (như năng lượng mặt trời); quản lý hạ tầng kỹ thuật bền vững (như tự động hóa), ứng dụng Trí tuệ nhân tạo để điều phối, giám sát thông minh; cộng sinh công nghiệp (như cơ sở hạ tầng dùng chung) để giảm phát sinh rác thải; phát triển các tiện ích cộng đồng và xã hội...
Trong khuôn khổ nghiên cứu, các chuyên gia sẽ triển khai 4 hợp phần chính nhằm xây dựng lộ trình phát triển KCN sinh thái tại Bình Dương, gồm: Đánh giá thực trạng các KCN hiện tại và đề xuất giải pháp chuyển đổi phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế; Nghiên cứu hệ thống xử lý nước thải và tái sử dụng nước nhằm tối ưu hóa tài nguyên nước trong sản xuất; Phát triển mô hình cung cấp năng lượng bền vững (bao gồm ứng dụng năng lượng mặt trời và lưu trữ năng lượng); Xây dựng hệ thống cộng sinh công nghiệp, kết nối các doanh nghiệp trong KCN nhằm tận dụng tài nguyên chung và tối ưu hóa chuỗi cung ứng.
Việc triển khai Dự án nghiên cứu khả thi KCN sinh thái theo EIP 2.0 không chỉ giúp Tổng Công ty Becamex IDC và Bình Dương củng cố vị thế tiên phong trong phát triển công nghiệp xanh mà còn tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận công nghệ tiên tiến, tối ưu hóa sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Becamex IDC, khẳng định Becamex IDC luôn hưởng ứng mạnh mẽ chính sách chuyển đổi xanh và phát triển công nghiệp sinh thái, đồng thời hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế như Ngân hàng Thế giới để thúc đẩy các giải pháp phát triển công nghiệp bền vững tại Việt Nam. Dự án nghiên cứu khả thi KCN sinh thái theo EIP 2.0 được xem là bước quan trọng trong việc hiện thực hóa mô hình KCN sinh thái tại Bình Dương, thể hiện vai trò của Becamex trong việc cung cấp hạ tầng, dịch vụ và giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư theo định hướng phát triển bền vững.
Còn tiếp
PHƯƠNG LÊ