Tạo việc làm cho người sau cai nghiện

Thứ tư, ngày 25/12/2013

  HV tại Trung tâm Giáo dục - Lao động - Tạo việc học nghề điện công nghiệp 

 Từ bỏ “nàng tiên nâu” bằng học nghề

“Cái chết trắng” len lỏi vào cuộc sống của Ngô Thanh T. (SN 1983, khu phố Thạnh Hòa B, phường An Thạnh, TX.Thuận An) khi mới 15 tuổi. Ngày ấy, T. phụ giúp gia đình bằng việc sản xuất gốm sứ. Tại đây, anh gặp nhiều đối tượng nghiện đến từ các tỉnh và bị rủ rê “chơi” thử. Cuộc sống của anh khép lại với hình ảnh những làn khói trắng. Năm 2011, sau khi trở về từ Trung tâm Giáo dục - Lao động - Tạo việc làm tỉnh (xã Tam Lập, Phú Giáo), T. “dứt” ma túy và có công việc ổn định, với nghề xây dựng, lắp ráp rạp đám cưới. Mỗi tháng thu nhập trên 6 triệu đồng. Tương tự T., rất nhiều trường hợp, sau đợt điều trị cai nghiện, được đào tạo nghề, hiện nay đã ổn định cuộc sống.

Phó phòng Giáo dục (Trung tâm Giáo dục - Lao động - Tạo việc làm) Đoàn Phước Hậu, cho biết: “Phần lớn những người mới vào đây đều mặc cảm. Qua thời gian được cán bộ uốn nắn, họ có nhiều tiến triển và hòa nhập tốt với bạn bè. Ngoài ra, chúng tôi tổ chức nhiều hoạt động thi đua nhằm giúp họ biết rõ giá trị của cuộc sống. Nhưng làm thế nào để họ trở thành người hữu ích, trở về với cộng đồng sống như bao người khác là điều không dễ dàng. Vì thế, trung tâm đặc biệt coi trọng công tác trị liệu, hướng nghiệp, dạy nghề cho học viên (HV), giúp họ rèn luyện ý chí, kỹ năng lao động, tiếp cận việc làm”.

Trung tâm có các lớp điện công nghiệp, may, tạo mẫu tóc, sửa xe gắn máy, xây dựng, cạo mủ cao su. Trong suốt 24 tháng cai nghiện, các HV được học nghề, học văn hóa, học đạo đức và lao động. Hiện trung tâm quản lý 724 HV, trong đó số HV năm 2012 chuyển sang 657, HV vào năm 2013 là 490, số HV ra năm 2013 là 423. Ban lãnh đạo trung tâm tổ chức liên kết với các doanh nghiệp có nhu cầu để đào tạo nghề, tạo việc làm cho HV trước khi về nhà. Đặc biệt, đối với các HV sau khi trở về địa phương, trung tâm thường xuyên thăm hỏi, động viên để HV từ bỏ hoàn toàn ma túy; rèn luyện khả năng, tinh thần lao động và tiếp cận việc làm khi về gia đình.

Giải bài toán tái nghiện

Theo thống kê, trong năm 2013 có 113 người sau cai nghiện có việc làm ổn định (tăng 55,75% so với năm 2012), với kết quả đó cho thấy các ban ngành, đoàn thể địa phương đã quan tâm, hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người sau cai nghiện. Tuy nhiên, công tác này vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, 113/876 người sau cai nghiện có việc làm ổn định, chiếm 13% trong tổng số những người sau cai được quản lý tại địa phương.

Bà Nguyễn Từ Thiện, tư vấn viên tại Điểm hỗ trợ tư vấn cho người sau cai nghiện phường An Thạnh (TX. Thuận An), nói: “Đối với những người từng nghiện ma túy, để từ bỏ cám dỗ thật sự là một “cuộc chiến” dai dẳng, nguy cơ tái nghiện rất cao, đòi hỏi bản thân người nghiện phải có ý chí và quyết tâm cao. Thế nhưng, điều đó vẫn chưa đủ nếu thiếu đi tình thương, trách nhiệm cùng sự động viên tinh thần, việc làm từ những thành viên trong gia đình và sự đón nhận của cộng đồng”.

Theo Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Lê Đức Hiền, chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người sau cai nghiện cần phù hợp với sức khỏe, hoàn cảnh gia đình, kỹ năng của mỗi cá nhân. Bên cạnh đó, phải có người hỗ trợ, giám sát cũng như động viên, khuyến khích, quản lý kịp thời nhóm yếu thế này để họ có thể làm việc tốt. Ông Hiền kiến nghị nên mạnh dạn đổi mới hoạt động dạy nghề cho HV cai nghiện này bằng cách liên doanh, liên kết với các cơ sở đào tạo nghề có chuyên môn để hình thành các nhóm nghề, nâng cao chất lượng dạy nghề. Bên cạnh kinh phí từ ngân sách Nhà nước, các trung tâm có thể kết hợp với gia đình của HV đóng thêm kinh phí cho hoạt động đào tạo nghề tại trung tâm, để khi HV cai nghiện xong có thể kiếm được việc làm phù hợp.

Chính phủ đã ban hành Quyết định số 212/2006 về tín dụng đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và doanh nghiệp sử dụng người lao động là người sau cai nghiện ma túy. Theo đó, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp được vay vốn với mức lãi suất cho vay hộ nghèo qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Luật thuế thu nhập doanh nghiệp cũng quy định miễn thuế thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp dành riêng cho người lao động là người tàn tật, người sau cai nghiện, người nhiễm HIV. Do đó, các sở ngành có liên quan cần xem xét điều kiện xác định việc giảm thuế, tiêu chí xác định doanh nghiệp dành riêng cho người lao động là người nhiễm HIV và người sau cai nghiện ma túy. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp “mặn mà” với việc tiếp nhận người sau cai nghiện vào làm việc.

Bên cạnh khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng người sau cai nghiện, việc hỗ trợ vốn vay, giúp họ phát triển kinh tế gia đình cũng là giải pháp bền vững. Để hạn chế tái nghiện, theo đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thời gian tới sở tiến hành xây dựng thí điểm mô hình “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ, điều trị nghiện ma túy và tái hòa nhập cộng đồng” cho người nghiện, sau cai nghiện; rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình hoạt động của Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ, điều trị nghiện ma túy và tái hòa nhập cộng đồng; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục tránh phân biệt đối xử để gia đình, bản thân người nghiện, sau cai nghiện để họ mạnh dạn tiếp xúc và tìm kiếm việc làm; tạo điều kiện thuận lợi cho người sau cai nghiện được học nghề, giải quyết việc làm…

 THIÊN LÝ