Tạo tiền đề động lực, không gian mới phục vụ phát triển kinh tế-xã hội

Thứ ba, ngày 07/06/2022

(BDO)

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, sáng 6/6, Quốc hội nghe Tờ trình về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa-Vũng Tàu (giai đoạn 1); Tờ trình về Chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và báo cáo thẩm tra về các nội dung này. Sau đó các đại biểu thảo luận tại tổ về các nội dung này.

Động lực để phát triển kinh tế-xã hội các vùng trong giai đoạn tới

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã nêu rõ sự cần thiết đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa-Vũng Tàu (giai đoạn 1).

Việc sớm đầu tư 3 dự án nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết, thông báo của Bộ Chính trị; đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phát huy tiềm năng, khai thác lợi thế của vùng Tây Nguyên, vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia nói chung và các vùng Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long nói riêng; tạo tiền đề, động lực, không gian mới phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo...

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu dài 53,7 km, qua 2 tỉnh, kết nối thành phố Biên Hòa với cảng biển Cái Mép-Thị Vải; đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4-6 làn xe.

Dự án đường cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột dài 117,5 km, qua 2 tỉnh, kết nối thành phố Buôn Ma Thuột với cảng biển Nam Vân Phong; đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe.

Dự án đường cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng dài 188,2km, qua 4 tỉnh/thành phố, kết nối thành phố Châu Đốc với cảng biển Trần Đề; đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe.

Về hình thức đầu tư, đối với dự án Biên Hòa-Vũng Tàu, Chính phủ kiến nghị đầu tư Dự án theo hình thức đầu tư công; sau khi đưa vào khai thác sẽ thu phí để hoàn trả vốn ngân sách nhà nước. Hình thức này bảo đảm tiến độ dự án và vẫn phù hợp với định hướng huy động nguồn lực xã hội.

Đối với dự án Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột và Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, mặc dù mang lại lợi ích kinh tế-xã hội rất lớn nhưng phương án tài chính hoàn vốn từ thu phí không khả thi, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vượt quá quy định của pháp luật. Do vậy, Chính phủ lựa chọn hình thức đầu tư công; sau khi hoàn thành sẽ thu phí để hoàn trả vốn ngân sách nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, đại diện cơ quan thẩm tra các dự án, cho biết: Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết đầu tư 3 Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa-Vũng Tàu (giai đoạn 1) nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 đã được Đại hội XIII của Đảng thông qua. Đồng thời, việc đầu tư các tuyến cao tốc này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của các vùng có tuyến cao tốc đi qua, giúp tăng cường việc bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tờ trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 2 dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày nêu rõ: Đây là hai dự án có vai trò liên kết Vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển kinh tế-xã hội.

Việc đầu tư hoàn thành 2 dự án này sẽ góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tăng khả năng kết nối giao thông giữa các tỉnh trong Vùng, phù hợp với Quy hoạch giao thông quốc gia, giúp mở rộng không gian phát triển, kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội thị, giảm áp lực cho giao thông nội đô và các tuyến đường hiện hữu.

Theo đề xuất của Chính phủ, dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài 112,8 km, gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài-Hạ Long, đi qua địa phận thành phố Hà Nội (58,2km); Hưng Yên (19,3km); Bắc Ninh (dài 25,6km).

Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh dài 76,34 km, đi qua địa phận Thành phố Hồ Chí Minh (47,51km); Đồng Nai (11,26km); Bình Dương (10,76km); Long An (6,81km).

Đối với dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô, sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 85.813 tỷ đồng, sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước và vốn BOT của nhà đầu tư, trong đó vốn BOT 29.447 tỷ đồng. Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 75.378 tỷ đồng, sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước, trong đó ngân sách Trung ương là 38.741 tỷ đồng.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết đầu tư hai dự án này nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 đã được Đại hội XIII của Đảng thông qua và phù hợp với Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó yêu cầu "khẩn trương chuẩn bị đầu tư, sớm khởi công và cơ bản hoàn thành các dự án đường Vành đai 3, 4 của khu vực động lực Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh."

Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá bổ sung đầy đủ về khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, nguồn nhân lực, khả năng gây ra tình trạng khan hiếm và tăng giá nguyên vật liệu... để có giải pháp kịp thời nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tiến độ, chất lượng cho 2 dự án này và các dự án quan trọng khác cùng được triển khai.

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết đầu tư hai dự án đường vành đai, ba dự án đường bộ cao tốc và cho rằng, việc triển khai các dự án nhằm triển khai Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Đặc biệt, với vai trò tầm quan trọng của tuyến đường giao thông, đây là động lực để phát triển kinh tế-xã hội các vùng trong giai đoạn tới.

Phát biểu tại phiên họp tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, các dự án đường bộ cao tốc, đường vành đai được bàn thảo rất kỹ, tốn nhiều thời gian trong quá trình chuẩn bị cho kỳ họp. Khóa XIV chỉ có một dự án quan trọng quốc gia thì ngay kỳ họp này có đến 5 dự án, nếu tính cả cao tốc Bắc-Nam được Quốc hội quyết định tại kỳ họp thứ 2 thì ngay năm đầu của khóa XV đã có 6 dự án quan trọng quốc gia được xem xét.

Với 5 dự án vừa được Chính phủ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành nhiều phiên làm việc, cho ý kiến cụ thể các nội dung để có căn cứ pháp lý trình Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch, các dự án này được đề xuất áp dụng nhiều cơ chế đặc thù khác với luật hiện hành. Ví dụ, Luật Ngân sách Nhà nước không cho phép lấy ngân sách cấp này chi cho cấp kia.

Đường cao tốc thuộc trách nhiệm của Trung ương, còn đường song hành thuộc trách nhiệm địa phương, nhưng trong điều kiện hiện nay, Chính phủ đề nghị Quốc hội chấp thuận cho sử dụng cả vốn Trung ương và vốn địa phương để thực hiện vì "tình huống đặc biệt cần giải pháp đặc biệt."

Hay theo Luật Giao thông đường bộ, cao tốc thuộc trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải quản lý, tỉnh lộ là của địa phương. Tuy nhiên, để một bộ đảm trách 6 dự án quan trọng quốc gia, chưa kể các dự án khác, thì không thể làm hết được, nên sẽ giao cho một số địa phương có dự án đi qua.

Riêng hai đường Vành đai 3 và Vành đai 4 hoàn toàn giao cho các địa phương tương ứng với đoạn địa qua địa bàn, còn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh làm đầu mối. Tuy vậy, Chính phủ cũng phải làm rõ khái niệm và trách nhiệm của đầu mối.

Đối với các dự án cao tốc, có đoạn nằm trên cả 2 tỉnh giáp ranh thì quyết định giao Bộ Giao thông vận tải phụ trách. "Đã cho cơ chế đặc thù thì phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm, nhất là trách nhiệm giải trình, trách nhiệm người đứng đầu," Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để tránh hệ luỵ xấu, chỉ định thầu mà năng lực không đúng, làm không đến nơi đến chốn thì người chỉ định thầu phải chịu trách nhiệm.

Thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023

Trong phiên họp chiều, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát năm 2023 với 440/449 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (bằng 88,18% tổng số đại biểu).

Thời gian còn lại của phiên làm việc, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.

Các ý kiến cơ bản tán thành với nội dung Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.

Các ý kiến đại biểu cho rằng, dự án đường Hồ Chí Minh là dự án quan trọng quốc gia, có ý nghĩa lớn về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh; góp phần phát triển hạ tầng giao thông đường bộ kết nối các tỉnh Tây Bắc-Tây Nguyên và Tây Nam Bộ với khu vực cả nước thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, phát triển văn hóa, xóa đói, giảm nghèo, giữ gìn trật tự an ninh các nơi dự án đi qua.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Trần Văn Tiến phát biểu.

Cơ bản đồng tình với Báo cáo của Chính phủ về tổng kết, đánh giá tổng thể việc thực hiện Nghị quyết 66/2013/QH13 của Quốc hội, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành có liên quan và các địa phương có dự án đi qua trong việc thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh.

Theo đại biểu, công tác chuẩn bị đầu tư dự án được thực hiện đúng theo quy định pháp luật. Việc cắm mốc lộ giới đến nay đã hoàn thành toàn diện với 2.362 km, đạt 86,1%; 258 km tuyến nhánh, trong đó có một số dự án thành phần thực hiện vượt tiến độ so với yêu cầu của Quốc hội; hoàn thành 153 km cao tốc theo quy hoạch và đang chuẩn bị đầu tư tiếp 287km cao tốc; vốn cân đối và bố trí vốn cho các dự án được 79.000 tỷ đồng, đạt 89,4%.

Dự án cũng thu hút nhiều nguồn khác nhau, trong đó, vốn xã hội hóa đạt 10%. Các dự án đã hoàn thành cơ bản quyết toán xong, công tác quản lý, bảo trì, bảo vệ môi trường được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Trong phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm, trong đó có lý do chậm tiến độ dự án đường Hồ Chí Minh thời gian qua.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đường Hồ Chí Minh là con đường huyền thoại nên được quan tâm đầu tư xây dựng, thể hiện bằng hai Nghị quyết của Quốc hội. Chính phủ cũng đã tập trung bố trí vốn triển khai thực hiện. Các bộ, ngành, trong đó có Bộ Giao thông vận tải quyết liệt triển khai.

Bộ trưởng cho biết, dự án đường Hồ Chí Minh có địa hình, địa chất phức tạp nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai. Bên cạnh đó, một số địa phương chậm trong giải phóng mặt bằng cũng dẫn đến chậm tiến độ dự án.

“Việc chậm tiến độ dự án đường Hồ Chí Minh, trách nhiệm chính vẫn là Bộ Giao thông vận tải và một số bộ, ngành trong tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội rà soát bố trí vốn. Một phần cũng có trách nhiệm của địa phương khi dự án không có mặt bằng thi công,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết./.

Theo TTXVN