Tạo sự chuyển biến trong giáo dục đạo đức học sinh

Thứ tư, ngày 07/08/2019

(BDO)

Trường THPT Chuyên Hùng Vương (TP.Thủ Dầu Một), nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh. Trong ảnh: Khen thưởng HS đạt giải HS giỏi quốc gia năm học 2018-2019

Nhiều thành quả tích cực

Báo cáo của Bộ GD-ĐT cho thấy, năm học 2018-2019 ngành GD-ĐT cả nước tiếp tục triển khai 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản nhằm thực hiện các chương trình, kế hoạch đã đề ra. Toàn ngành cũng tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả kế hoạch thực hiện chương trình hành động của Chính phủ, Nghị quyết số 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Kết quả qua 1 năm học, toàn ngành đã đạt được nhiều thành quả tích cực, đối với chất lượng mũi nhọn, 100% học sinh (HS) tham dự Olympic châu Á và Olympic quốc tế đều đoạt giải. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 bảo đảm tổ chức khách quan, an toàn, nghiêm túc và công bằng, cả nước có trên 94% HS tốt nghiệp THPT.

Năm học 2019-2020, ngành GD-ĐT gắn kết chặt chẽ phát triển GD-ĐT với phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động và đáp ứng yêu cầu phát triển; chú trọng quản lý chất lượng đầu ra... Tất cả những nhiệm vụ ngành đặt ra trong năm học mới đều hướng đến nâng cao chất lượng GD-ĐT.

Năm học mới ngành sẽ đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho HS theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020.

(Bà NGUYỄN HỒNG SÁNG, Giám đốc Sở GD-ĐT)

Cùng với thành tựu chung của cả nước, năm học 2018- 2019, sự nghiệp GD-ĐT Bình Dương tiếp tục được đặc biệt quan tâm. Cơ sở vật chất thiết bị trường học được tăng cường đầu tư. Trường học các cấp có đầy đủ thiết bị phục vụ hoạt động giáo dục, đặc biệt là tăng số lượng trường được đầu tư thiết bị dạy học tiên tiến, hiện đại. Đội ngũ nhà giáo tiếp tục được bồi dưỡng và tự bồi dưỡng, đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục. Kết quả năm học vừa qua là một năm thắng lợi của ngành GD-ĐT tỉnh nhà, thể hiện nổi bật qua kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Bình Dương xếp thứ 3 cả nước điểm trung bình ở các môn thi, riêng môn tiếng Anh xếp thứ 2 cả nước.

Đẩy mạnh giáo dục đạo đức lối sống

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo ngành trong năm học mới cần tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách cho HS. Hoạt động này bám sát những khẩu hiệu hành động của ngành như: Thi đua dạy tốt - học tốt, tiên học lễ - hậu học văn, tất cả vì HS thân yêu. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tất cả cùng chung tay giáo dục đạo đức cho HS, không nên xem việc này chỉ là trách nhiệm của giáo viên bộ môn. Việc giáo dục HS trước tiên từ sự gương mẫu của giáo viên, sự gần gũi thân thiết với học trò và từ những câu chuyện diễn ra trong cuộc sống hàng ngày.

Bộ GD-ĐT cũng đưa ra 9 nhóm nhiệm vụ và 5 nhóm giải pháp cần thực hiện trong năm học 2019-2020. Trên cơ sở đó, ngành tiếp tục tập trung thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT và hoàn thành các điều kiện để triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020-2021.

Từ những chỉ đạo của bộ, Sở GD-ĐT đã đưa ra những nhiệm vụ chủ yếu và giải pháp thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Bà Nguyễn Hồng Sáng, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết năm học mới ngành khắc phục, tạo sự chuyển biến căn bản các vấn đề về GD-ĐT mà xã hội quan tâm, dư luận bức xúc; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, dân chủ, kỷ cương; tăng cường an ninh, an toàn trường học; chú trọng công tác giáo dục thể chất, y tế trường học; xây dựng văn hóa học đường, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.

Từ những nhiệm vụ ngành đã hoạch định, năm học 2019- 2020 ngành GD-ĐT sẽ rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GD-ĐT trong tỉnh. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, tiếp tục rà soát, sắp xếp lại đội ngũ gắn với việc bảo đảm các quy định về định mức số lượng giáo viên đối với các cấp học, các chuẩn được ban hành, phù hợp với việc rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại một cách hợp lý hệ thống, quy mô trường, lớp.

Cùng với nâng cao chất lượng GD-ĐT nói chung, ngành tiếp tục nâng chất dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo. Cũng theo bà Sáng, ngành sẽ thực hiện chương trình ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra và ngành, nghề đào tạo do Bộ GD-ĐT ban hành; khuyến khích dạy các môn học khác bằng ngoại ngữ và dạy ngoại ngữ thông qua các môn học, việc này một số trường THPT trong tỉnh đã triển khai thực hiện... Bên cạnh đó ngành lập kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn, phát triển đội ngũ giáo viên ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình ngoại ngữtheo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Những công việc khác cũng được ngành tính đến trong năm học mới, đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở GD-ĐT; tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động GD-ĐT; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngành cũng sẽ đánh giá kết quả thực hiện Đề án phát triển trường THPT chuyên giai đoạn 2011-2020. Tiếp tục thực hiện dự án xây dựng mới trường THPT Chuyên Hùng Vương vào năm 2020.q

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các địa phương rà soát lại quy hoạch mạng lưới trường lớp phù hợp, nhất là mầm non và phổ thông, tạo thuận lợi cho con em nhân dân đến trường. Các địa phương cần bố trí quỹ đất để xây dựng trường học; giải quyết dứt điểm thiếu trường mầm non ở khu công nghiệp, đi liền đó là có thiết chế văn hóa cho HS - sinh viên và giáo viên. Các địa phương đẩy mạnh sắp xếp lại các trường sư phạm, đào tạo giáo sinh thành những nhà sư phạm tương lai, không phải là thợ dạy. Đối với giáo dục đại học, yêu cầu bộ kiểm tra cho dừng hoạt động những trường có chất lượng yếu kém. Các địa phương rà soát, sắp xếp giáo viên phù hợp, không để thừa thiếu cục bộ; đồng thời có kế hoạch bồi dưỡng giáo viên để bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Năm học 2019- 2020 tạo ra sự chuyển biến trong việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho HS. Đây là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó nhà trường có vai trò trung tâm. Ngoài ra, Thủ tướng cũng lưu ý toàn ngành tập trung nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao; tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý; quan tâm giáo dục miền núi...

HỒNG THÁI