Tạo phấn khởi cho trẻ vào lớp 1
Mặc dù các trường đã nhập học được gần nửa tháng nay, nhưng với nhiều gia đình có con vào lớp 1 vẫn chưa giải tỏa hết âu lo. Trẻ vào lớp 1, cũng là bước ngoặt trọng đại của bé. Cả cha mẹ và bé đều không tránh khỏi những băn khoăn lo lắng, khi lần đầu trẻ cắp sách đến trường. Nhà trường và gia đình nên tạo cho trẻ cảm giác thích thú, tự tin khi vào lớp 1
“Hôm nay con vào lớp 1”
Bé Khánh Ngọc năm nay vào học lớp 1 tại trường tiểu học Phan Chu Trinh (TX.Thuận An). Mặc dù cha mẹ đã chuẩn bị tâm lý cho bé trước đó từ rất lâu nhưng đến ngày khai giảng cả cha mẹ và bé đều không khỏi lo âu, hồi hộp. Trước ngày khai giảng, lúc nào bé cũng hỏi mẹ những câu như: “Đi học có khó không? Bạn Tin có học chung với con không? Cô giáo có hiền không?”... Những ngày đầu tiên khi đưa con đi học, chị Khánh, mẹ bé Ngọc vẫn không biết làm cách nào cho bé ngừng khóc trước khi bước vào cổng trường. Chị tâm sự: “Trong những ngày đầu tiên đi học, thấy trường mới, bạn mới và cô giáo mới nên bé rất ngỡ ngàng và lạ lẫm nên không dám đi học. Tôi phải động viên và khuyến khích cháu rất nhiều. Đến hôm nay thì cháu đã dần quen và có vẻ rất hào hứng mỗi khi đến lớp”.
Giống như bé Khánh Ngọc, bé Phương Thảo năm nay cũng vào học lớp 1 tại trường tiểu học Lê Hồng Phong (TX.TDM). Ngày khai giảng, cô bé cũng ngơ ngác trước những quang cảnh đang diễn ra xung quanh nhưng cũng tỏ ra thích thú. Từ hơn một tháng trước ngày nhập học, Thảo đã chộn rộn chuẩn bị từ quần áo, giày dép đến tất cả các đồ dùng học tập khiến cả gia đình cũng rộn ràng hẳn. Gặp ai bé cũng khoe “Con đã vào lớp 1 rồi đó nha”!
Trước cổng trường tiểu học Trần Phú, phường Chánh Nghĩa (TX.TDM), nhiều phụ huynh nhấp nhổm chờ đón con. Chị Phương, một phụ huynh tâm sự: “Cháu vào học lớp 1 còn rất ngỡ ngàng, chưa quen với môi trường học tập mới nên tôi rất lo. Hồi hộp nhất là hôm đầu tiên đưa con đến trường, dắt con vào lớp, cô giáo ra đón, mặt mũi con cứ nghệch ra còn mẹ chỉ chực khóc, tâm trạng vui buồn lẫn lộn. Con đi học mà tôi có cảm giác như là bước ngoặt lớn trong cuộc đời của mình. Chỉ mong giờ học trôi thật nhanh để biết con đã làm quen với trường mới, bạn mới, thầy cô mới như thế nào”.
Chị Lê Thu Trang, nhân viên Ngân hàng Vietcombank, có con học ở trường tiểu học Phú Hòa 2 cũng tâm sự: “Có con vào học lớp 1 là có đủ thứ chuyện để lo. Lo tìm trường, tìm lớp, lo người đón, người đưa, rồi lại lo liệu con có theo kịp bạn bè? Lo cô giáo có khó không?... Đã vậy, cu cậu nhà mình có thằng anh năm nay học lớp 5, ngày nào cũng nhăn nhó “đi học cực khổ lắm” nên thằng em lúc nào cũng sợ đi học. Vì vậy dù đã chuẩn bị tâm lý, động viên tinh thần cho con hết sức nhưng ngày đầu tiên, phải vất vả lắm tôi mới đưa con vào lớp được”.
Có 1.001 nỗi lo của các bậc phụ huynh khi con vào lớp 1. Tâm lý này là bình thường, nhất là hiện nay, cả gia đình và xã hội cùng tập trung đầu tư cho việc học hành và phát triển của trẻ. Vấn đề là giải tỏa những nỗi lo ấy như thế nào để tác động tốt đến sự phát triển của trẻ.
Một người đi học, cả nhà lo âu
Bé Vi con chị Vân đã nhập học được gần một tháng rồi mà chị vẫn không khỏi lo lắng mỗi khi con đến trường. Công việc của chị Vân thường phải đi công tác xa. Nhưng từ khi bé Vi đi học, chị đã xin thay đổi công việc để sáng nào cũng được đưa con đến trường và đón con về. Chị bảo, có con sao mà phải lo đủ thứ. Cách đây vài tháng thì đã lo chạy trường, chạy lớp cho con. Bây giờ con bé đi học rồi thì lại còn lo nhiều hơn. Tôi thấy ở lớp con mình, nhiều cháu vẫn còn khóc nhè và đòi về. Môi trường học ở trường mẫu giáo khác hẳn với môi trường học tập ở bậc tiểu học nên tôi không thể không lo lắng. Nào là lo con không theo kịp chương trình, lo con sẽ bị gầy đi, lo con không tự làm được những công việc cá nhân...
Còn gia đình chị Phương Anh cũng chộn rộn hẳn từ khi bé Mai Anh đi học. Trước đây khi Mai Anh còn học ở trường mẫu giáo thì 7 giờ 30 - 8 giờ mới bắt đầu vào học. Nhưng khi vào lớp 1 thì khác. Mới 5 giờ 30 - 6 giờ là cả nhà phải lục đục dậy sớm để chuẩn bị cho bé đến trường. Nào sách vở, quần áo và cả ăn sáng nên phải tranh thủ mới không bị trễ giờ học. Chị Phương Anh nói vui: “Từ ngày nhóc nhà mình vào lớp 1, vợ chồng mình bỗng dưng lại có thời gian để ăn sáng, uống cà phê với nhau. Số là công việc của anh chị bắt đầu từ 8 giờ, nhưng do đưa bé Mai Anh đến trường sớm quá, còn hơn cả tiếng mới đến giờ làm thế là anh chị tranh thủ cùng nhau thưởng thức ly cà phê cho tỉnh táo trước khi đến công sở”.
Với những trường tiểu học có bán trú thì còn đỡ, còn những trường không có bán trú thì việc đưa đón con cũng là nỗi bận tâm lớn của không ít bậc phụ huynh. Công ty của vợ chồng chị Mỹ Bình đều cách nhà rất xa, dù cố gắng hết sức nhưng chị vẫn không xin cho con vào học tại trường bán trú được nên buổi trưa ai đón con là vấn đề nan giải của gia đình. Cuối cùng anh chị cũng đã tìm ra giải pháp là gửi con vào một trường quốc tế sau giờ học chính khóa. Khi bé tan trường sẽ có xe của trường này đến rước về cho bé ăn trưa, ngủ nghỉ, vui chơi và học phụ đạo thêm một số môn rồi chiều ba mẹ bé đến rước về.
Cô Vũ Bích Hằng, Hiệu trưởng trường tiểu học Dĩ An cho biết: “Học tiểu học rất khác với học ở trường mầm non vì mỗi ngày đều có tập viết, học chữ và học toán. Trẻ sẽ được học với nhiều thầy cô giáo khác nhau. Vừa thoát khỏi mẫu giáo, trẻ vẫn đang ham chơi nên phụ huynh cần xây dựng nề nếp học tập như: cẩn thận, sạch sẽ, kiên trì, học tập phải theo giờ giấc... Phụ huynh tuyệt đối không được gây áp lực hoặc hù dọa rằng: cô giáo sẽ phạt, đánh đòn nếu không ngoan, không viết bài. Phụ huynh cần lưu ý trẻ không nhất thiết phải biết đọc, biết viết trước khi vào lớp 1. Phụ huynh chỉ cần tập cho trẻ thói quen dậy sớm, ngồi vào bàn học đúng giờ. Phụ huynh cũng phải dạy cho trẻ nói với cô giáo những gì mình thích và không thích để cô giáo hiểu và có biện pháp giúp trẻ học tốt hơn. Tóm lại, phải tạo cho con cảm giác thích thú khi đi học. Như vậy trẻ sẽ cảm thấy thoải mái và tự tin hơn ở lớp học đầu tiên của mình”.
NGỌC THANH