Tạo môi trường sống xanh, sạch, đẹp
(BDO) Thời gian qua, chương trình phân loại rác tại nguồn đã góp phần tạo môi trường sống ở TP.Dĩ An ngày càng xanh, sạch, đẹp và văn minh; chất lượng sống của người dân từng bước được nâng cao...
Mạng lưới thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP.Dĩ An khép kín, hoạt động nề nếp
Chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường
Theo đánh giá của UBND TP.Dĩ An, đến nay thành phố đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ đề ra theo kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt của tỉnh. Cụ thể, thành phố duy trì và nhân rộng chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; hoàn thành xây dựng các bộ tài liệu tuyên truyền về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, như logo, tờ rơi, các ấn phẩm video tuyên truyền. Bên cạnh đó, thành phố đã tiến hành điều tra, khảo sát 190 tuyến đường thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn để tiến đến kiện toàn lại hệ thống, mạng lưới thu gom.
Đặc biệt, thành phố đã có Trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt Tân Bình (khu phố Tân Hiệp, phường Tân Bình) với quy mô diện tích hơn 16.000m2, đủ khả năng tập kết và trung chuyển toàn bộ lượng chất thải rắn sinh hoạt của thành phố (khoảng 500 tấn rác/ngày). Sau khi phân loại, chất thải sẽ được thu gom bằng xe chuyên dụng và được tập kết về trạm. Tại Trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt Tân Bình có bố trí các khu vực riêng biệt lưu chứa chất thải sau khi phân loại và vận chuyển riêng từng loại rác về Chi nhánh xử lý chất thải của Công ty CP - Tổng Công ty Nước - Môi trường Bình Dương để xử lý. Riêng đối với nhóm chất thải có khả năng tái chế, tái sử dụng, đa số các trường học trên địa bàn thành phố lưu giữ lại để thực hiện chương trình kế hoạch nhỏ.
Dự kiến trong quý III-2024, thành phố bố trí lại các khu vực tập kết chất thải rắn sinh hoạt nhằm bảo đảm đúng theo từng nhóm chất thải phân loại theo Luật Bảo vệ môi trường.
Nhân rộng mô hình hiệu quả
Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND TP.Dĩ An, cho biết từ khi tỉnh chọn TP.Dĩ An là điểm thực hiện chương trình phân loại rác tại nguồn, công tác giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố dần đi vào nề nếp; nhận thức của người dân được nâng cao; trách nhiệm của đơn vị thu gom rác được nâng lên, tạo môi trường sống tốt hơn. Từ kết quả này, thành phố nhân rộng ra các cơ sở giáo dục của thành phố, qua đó góp phần giáo dục ý thức của học sinh trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp. Thành phố cũng gắn kết thực hiện “Ngày thứ bảy văn minh” để tạo sức lan tỏa thực hiện tốt chương trình phân loại rác tại nguồn.
Trên địa bàn TP.Dĩ An hiện có 32 đơn vị hoạt động thu gom chất thải rắn sinh hoạt (gồm 4 hợp tác xã, 4 công ty, 1 xí nghiệp và 23 hộ kinh doanh) với 52 xe ép rác chuyên dụng và 9 xe tải thùng kín. Các xe thu gom chất thải được trang bị thiết bị định vị, camera hành trình đúng quy định. |
Theo UBND TP.Dĩ An, thời gian đầu thực hiện chương trình phân loại rác tại nguồn địa phương gặp không ít khó khăn, do người dân chưa hiểu được ý nghĩa của chương trình này. Qua công tác tuyên truyền, vận động, nhắc nhở, đa số người dân thực hiện tốt chương trình. Tuy vậy, ông Phạm Văn Bảy cho biết địa bàn thành phố có nhiều tuyến đường, nhiều khu phố, mật độ dân cư đông nên việc thu gom, phân loại rác của một số đơn vị thu gom gặp nhiều khó khăn, chưa bảo đảm thời gian. Thành phố đã chỉ đạo các phường thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh trường hợp thu gom rác để rơi vãi, nhếch nhác; đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm của đơn vị thu gom rác và ý thức chung tay của người dân, bảo đảm mỗi nhà, mỗi tuyến phố, mỗi khu đô thị, khu phố đều sáng, xanh, sạch, đẹp.
Ông Phạm Văn Bảy cho biết thêm, tới đây thành phố tiếp tục nhân rộng mô hình “Tuyến đường, tuyến phố không thùng rác” để bảo đảm môi trường sống, nâng cao nếp sống văn hóa, văn minh. Việc làm này được người dân thành phố rất đồng tình, ủng hộ. Hiện UBND thành phố cũng đang triển khai thực hiện Đề án “Đánh giá hiện trạng phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và xây dựng giải pháp thực hiện trên toàn địa bàn TP.Dĩ An”, trên cơ sở đó để xây dựng lộ trình, tuyến thu gom rác thải, đồng thời sắp xếp phương tiện, nhân lực phù hợp với thực tiễn của thành phố.
PHƯƠNG LÊ