Tạo môi trường kinh doanh, đầu tư hấp dẫn

Thứ hai, ngày 02/12/2013

Theo báo cáo năng lực hội nhập kinh tế quốc tế cấp địa phương (chỉ số PEII) 2013 do Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế vừa công bố, thì: TP.HCM, Hà Nội và Bình Dương là 3 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về khả năng hội nhập nền kinh tế toàn cầu. Kết quả này đã phản ánh những cố gắng của Bình Dương trong việc vận dụng các chính sách phù hợp, phát triển cơ sở hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, khai thác lợi thế của địa phương… tiếp tục tạo môi trường kinh doanh, đầu tư hấp dẫn để tiếp tục thu hút các doanh nghiệp trong, ngoài nước tìm đến làm ăn ngày càng sôi động. Đây là tín hiệu vui; song cũng cần tham khảo, chấn chỉnh những mặt còn yếu nhằm duy trì hiệu quả hội nhập cao, bền vững.

Báo cáo đã căn cứ vào 8 yếu tố cần thiết để đánh giá năng lực hội nhập kinh tế, gồm: thể chế, cơ sở hạ tầng, văn hóa, đặc điểm tự nhiên, con người, thương mại, đầu tư và du lịch. Bên cạnh các dữ liệu chính thống từ cơ quan thống kê, nhóm nghiên cứu còn thực hiện điều tra ở 2.300 doanh nghiệp và 2.300 người dân đang sinh sống tại các địa phương; trong đó loại hình công ty TNHH tham gia khảo sát nhiều nhất. Qua kết quả công bố, Bình Dương cùng với TP.HCM, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu được xếp vào những “ông lớn” thuộc nhóm duy trì, do đã tiếp tục thể hiện được năng lực hội nhập kinh tế. Xét về yếu tố đầu tư thì: TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Hà Nội vẫn là ưu tiên lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư trong, ngoài nước tìm đến làm ăn; tính trong 5 năm gần đây, tổng số dự án đầu tư có vốn trực tiếp nước ngoài (FDI) đã được phê duyệt ở 4 địa phương này lên gần 4.000, chiếm gần 60% tổng dự án trong cả nước.

Mục tiêu chính của báo cáo là đưa ra thêm một công cụ nhằm xác định mức độ hội nhập kinh tế quốc tế của mỗi địa phương trong tổng thể nền kinh tế hội nhập đang ngày càng mở rộng ở Việt Nam; cụ thể hơn, đó là những tác động của hội nhập kinh tế đến việc tăng trưởng phúc lợi cho người dân, xóa đói giảm nghèo và doanh nghiệp phát triển kinh doanh. Đây là công cụ cần thiết, giúp cho từng địa phương thấy rõ tiến trình hội nhập và lợi thế của mình trong từng lĩnh vực; đồng thời cũng đánh giá tầm nhìn chiến lược của từng tỉnh, thành đối với năng lực hội nhập kinh tế, chỉ ra các điều chỉnh cần thiết giúp cho việc thu hút các nguồn lực thêm bền vững. Bởi vì, chỉ số hội nhập kinh tế quốc tế cấp địa phương (PEII) có nhiều điểm khác biệt, so với chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Nếu như chỉ số PCI cho thấy: năng lực điều hành kinh tế cấp tỉnh với các chính sách của chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế của các doanh nghiệp; thì chỉ số PEII lại cho thấy: mối quan hệ giữa điều hành kinh tế, phát triển doanh nghiệp và đời sống người dân; đây có thể là nguồn tham khảo tốt cho các địa phương trong việc đưa ra các lựa chọn chính sách hội nhập và phát triển cho mình trên cơ sở đặc thù, năng lực hiện có. Việc công bố chỉ số hội nhập kinh tế quốc tế cấp địa phương này không phải là xếp hạng tỉnh, thành nào cao, thấp; mà nhằm xác định mức độ hội nhập của từng địa phương, đánh giá sự phù hợp giữa tầm nhìn chiến lược của địa phương với năng lực hội nhập thực tại, qua đó mà xem xét điều chỉnh cần thiết.

Như vậy, trong quá trình phát triển, Bình Dương sẽ còn nhiều việc phải làm, chẳng hạn như: tiếp tục cải cách hoàn thiện môi trường đầu tư, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, kết nối với khu vực trong dịch vụ du lịch, mở mang giao thương quốc tế… thêm năng động, hiệu quả hơn nữa.

THANH NHÀN