Tạo mọi điều kiện để trẻ em phát triển toàn diện
(BDO) Ươm mầm khát vọng
Cùng theo đoàn thực hiện chương trình “Ươm mầm khát vọng” do Quỹ Bảo trợ TE tỉnh phối hợp với các đơn vị tổ chức, chúng tôi ghé thăm và tặng quà cho gia đình bé Nguyễn Minh Khang (sinh năm 2022), hiện đang sống tại phường Bình Chuẩn, TP.Thuận An. Bé Minh Khang bị mắc bệnh tim bẩm sinh, đã phẫu thuật thông tim lần 1 vào lúc 1 tháng tuổi. Hiện tại bệnh tình bé tiến triển xấu, thường xuyên mệt, bác sĩ chỉ định phẫu thuật lần 2 do đường ra động mạch bị hẹp. Tất cả chi phí sinh hoạt, điều trị bệnh của Khang phụ thuộc vào nguồn thu nhập của cha. Hiện tại, gia đình bé đang gặp rất nhiều khó khăn do chi phí phẫu thuật và điều trị bệnh của Khang quá cao.
Sau khi thăm hỏi và động viên tinh thần gia đình, Quỹ Bảo trợ TE tỉnh đã trao cho gia đình bé Nguyễn Minh Khang số tiền 20 triệu đồng; tổ chức Sunny Korea Foundation (tổ chức trợ giúp nhân đạo phi lợi nhuận của Hàn Quốc) hỗ trợ thêm 30 triệu đồng để em có kinh phí mổ tim lần 2, cùng nhiều phần quà khác do các nhà hảo tâm và địa phương trao tặng với mong muốn chia sẻ phần nào khó khăn với gia đình bé.
Nhiều TE có hoàn cảnh khó khăn đã được chương trình “Ươm mầm khát vọng” hỗ trợ và giúp đỡ
Ông Nguyễn Tấn Triệu, Giám đốc Quỹ Bảo trợ TE tỉnh, cho biết chương trình là cầu nối những tấm lòng nhân ái để chia sẻ, giúp đỡ những TE có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong cuộc sống. Hy vọng đây sẽ là nguồn động viên với các gia đình để họ vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống. Với sự chung tay của các cấp, các ngành, tổ chức trong và ngoài nước, nhiều TE có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm chăm sóc, được sống trong tình yêu thương, đùm bọc của toàn xã hội.
Những năm qua, cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, các cấp, các ngành trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể chăm lo cho TE, nhất là trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt để trẻ phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và tinh thần… Hàng năm, các ban ngành, đoàn thể và các địa phương đều bố trí kinh phí kết hợp vận động xã hội hóa chăm lo cho TE nghèo, TE có hoàn cảnh đặc biệt. Tỉnh đã vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ nguồn lực cho Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp để xây dựng các công trình phúc lợi cho TE như: Trang bị sân chơi; tặng quà, trao học bổng cho TE nghèo, TE dân tộc thiểu số, TE có hoàn cảnh đặc biệt; hỗ trợ phẫu thuật tim...
Nỗ lực chăm lo
Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết công tác bảo vệ, chăm sóc TE luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh ban hành và chỉ đạo các địa phương thực hiện các chương trình bảo vệ, chăm sóc TE của tỉnh giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch thực hiện hàng năm các chương trình, như: Chương trình xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với TE; Chương trình hành động vì TE; Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích TE…
Hoạt động chăm lo cho TE được thực hiện xuyên suốt trong năm, đặc biệt trong cao điểm Tháng hành động vì TE (1-6 và 30-6 hàng năm). Năm 2023, tỉnh tổ chức các hoạt động cụ thể như: Tháng hành động vì TE năm 2023 với chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại TE”, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì TE, lễ khai mạc hè và “Ngày hội thiếu nhi 1-6” lần VII tỉnh Bình Dương năm 2023 tại huyện Dầu Tiếng. Đồng thời, tỉnh tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng, truyền thông xã hội; tổ chức chiến dịch truyền thông cấp tỉnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách bảo vệ, chăm sóc TE; đăng tải các thông điệp và khẩu hiệu truyền thông của Tháng hành động vì TE.
“Thời gian tới, để xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh và thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của TE, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục chỉ đạo và triển khai đến các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các chương trình bảo vệ, chăm sóc TE giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, sở tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc TE; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chính sách pháp luật đối với TE, phòng chống bạo lực, xâm hại TE tại các cơ sở bảo trợ xã hội và tại cộng đồng”, bà Nguyễn Ngọc Hằng cho biết thêm.
Ðầu tư cho TE là đầu tư cho phát triển, cũng là cách đầu tư có hiệu quả nhất cho tương lai bền vững của địa phương, đất nước. Vì vậy, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục TE luôn được các địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để giúp các em học tập, tu dưỡng và rèn luyện thật tốt, trở thành con ngoan, trò giỏi, xứng đáng là “Cháu ngoan Bác Hồ”. Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục TE hiệu quả cũng là xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước trong tương lai.
HỒNG PHƯƠNG