Tảo mộ - nét đẹp văn hóa

Thứ sáu, ngày 20/01/2017

(BDO) Tết đến, không chỉ đơn thuần là niềm vui được đón chào năm mới, mà còn là thời điểm thiêng liêng, mang nhiều dấu ấn tâm linh, ai cũng muốn hướng về nguồn cội. Một trong những phong tục mang nhiều ý nghĩa nhân dịp xuân về đó là tập tục tảo mộ cuối năm.   

Làm đẹp các phần mộ

Theo tập tục, chuẩn bị đón tết, người dân thường tổ chức đi tảo mộ. Dịp tảo mộ cuối năm (từ ngày 23 đến 26-12 âm lịch) thật ấm áp và đầy ắp sự tôn kính, tưởng nhớ tổ tiên. Từ sáng sớm, tại các nghĩa trang đã có bóng người thấp thoáng đến tảo mộ. Ban đầu chỉ vài người, sau đó hàng chục người. Trên tay mỗi người nào là cuốc, khăn, thau, nước, các thùng sơn để lau dọn, sơn sửa các phần mộ.

Mẹ Trịnh Thị Mùi, quê Quảng Nam đến thăm con trai là liệt sĩ tại NTLS tỉnh

Riêng tại Hoa viên nghĩa trang Bình Dương (phường Chánh Phú Hòa, TX.Bến Cát), nơi được xem là “thành phố” của những người đã khuất, dịp này cũng khá đông người đến tảo mộ. Tạo thuận lợi cho người thân đến thăm, viếng và tảo mộ, Ban giám đốc Hoa viên cũng đã tổ chức các chuyến xe đưa rước vào các ngày thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật hàng tuần. Thời gian từ ngày 17-11 đến 25-12 âm lịch.

Đi tảo mộ, không chỉ có người lớn, trẻ em cũng được theo cha mẹ hay ông bà đi tảo mộ để được nghe chỉ dạy về gia tiên, dòng tộc và kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ. Đây không chỉ đơn giản là sửa sang lại nơi an nghỉ của người đã khuất, mà còn chứa đựng những giá trị tốt đẹp trong nền văn hóa tín ngưỡng của nhân dân ta. Sửa sang lại mộ phần mang ý nghĩa bày tỏ lòng thành kính đối với những người đã khuất, nuôi dưỡng, phát huy và giữ vững đạo lý tốt đẹp của gia đình.

Sau khi dọn dẹp xong, các gia đình bày hương hoa, lễ vật cúng bái tại mộ, cung thỉnh hương hồn những người quá vãng về nhà ăn tết với con cháu. Người ta quan niệm rằng sống sao chết vậy. Người sống đón một năm mới bằng cách trang hoàng lại nhà cửa thì người đã khuất cũng cần được sửa sang lại nơi an nghỉ. Ông Trần Mạnh Hùng, phường Thới Hòa, TX.Bến Cát nói, ngày tảo mộ rất thiêng liêng và là việc làm thường xuyên của gia đình. Do đó, sáng 23-12 âm lịch hàng năm, con cháu tập trung tại khu mộ của ông bà được chôn tại nghĩa trang tập thể phường Thới Hòa để dọn dẹp, thắp nhang. Các cháu đi tảo mộ để biết về tổ tiên, mặt khác, cũng mong ông bà tổ tiên phù hộ để con cháu có sức khỏe, học tập tốt và ăn nên làm ra.

Tưởng nhớ đến các anh…

Ngày tảo mộ, tại Nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) tỉnh, NTLS các huyện, thị cũng đón nhiều thân nhân các liệt sĩ đến viếng. Trong đó, có nhiều người mẹ lặn lội từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung để đến thăm con. Mẹ Trịnh Thị Mùi, quê Quảng Nam, mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng ngày tảo mộ mẹ cũng lặn lội xa xôi đến “chăm sóc” con trai đang yên nghỉ tại NTLS tỉnh. Mẹ nói, nhà có 3 anh em, ngày Tùng (tên liệt sĩ) hy sinh, mẹ đau lắm. Biết tin con nằm ở đây, năm nào mẹ cũng đến thăm, nói chuyện với con để con cảm thấy ấm lòng. Mọi người khuyên mẹ đưa anh về quê chôn cất nhưng mẹ không đồng ý vì mẹ biết con mẹ ở đây sẽ vui hơn vì có đồng đội.

Hiện tại, Bình Dương có 1 NTLS cấp tỉnh và 5 NTLS huyện, thị với 13.006 mộ liệt sĩ (trong đó mộ biết tên là 8.687 và mộ không biết tên là 4.229). Chăm lo giấc ngủ cho các anh, các NTLS đều có người dọn dẹp, nhang khói. Riêng những ngày cuối năm, dịp tảo mộ, NTLS cũng đón nhiều bạn đoàn viên thanh niên, học sinh đến dọn dẹp, lau chùi các phần mộ liệt sĩ. Nhiều NTLS, các chi đoàn đã phân chia khu vực, mỗi năm 3 đợt là Ngày Thương binh liệt sĩ, Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và dịp gần tết, các đơn vị đều cử đoàn viên đến dọn dẹp.

Bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, chăm sóc các phần mộ liệt sĩ là việc làm thường xuyên của cán bộ quản trang. Riêng dịp cuối năm, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi tảo mộ, ở NTLS tỉnh, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo cho Ban quản trang mở cửa nghĩa trang, tổ chức giữ xe, đồng thời làm vệ sinh, giữ gìn an ninh trật tự trong khuôn viên nghĩa trang trong những ngày giáp tết… Ngày tảo mộ không chỉ là một nét văn hóa truyền thống độc đáo của mỗi người mà còn là dịp để thể hiện tinh thần đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của ông cha ta. Và ở NTLS tỉnh, NTLS các huyện, thị nơi yên nghỉ của hàng ngàn liệt sĩ đã nằm xuống cho độc lập dân tộc, nghĩa cử này càng được thể hiện một cách sâu sắc hơn.

THIÊN LÝ