Tạo lập môi trường thuận lợi để doanh nghiệp khởi nghiệp: Nền tảng xây dựng thành phố thông minh

Thứ năm, ngày 14/12/2017

Theo các cam kết của Bình Dương, đến năm 2020 tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho 50.000 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập và hoạt động. Do đó, chuẩn bị các đề án, kế hoạch để các DN đăng ký thành lập nói chung, tạo lập môi trường thuận lợi để DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng là một yếu tố hết sức quan trọng trong định hướng xây dựng thành phố thông minh Bình Dương trong tương lai.

(BDO)

 Xây dựng thành phố thông minh, Bình Dương hướng đến một nền kinh tế năng động, dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, thu hút các nhà đầu tư lớn. Trong ảnh: Lễ khởi công xây dựng Nhà máy Tetra Pak, KCN VSIP II. Ảnh: PHƯƠNG LÊ

 Tạo thuận lợi cho DN

Theo Đề án Bình Dương Navigator 2021 - Chương trình chiến lược đột phá Bình Dương 2021, tầm nhìn đến năm 2030, Bình Dương sẽ chú trọng và hành động trong các lĩnh vực con người, công nghệ, doanh nghiệp, môi trường. Việc ứng dụng mô hình “ba nhà” (Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp) sẽ tác động trực tiếp vào sự phát triển của Bình Dương, như thu hút các công ty công nghệ, thu hút đầu tư, lao động tri thức. Điều đáng nói, thời gian qua, Bình Dương đã xây dựng một chính quyền hành động, phục vụ người dân, DN, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi và minh bạch, thông thoáng.

Ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, những năm qua Bình Dương luôn lấy cải cách hành chính làm giải pháp đột phá để cải thiện môi trường đầu tư. Theo đó, tỉnh đã tập trung đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn tối đa thời gian giải quyết thủ tục thành lập DN, thực hiện dự án đầu tư, thủ tục cấp phép xây dựng, thủ tục thông quan hàng hóa, đăng ký quyền sở hữu... theo mức trung bình ASEAN-4; nhờ đó Bình Dương là tỉnh nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về chỉ số cải cách thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, tỉnh đã chú trọng đầu tư cải thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật thiết yếu phục vụ thu hút đầu tư; huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Các DN trên địa bàn tỉnh luôn được tỉnh hỗ trợ như hỗ trợ nghiên cứu, đổi mới công nghệ phục vụ phát triển sản phẩm mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao; nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất, thúc đẩy liên kết giữa các DN, giữa DN và các tổ chức khác nhằm giúp DN tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị; đồng thời thúc đẩy tinh thần kinh doanh, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Tỉnh cũng đã phê duyệt kế hoạch thực hiện đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2017-2020...

Ông Trúc cho biết thêm, nhằm xây dựng đội ngũ người lao động có kỹ năng và tay nghề để tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu có mức giá trị gia tăng cao, tỉnh còn quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nhiều ngành, lĩnh vực phục vụ các ngành công nghiệp, dịch vụ có hàm lượng khoa học - công nghệ tiên tiến…

Hướng đến nền kinh tế năng động dựa trên nền tảng sáng tạo

Trong thời gian tới, Bình Dương hướng đến một nền kinh tế năng động dựa trên nền tảng sáng tạo, trở thành một khu vực sản xuất công nghệ cao có khả năng cạnh tranh và thu hút các nhà đầu tư với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và mạng lưới các DN lớn và nhà cung cấp có năng lực, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trên cơ sở đó, tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch nhằm trước mắt đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế làm nền tảng phát triển xã hội văn minh, xanh, sạch hơn, như: Kế hoạch đổi mới thu hút đầu tư, kế hoạch phát triển dịch vụ chất lượng cao phục vụ phát triển công nghiệp và đô thị, kế hoạch đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trọng điểm. Bên cạnh đó là đề án xây dựng thành phố thông minh với các định hướng phát triển chủ yếu như thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào ngành công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường, tập trung thu hút vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được quy hoạch.

Tỉnh cũng chú trọng thu hút đầu tư trong nước đối với ngành công nghiệp phụ trợ, cung cấp nguyên liệu cho các tập đoàn lớn, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia; cùng với đó phát triển các dịch vụ thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, xuất nhập khẩu, logistics…

Với truyền thống năng động sáng tạo, cộng đồng DN chính là động lực để Bình Dương hiện thực hóa khát vọng về một thành phố thông minh, phát triển nhanh và bền vững. Môi trường kinh doanh thuận lợi là điều kiện để Bình Dương phát huy hết tiềm năng phát triển của mình, đồng thời thể hiện sự tôn trọng của chính quyền tỉnh đối với những đóng góp của cộng đồng DN trong suốt thời gian qua.

Tạo lập môi trường ổn định, thuận lợi để các DN tham gia đóng góp, đồng hành và gắn bó với tỉnh Bình Dương trên con đường phát triển là cam kết và cũng là trách nhiệm của chính quyền tỉnh trong việc xây dựng và phát triển thành phố Bình Dương thông minh, hiện đại, phát triển trong tương lai.

 Phát biểu tại Hội thảo doanh nghiệp về “Các giải pháp, ý tưởng đổi mới sáng tạo trong xây dựng thành phố thông minh Bình Dương” vừa qua, ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã nhấn mạnh, lãnh đạo quyết tâm xây dựng một chính quyền hành động, phục vụ người dân, DN, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và minh bạch. Trong đó, tỉnh tập trung vào những vấn đề cấp bách như: Lấy cải cách hành chính làm giải pháp đột phá để cải thiện môi trường đầu tư; đơn giản thủ tục và rút ngắn tối đa thời gian giải quyết thủ tục thành lập DN và thực hiện dự án đầu tư, thủ tục cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan, thủ tục thông quan hàng hóa, đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản… theo mức trung bình của ASEAN-4.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung đầu tư cải thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật thiết yếu phục vụ thu hút đầu tư; huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là các công trình mang tính động lực, có sức lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tỉnh tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ DN; hỗ trợ DN nghiên cứu, đổi mới công nghệ phục vụ phát triển sản phẩm mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao; thúc đẩy liên kết giữa các DN, giữa DN và các tổ chức khác nhằm giúp DN tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị…

 PHƯƠNG LÊ