Tạo dựng, nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm
(BDO) Tuy hàng hóa Bình Dương đang từng bước vươn ra thị trường toàn cầu với những tín hiệu tích cực, song nhiều sản phẩm của doanh nghiệp (DN) vẫn chưa được người tiêu dùng biết đến. Thực tế này đặt ra yêu cầu cần làm gì để hàng hóa địa phương có được sức cạnh tranh trên sân chơi thương mại quốc tế.
Sản xuất tại Công ty Thiết bị điện Kim Sang (TP.Tân Uyên)
Xây dựng thương hiệu
Nhờ tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng, Việt Nam đã góp mặt vào nhóm 20 quốc gia có thương mại hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều nhóm hàng Đông Nam bộ xuất khẩu dưới tên một nhãn hiệu khác. Điều này phản ánh đúng với nhóm hàng nông sản khi có tới 80% sản phẩm chưa có thương hiệu.
Anh Phạm Trung Kiên, chủ cơ sở mật ong KT Honey Bee (huyện Dầu Tiếng), cho biết: “Biết rõ là mật ong của chúng tôi được thu mua để xuất khẩu nhưng cơ sở chỉ biết làm theo tiêu chuẩn mà các đơn vị thu mua yêu cầu. Khối lượng mật thu về từ các trại cơ sở sẽ tiến hành xử lý loại bỏ tạp chất bằng rây thép không rỉ, sau đó bán cho các công ty thương mại xuất khẩu. Sản phẩm bán ra thường có giá thành rẻ do mật ong xuất thô. Chúng tôi xác định xây dựng thương hiệu mật ong KT Honey Bee để tiếp cận thị trường trong nước, tiếp đến là để kết nối giao thương, hướng đến xuất khẩu trong tương lai”.
Với nhãn hàng điện - điện tử, tình trạng ấy cũng phổ biến khi các DN chủ yếu là gia công. Ông Trần Kim Hà, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Thiết bị điện Kim Sang (TP. Tân Uyên), cho biết công ty đã xuất khẩu đèn led ra thị trường châu Âu, Mỹ, tuy vậy cũng chỉ là xuất cho các đối tác sản xuất. Trong thời gian tới, công ty mong muốn sản phẩm thương hiệu đèn led Kim Sang tiếp cận trực tiếp với khách hàng, nhất là thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để cạnh tranh với các sản phẩm đã định vị được thương hiệu lớn trên thế giới như hiện nay.
Tiếp cận thị trường thông qua thương mại điện tử là con đường để nhận diện thương hiệu nhanh trong xu hướng hiện nay nhưng cũng không thể nóng vội. Ông Mike Zhang, Giám đốc quốc gia Alibaba.com Việt Nam, cho biết thương mại số là giải pháp hữu hiệu giúp các DN tìm kiếm mô hình hoạt động linh hoạt, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực, nhanh chóng thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu. Song không phải là “cây đũa thần” ngay lập tức giúp DN kinh doanh hiệu quả.
“Các DN cần đầu tư chuyên nghiệp, bài bản, có đội ngũ chuyên trách kỹ thuật số mới có thể thành công. Bên cạnh đó cần có chiến lược dài hạn, kiên trì tiếp cận khách hàng bởi kinh doanh không thể là chuyện ngày một ngày hai. Chúng tôi sẽ hỗ trợ các bước đi cùng DN để tiếp cận thị trường, giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng trên thế giới”, ông Mike Zhang cho biết thêm.
Nắm rõ thông tin thị trường
Thông tin cho cộng đồng DN về xu hướng nhập khẩu sản phẩm xanh, sản phẩm thân thiện với môi trường của thị trường EU, bà Nga Đặng, đồng sáng lập Vietnam Food Europe BV (Hà Lan), khẳng định phát triển xanh không chỉ đơn thuần là một xu hướng mà đang trở thành một yếu tố cấp thiết và bắt buộc trên toàn thế giới hiện nay. Thực tế phát triển xanh mang lại nhiều lợi ích thiết thực cả về kinh tế lẫn những giá trị vô hình, giúp DN tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
“Sản xuất xanh là yêu cầu của nhiều thị trường lớn trên thế giới, các DN Việt Nam vì thế cần chú trọng chuyển dịch sản xuất, dịch vụ theo hướng “xanh”, tận dụng những lợi thế để quảng bá, nâng cao giá trị thương hiệu. Đặc biệt, các DN xanh sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa, mở rộng thị phần, phát triển ổn định tại các thị trường khó tính như châu Âu. Với những yêu cầu như vậy, DN cần tiến tới tạm dừng sản xuất sản phẩm có phát thải lớn, ô nhiễm môi trường và thay thế bằng các dòng sản phẩm thân thiện, tiết kiệm năng lượng”, bà Nga Đặng khuyến cáo.
Ông Danny Võ, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Việt Nam ở nước ngoài, khuyến cáo các DN tham gia hoạt động xuất nhập khẩu cần thận trọng trong giao kết hợp đồng và trong khâu thanh toán, đặc biệt với các thị trường có rủi ro cao. Khi giao kết hợp đồng xuất khẩu, DN nên đàm phán, thực thi các phương thức thanh toán an toàn như thư tín dụng L/C không hủy ngang thay cho các phương thức chuyển tiền T/T trả sau, phương thức thanh toán nhờ thu. Đồng thời DN tăng cường nghiên cứu thị trường, làm quen với văn hóa kinh doanh của từng nước, đối tác cũng như tìm hiểu về các hệ thống cơ quan giải quyết tranh chấp và thủ tục giải quyết tranh chấp của nước mà mình có quan hệ kinh tế.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), cho biết Bộ Công thương triển khai các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu như hỗ trợ DN khai thác lợi ích của các FTA như nội luật hóa các cam kết. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết nhằm hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các DN trên địa bàn khu vực vùng Đông Nam bộ hiểu hơn về các cơ hội có thể tận dụng để đẩy mạnh xuất khẩu. Nghiên cứu, đánh giá tác động của các FTA, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ để tạo thuận lợi hơn cho DN xuất khẩu.
TIỂU MY