Tạo đột phá thương mại - dịch vụ
(BDO) Một bước đi quan trọng trong chiến lược của huyện Dầu Tiếng là phát triển kinh tế song hành với phát triển đô thị, tạo động lực cho thương mại - dịch vụ tăng tốc trong giai đoạn mới.
“Đánh thức” tiềm năng
Trong kết quả phát triển kinh tế của huyện Dầu Tiếng năm 2024, giá trị thương mại - dịch vụ (TM-DV) ước đạt trên 8.860 tỷ đồng, tăng 12,7% so với năm 2023, đạt 100,09% kế hoạch. Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, trong năm huyện đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế. Huyện cũng tập trung thực hiện các giải pháp nhằm chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, TM-DV, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
UBND huyện xác định việc phát triển công nghiệp phải gắn với phát triển đô thị, dịch vụ, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Hiện nay, TM-DV trên địa bàn phát triển mạnh, tập trung ở thị trấn Dầu Tiếng, trung tâm các xã. Những năm gần đây, hạ tầng TM-DV trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, nhiều chợ được đầu tư mới, các cửa hàng tiện ích, siêu thị mini, cửa hàng buôn bán ngày càng nhiều, hàng hóa ngày càng phong phú về chủng loại, mẫu mã, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.
Huyện Dầu Tiếng luôn tạo thuận lợi để thương mại - dịch vụ phát triển. Trong ảnh: Khách tham quan Khu du lịch núi Cậu Ảnh: MINH DUY
Theo Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Dầu Tiếng đến năm 2040, huyện sẽ được chia thành 5 phân vùng phát triển, trong đó có 3 khu đô thị mới. Mỗi vùng phát triển được xây dựng dựa trên thế mạnh và tài nguyên đặc trưng của từng khu vực, bảo đảm sự phát triển đồng đều và bền vững. Quy hoạch này không chỉ nhằm khai thác triệt để các tiềm năng kinh tế và tài nguyên của huyện mà còn giúp định hình hướng đi cho sự phát triển dài hạn và thúc đẩy lĩnh vực TM-DV phát triển đồng đều.
Thực hiện đồ án này, huyện Dầu Tiếng sẽ đầu tư phát triển khu trung tâm TM-DV - khu dân cư thị trấn Dầu Tiếng, địa điểm tại khu phố 4B, với diện tích 27,78 ha, dự kiến triển khai trong giai đoạn 2025-2030. Cùng với đó, huyện đầu tư khu trung tâm TM-DV - dân cư phía tây bắc thị trấn Dầu Tiếng, với diện tích 60,9 ha, dự kiến triển khai trong giai đoạn 2025-2030. Các xã Thanh Tuyền, Minh Hòa, Long Hòa phấn đấu đạt đô thị loại V trong giai đoạn 2025-2030; xây dựng và phát triển các khu đô thị Thanh An, An Lập, Long Tân, Định Hiệp. Từ nay đến năm 2030, huyện sẽ phát triển thêm 3 thị trấn mới là Thanh Tuyền, Long Hòa và Minh Hòa; các khu vực xã Thanh An, An Lập, Long Tân và Định Hiệp sẽ được nâng cấp để đạt các tiêu chí đô thị loại V, với mục tiêu là đưa huyện Dầu Tiếng đạt chuẩn đô thị loại IV, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện.
Tăng tốc mời gọi đầu tư
Huyện Dầu Tiếng được hưởng lợi là cửa ngõ giao thương quan trọng nối TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương, trở thành điểm nhấn để thu hút các nhà đầu tư, nhất là đầu tư vào lĩnh vực logistics. Hiện nay, huyện đang ưu tiên đầu tư kho bãi hàng hóa, kho chuyên dụng, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thương mại dự trữ, trung chuyển hàng hóa; đồng thời mời gọi đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, siêu thị tại thị trấn Dầu Tiếng, các xã Thanh Tuyền, Long Hòa, Minh Hòa. Huyện cũng chú trọng nâng cấp các chợ, đặc biệt là chợ nông thôn để đáp ứng tốt hơn nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân; phát triển dịch vụ tài chính - ngân hàng đáp ứng nhu cầu phát triển của đô thị; phát triển dịch vụ vận chuyển đường thủy, dịch vụ logistics thông qua hỗ trợ, thúc đẩy đầu tư, phát triển hệ thống cảng hàng hóa, cảng thủy nội địa trên sông Sài Gòn.
Riêng lĩnh vực dịch vụ du lịch, huyện Dầu Tiếng đang có kế hoạch phát triển 4 khu du lịch lớn, gồm hồ Dầu Tiếng, khu vực ven sông Sài Gòn, đập sông Thị Tính và hồ Cần Nôm, với tổng diện tích quy hoạch lên đến 3.580 ha. Những khu vực này khi phát triển thành điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng sẽ trở thành động lực lớn trong việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực thương mại - dịch vụ của huyện.
TIỂU MY