Tạo động lực phát triển từ hạ tầng kết nối - Kỳ 1

Thứ sáu, ngày 31/05/2024

(BDO) Kỳ 1: Xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại

 Với tư duy đổi mới, sáng tạo và kế thừa những thành quả của những nhiệm kỳ trước, Bình Dương đã có những bước đột phá trong đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mở ra không gian phát triển mới...

 Đường Mỹ Phước - Tân Vạn - Bàu Bàng hoàn thành đưa vào khai thác tạo kết nối nội tỉnh, liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

 Triển khai nhiều dự án

Đến thời điểm hiện tại, kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh được đầu tư phát triển mạnh, quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện kết nối trực tiếp đến các khu công nghiệp, bảo đảm thuận tiện trong đi lại, giao thương. Hiện Bình Dương đang tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại để mở rộng không gian phát triển, hài hòa khu vực đô thị, nông thôn.

Mới đây, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh (BQL) - đơn vị chủ đầu tư dự án đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành đã tổ chức họp dân để công bố chủ trương đầu tư. Ông Võ Ngọc Sang, Phó Giám đốc BQL, cho biết dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành là trục cao tốc Bắc Nam của Bình Dương, Bình Phước (trục xuyên tâm cắt qua đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh, Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, dẫn đến đường Vành đai 2 TP.Hồ Chí Minh), nối tiếp tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Tuyến cao tốc này có ý nghĩa, vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng - an ninh của vùng Tây nguyên và Đông Nam bộ, cần sớm được đầu tư để tạo động lực phát triển.

Trước đó, BQL cũng đã tổ chức họp dân công bố chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh. Ông Võ Ngọc Sang cho biết dự án đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển của các địa phương trong tỉnh và các tỉnh, thành trong khu vực, rút ngắn thời gian lưu thông, thúc đẩy các hoạt động thương mại, vận tải, kết nối các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Trong năm 2023, Bình Dương đã động thổ xây dựng dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh. Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh là một dự án quan trọng của quốc gia. Xây dựng dự án nhằm giảm tình trạng quá tải hạ tầng giao thông ở cửa ngõ TP.Hồ Chí Minh, tăng khả năng kết nối đô thị vệ tinh, phát huy hiệu quả lợi thế các tỉnh, phát triển dịch vụ vận tải liên vùng, mở rộng phát triển đô thị, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm thời gian và chi phí đi lại, vận chuyển hàng hóa, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của cả vùng.

Sự hình thành của các công trình kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm như Quốc lộ 13, Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh, đường Mỹ phước - Tân Vạn - Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành… đã, đang và sẽ tiếp tục tạo động lực giúp Bình Dương tăng tốc phát triển một cách bền vững.

Liên thông, kết nối vùng

Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Dương tập trung đầu tư, nâng cấp và phát triển hệ thống giao thông tỉnh đồng bộ, hiện đại, sớm giải quyết tình trạng ùn tắc trên các tuyến giao thông huyết mạch, quy hoạch hạ tầng giao thông tổng thể, bền vững và liên ngành, gắn với phát triển đô thị. Đồng thời, tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư trọng tâm, trọng điểm các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, có tính đột phá, huyết mạch của tỉnh và của vùng, kết nối đến khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch, trung tâm logistics, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững theo hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa, thành phố thông minh.

Bên cạnh đó, Bình Dương tích cực phối hợp với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để đẩy nhanh đầu tư, kết nối các tuyến đường vành đai, cao tốc… theo quy hoạch vùng nhằm giảm tải cho các tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh. PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình, Viện Phát triển chính sách Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, cho rằng Bình Dương cần kết nối giao thông, đặc biệt kết nối với các cụm cảng lớn trong vùng. Bình Dương là địa phương có cơ sở hạ tầng tốt trong vùng Đông Nam bộ, có nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như các địa phương lân cận trong vùng. Nhưng Bình Dương cần tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, cho biết: “Để phát triển lên nấc thang mới, thời gian tới Bình Dương tiếp tục ưu tiên đầu tư, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thiện một số tuyến cao tốc trên địa bàn tỉnh, đến 2030 phát triển đồng bộ hệ thống giao thông nội tỉnh và kết nối vùng, đa dạng các loại hình giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt; trọng tâm là tuyến Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành, đường sắt Bàu Bàng - Cái Mép và tuyến metro từ Suối Tiên về trung tâm thành phố mới Bình Dương; đầu tư nâng cao chất lượng đô thị, bảo đảm hiện đại, thông minh, kết nối với các đô thị lớn trong vùng và khu vực”. (Còn tiếp)

 PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình, Viện Phát triển chính sách Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh: Khối lượng hàng hóa xuất khẩu tại các khu công nghiệp ở Bình Dương rất lớn, tuy nhiên sự liên kết các trục giao thông đường bộ chính với các cảng lớn trong vùng còn nhiều hạn chế. Vì vậy, sự liên kết đồng bộ trong đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ gắn với các cụm cảng lớn cũng như nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt vận tải hàng hóa Bình Dương - Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối với cảng biển Cái Mép - Thị Vải là hết sức cần thiết, không chỉ cho Bình Dương mà cho cả vùng.

 PHƯƠNG LÊ