Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội:
Tạo điều kiện thuận cho người khuyết tật
(BDO) Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) về “Xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện” có hiệu lực đã tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật (NKT). Để hiểu rõ thêm về thông tư này, phóng viên Báo Bình Dương vừa có cuộc phỏng vấn ông Hà Minh Trung, Phó Giám đốc Sở LĐ -TB&XH.
Ông Hà Minh Trung, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thăm hỏi, tặng quà cho người khuyết tật
- Ông có thể nói rõ hơn về phạm vi điều chỉnh của Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH?
- Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH thay thế Thông tư liên tịch 37/2012/TTLT-BLĐTBXH - BYT- BTC - BGDĐT ngày 28-12-2012 của Bộ LĐ-TB&XH - Bộ Y tế - Bộ Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, phạm vi điều chỉnh của thông tư nêu rõ hoạt động của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật; phương pháp xác định mức độ khuyết tật; hồ sơ, thủ tục; cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi giấy xác nhận khuyết tật; kinh phí thực hiện xác định mức độ khuyết tật.
- Những điểm mới của thông tư là gì, thưa ông?
- Theo đó, Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH ngày 2-1-2019 của Bộ LĐ-TB&XH có một số điểm mới so với Thông tư liên tịch số 37/2012/ T T LT- B L Đ T B X H - B Y T-BTC-BGDĐT, điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho NKT nói chung và Hội đồng xác định mức độ khuyết tật nói riêng. Cụ thể, Chủ tịch Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã có trách nhiệm gửi văn bản tham khảo ý kiến cơ sở giáo dục về tình trạng khó khăn trong học tập, sinh hoạt, giao tiếp và kiến nghị về dạng khuyết tật, mức độ khuyết tật của người được xác định mức độ khuyết tật đang đi học. Thành phần hồ sơ và các giấy tờ liên quan cần thiết khi NKT hoặc người đại diện hợp pháp của NKT đi nộp hồ sơ đề nghị xác định mức độ khuyết tật. Không bắt buộc phải làm thủ tục cấp lại giấy xác nhận khuyết tật đối với NKT từ đủ 6 tuổi trở lên thuộc nhóm khuyết tật đặc biệt nặng bị mắc một trong các các dạng tật: Mềm nhẽo hoặc co cứng toàn thân hoặc liệt toàn thân, thiếu 2 tay, mù hai mắt hoặc thiếu hai mắt, liệt hoàn toàn hai tay hoặc liệt nửa người, có kết luận của cơ sở y tế cấp tỉnh trở lên mắc một hoặc nhiều loại bệnh (bại não, não ứng thủy, tâm thần phân liệt).
Đặc biệt, Thông tư 01 đã quy định rõ hơn những căn cứ cho Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã thực hiện xác định mức độ khuyết tật đối với các dạng khuyết tật vận động, nghe nói; nhìn; thần kinh, tâm thần; trí tuệ và khuyết tật khác. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho Hội đồng xác định mức độ khuyết tật cấp xã trong xác định mức độ khuyết tật được kịp thời, thống nhất. Đồng thời, với các quy định này cũng giúp cho NKT tiết kiệm thời gian đi lại hơn khi nhiều dạng tật, mức độ khuyết tật có thể được xác định ngay tại nơi cư trú, thay vì như một số trường hợp như trước đây phải đến Trung tâm Giám định y khoa để giám định tỷ lệ thương tật.
- Việc thực hiện Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH ở Bình Dương đã được triển khai ra sao, thưa ông?
- Vừa qua, chúng tôi đã tổ chức hội nghị tập huấn cho 9 huyện, thị, thành phố về việc triển khai và thực hiện Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH. Tham gia hội nghị gồm: Chủ tịch xã, phường, thị trấn, các cán bộ phụ trách LĐ-TB&XH, cán bộ các hội, đoàn thể, cộng tác viên công tác xã hội, cộng tác viên gia đình trẻ em, đại diện hộ gia đình có NKT. Đến nay, hầu hết các địa phương đã phổ biến rộng rãi thông tư cho người dân biết. Đặc biệt, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị, thành phố phối hợp với các ngành, đoàn thể tuyên truyền, thông báo cho NKT biết, rà soát lại đối tượng, xác định chính xác mức độ khuyết tật, từ đó bảo đảm việc thực hiện các chế độ, chính sách kịp thời, công khai, minh bạch.
- Xin cảm ơn ông!
KIM HÀ (thực hiện)