Tạo điều kiện giữ vững xuất khẩu, ổn định sản xuất, kinh doanh

Thứ bảy, ngày 14/08/2021

(BDO) Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, để giữ vững xuất khẩu, các bộ, ngành, địa phương đã và đang tích cực bảo vệ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD).


DN đang nỗ lực để duy trì sản xuất, bảo đảm giữ vững chuỗi cung ứng. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Phiên Thiên, Cụm công nghiệp Phú Chánh, TX.Tân Uyên

Giữ vững xuất khẩu

Trong 7 tháng năm 2021, dù tình hình dịch bệnh phức tạp, song với những nền tảng vững chắc tạo lập từ trước, tình hình xuất khẩu của tỉnh vẫn tiếp tục được giữ vững. Một số doanh nghiệp (DN) có đơn hàng xuất khẩu, nhất là ngành dệt may, chế biến gỗ... khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, lũy kế 7 tháng năm 2021 kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 20,3 tỷ đô la Mỹ, tăng 43,51% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước gần 4 tỷ đô la Mỹ, tăng 50,2%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài hơn 16,4 tỷ đô la Mỹ, tăng 42%. Bình Dương duy trì mức xuất siêu đạt gần 4,5 tỷ đô la Mỹ.

Nhiệm vụ, giải pháp của những tháng cuối năm của tỉnh là phải hết sức quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, khắc phục các hạn chế, khó khăn, sớm đẩy lùi dịch bệnh, tạo điều kiện ổn định cho DN, đời sống của người dân.

(Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh)

Trong đó, mặt hàng xuất khẩu chủ lực là ngành gỗ vẫn tăng trưởng mức khá. Tháng 7 năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ dự ước đạt 740,4 triệu đô la Mỹ, tăng 1,6% so với tháng trước. Lũy kế 7 tháng xuất khẩu ước đạt gần 4,4 tỷ đô la Mỹ, tăng 57,3% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 24,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ngành dệt may, giày da cũng đã vực dậy sau những khó khăn kéo dài suốt năm 2020 do thị trường bị ảnh hưởng, đạt mức tăng trưởng hai con số. Cụ thể, 7 tháng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,7 tỷ đô la Mỹ, tăng 28,68% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 9,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 1,2 tỷ đô la Mỹ, tăng 28,86% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 6,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Cùng với chỉ số xuất khẩu tăng cao, lĩnh vực nhập khẩu cũng là minh chứng rõ nét cho sự phát triển ổn định của các DN khi liên tục nhập thêm máy móc, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất. Lũy kế 7 tháng năm 2021 kim ngạch nhập khẩu ước đạt 15,8 tỷ đô la Mỹ, tăng 43,7% so với cùng kỳ. Theo ông Nguyễn Trường Thi, Phó Giám đốc Sở Công thương, để thực hiện “mục tiêu kép”, thời gian qua tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung vào các nhóm giải pháp trọng tâm, nhằm đẩy lùi dịch bệnh, hỗ trợ DN ổn định SXKD, phục hồi khi có điều kiện.

Tuy nhiên, theo ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, bên cạnh những mặt tích cực trong 6 tháng đầu năm, từ tháng 7 và tháng 8, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh cũng bộc lộ những khó khăn, thách thức không nhỏ. Các hoạt động SXKD, xuất khẩu, lưu thông hàng hóa, đều đã gặp nhiều khó khăn. Nhất là ở các vùng, địa phương động lực đã ảnh hưởng đáng kể đến kết quả chung của kinh tế toàn tỉnh.

Vừa chống dịch, vừa sản xuất

Thời gian qua, một số DN, hiệp hội đã phản ánh về những hạn chế của các phương án phòng, chống dịch bệnh tại DN hiện nay như “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”. Đồng thời, đề xuất có những phương án khác thay thế để bảo đảm tạo thuận lợi nhất cho hoạt động SXKD trong dịch bệnh.

Để các địa phương, DN, cơ sở SXKD, khu công nghiệp chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bảo đảm SXKD, Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành căn cứ các hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế và đặc biệt dựa trên đánh giá tình hình thực tế tại địa phương để hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch và phương án phòng, chống dịch bệnh phù hợp, hiệu quả. Trên cơ sở hướng dẫn và diễn biến thực tế tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chính quyền các cấp và các cơ sở SXKD, khu công nghiệp xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp và bảo đảm an toàn sản xuất.

Theo đó, UBND tỉnh vừa có văn bản yêu cầu các sở, ban ngành chức năng và UBND các huyện, thị, thành phố tiếp tục huy động toàn bộ hệ thống chính trị và các nguồn lực hợp pháp (nhân lực, vật lực, tài lực) để chủ động thực hiện kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Từ đó sớm khôi phục lại hoạt động SXKD, phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới. UBND tỉnh đề nghị các sở, ban ngành chức năng và các địa phương tích cực phối hợp một cách nhuần nhuyễn và đẩy nhanh tiến độ tầm soát, truy quét Covid-19, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng dân cư và các nhà máy, xí nghiệp. Trên cơ sở đó liên tục thiết lập, mở rộng và duy trì “vùng xanh”, đồng thời thu hẹp và siết chặt, khoanh vùng, truy vết F0 ở các điểm đỏ, “vùng đỏ” trong cộng đồng dân cư.

Để sớm mở lại hoạt động SXKD trong điều kiện bình thường mới, UBND tỉnh chỉ đạo ngành y tế và các địa phương có phương án, kế hoạch triển khai nhanh chóng, hiệu quả chiến dịch tiêm chủng khi có vắc xin về. Cố gắng hoàn thành nhanh chóng công tác tiêm chủng để sớm tạo ra miễn dịch cộng đồng cho người dân, công nhân lao động. Theo Sở Công thương, thời gian tới sẽ phối hợp với các sở, ban ngành chức năng và các địa phương nhanh chóng thực hiện phương án thiết lập, mở rộng “vùng xanh” an toàn. Bên cạnh đó, hướng dẫn tổ chức thật tốt hoạt động SXKD bảo đảm an toàn phòng dịch theo tiêu chí DN xanh, nhà trọ xanh, công nhân xanh mà mô hình “1 cung đường, 2 điểm đến” trong điều kiện bình thường mới đề cập.

TIỂU MY