Tạo điều kiện để nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh
(BDO) Tại hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với nông dân (ND) năm 2023 được tổ chức cuối tuần qua, nhiều kiến nghị về phát triển nông nghiệp (NN), ND, nông thôn (NT), đặc biệt là NN công nghệ cao đã được nêu ra; nhiều giải pháp cũng đã được đề xuất nhằm giúp ND phát triển sản xuất, kinh doanh (SXKD).
Cần có thêm chính sách hỗ trợ ND
Mở đầu hội nghị, ông Đỗ Ngọc Huy, Chủ tịch Hội ND tỉnh, cho biết những năm qua Bình Dương đã có nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến SXKD trong lĩnh vực NN, ND, NT. Đó là những cơ chế, chính sách tạo điều kiện để ND phát triển sản xuất; đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) ngành NN và phát triển NT giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách phát triển NN, ND, NT vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập; trong đó có vấn đề về nguồn lực đầu tư cho phát triển NN, ND, NT; khâu tổ chức sản xuất NN hiện đại theo chuỗi giá trị; tín dụng phục vụ phát triển NN…
Toàn cảnh buổi đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với hội viên nông dân
“Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với hội viên ND là diễn đàn quan trọng để ND gặp gỡ và trực tiếp phản ánh tâm tư, nguyện vọng, đề xuất những cơ chế, chính sách để phát triển SXKD”, ông Huy cho biết.
Tại buổi đối thoại, hội viên ND đã có nhiều ý kiến, kiến nghị về những cơ chế, chính sách đối với phát triển NN, ND, NT. Cụ thể, các hội viên ND đã đưa ra nhiều ý kiến tập trung vào việc hỗ trợ ND tiếp tục phát triển NT theo hướng ứng dụng công nghệ cao, NN đô thị phối hợp du lịch sinh thái; hình thành mô hình đặc trưng mang thương hiệu Bình Dương trong thời gian tới. Các hội viên, ND cũng kiến nghị tỉnh cần có các chính sách khởi nghiệp cho ND, chương trình liên kết hỗ trợ ND tiêu thụ nông sản, chủ trương hỗ trợ ND đi học tập kinh nghiệm, giới thiệu, quảng bá sản phẩm ND trong và ngoài nước.
Đến nay, 100% các xã trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Toàn tỉnh hiện có 41/41 xã đạt chuẩn NTM, 29/41 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; các xã đang tiếp tục đầu tư nâng chất các tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Hiện có3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM vàhoàn thành NTM là huyện Dầu Tiếng, TX.Bến Cát, TP.Tân Uyên. Các huyện Bàu Bàng, Phú Giáo và Bắc Tân Uyên đã được Hội đồng Trung ương thẩm định, hiện đang bổ sung hồ sơ để được công nhận huyện đạt chuẩn NTM theo quy định… |
Bà Nguyễn Thị Minh Tâm, hội viên ND xã Phú An, TX.Bến Cát, cho biết khởi nghiệp đã khó nhưng khởi nghiệp trong ND còn khó hơn. “Vì thế, ND chúng tôi mong muốn UBND tỉnh trong thời gian tới có giải pháp để hỗ trợ, khuyến khích ND khởi nghiệp, sáng tạo thành công”, bà Tâm nói.
Nhiều ND cũng kiến nghị tỉnh có định hướng thông tin thị trường và phát đi chỉ báo cho ND sản xuất theo tín hiệu thị trường, bảo đảm cho sản xuất hàng hóa của ND không rơi vào tình trạng “được mùa rớt giá”. Nhiều ý kiến cũng đề cập về CĐS trong NN, cần xác định vai trò chủ thể của ND trong quá trình phát triển NN, kinh tế NT gắn với xây dựng NT mới.
Ông Trịnh Minh Thành, ND xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên, kiến nghị các hợp tác xã và doanh nghiệp hiện chưa thực hiện tốt chính sách để liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm NN. Do đó, tỉnh cần chỉ đạo thực hiện tốt chính sách liên kết “6 nhà” (Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà bank, nhà khoa học, nhà phân phối)…
Tập trung giải quyết vướng mắc
Tại buổi đối thoại, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết thời gian qua Đảng, Nhà nước đã quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách về phát triển NN, ND, NT, đặc biệt là Nghị quyết số 19-NQ/TW về NN, ND, NT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện và đã ban hành nhiều chính sách, chương trình có liên quan đến SXKD trong lĩnh vực NN trên địa bàn tỉnh, nhất là những cơ chế, chính sách tạo điều kiện để ND phát triển sản xuất; đẩy mạnh CĐS ngành NN và phát triển NT giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.
Ngoài NN hữu cơ, tỉnh đẩy mạnh phát triển NN ứng dụng công nghệ cao, NN sinh thái gắn với phát triển du lịch tại 4 huyện phía bắc. Trọng tâm là nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm NN, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, hội nhập quốc tế, hướng đến phát triển NN bền vững; qua đó mở rộng thị trường tiêu thụ ổn định, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm NN.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm, nắm chắc thực tiễn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của ND, nhất là những vấn đề hỗ trợ ND tiếp tục phát triển NN theo hướng ứng dụng công nghệ cao, NN đô thị, phối hợp du lịch sinh thái; giới thiệu, quảng bá tiêu thụ sản phẩm NN.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành chức năng phối hợp xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung; đẩy mạnh liên kết, phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã; thiết lập, củng cố mối liên kết giữa các nhà sản xuất và cung ứng nông sản với các kênh phân phối; mở rộng thị trường tiêu thụ ổn định, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm NN bền vững. Các sở, ngành liên quan tổng hợp đầy đủ các ý kiến, rà soát lại toàn bộ chính sách đối với ND hoặc có liên quan đến ND để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, tham mưu xây dựng thêm các chính sách, cơ chế đặc thù của tỉnh có liên quan trực tiếp đến ND.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng chính sách phát triển các ngành, nghề gắn với định hướng phát triển kinh tế NT, chuyển đổi cơ cấu SXKD; phát triển các sản phẩm chủ lực, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho ND trên địa bàn. Sở Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh CĐS ngành NN và phát triển NT giai đoạn 2022-2025. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Bình Dương chỉ đạo các ngân hàng và các tổ chức tín dụng tổ chức ký kết chương trình phối hợp với Hội ND để thực hiện các hoạt động hỗ trợ ND vay vốn ưu đãi, khởi nghiệp phát triển SXKD…
HỒ VĂN