Tạo điều kiện để người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống
Giao thông, công trình xây dựng, môi trường làm việc… là những khó khăn mà người khuyết tật (NKT) đang gặp phải và mong muốn được cải thiện, giúp đỡ, chia sẻ để họ có cơ hội, điều kiện vươn lên trong cuộc sống bằng chính khả năng của mình…
(BDO)
Người khuyết tật giao lưu với những khách mời trong chương trình “Một thế giới cho tất cả”. Ảnh: C.LÝ
Mới đây, trường Đại học Thủ Dầu Một đã phối hợp với Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (TP.HCM) tổ chức buổi giao lưu kỷ niệm Ngày công tác xã hội với chủ đề: “Một thế giới cho tất cả”. Vấn đề được đặt ra tại buổi giao lưu chính là những chính sách ưu tiên cho NKT của Đảng và Nhà nước; tạo điều kiện cho NKT học tập, làm việc; những trở ngại, rào cản mà NKT thường gặp phải trong cuộc sống và làm sao để họ vượt qua rào cản đó... Ý nghĩa của chủ đề “Một thế giới cho tất cả” chính là hướng đến một xã hội không còn rào cản, một xã hội mà ở đó tất cả mọi người đều có cơ hội phát triển như nhau.
Chia sẻ về những ưu tiên, chế độ hỗ trợ NKT là sinh viên (SV) đang học tại trường Đại học Thủ Dầu Một, TS. Hoàng Trọng Quyền, Phó Hiệu trưởng cho biết, số lượng SV khuyết tật hiện đang học tập tại trường không nhiều. Trong số hơn 4.000 SV hiện nay của nhà trường chỉ có 2 SV khuyết tật. Ngoài các chính sách mà SV khuyết tật được nhận từ hỗ trợ theo quy định chung của Nhà nước, ở đây các bạn luôn được tạo điều kiện trong học tập và nhận được tình yêu thương, sự trân trọng, chia sẻ của tất cả mọi người. “Tạo cho SV khuyết tật có một môi trường học tập thuận lợi để các em có điều kiện học tập cũng chính là chúng ta đã thắp lửa, nhóm lửa để khơi dậy nội lực từ các em. Dù khuyết tật về thân thể nhưng nếu các em có nghị lực vươn lên, tôi tin rằng các em sẽ phát triển hơn những người bình thường nhưng không có nghị lực”, TS Quyền nói.
Lâu nay, chúng ta thường nói đến vấn đề bất bình đẳng giới trong xã hội. Ngày nay, sự “trọng nam” đã giảm bớt, vai trò của người phụ nữ đã được khẳng định không thua kém nam giới. Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Thị Kim Xuyến, Phó Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam, đối với NKT đây là một câu chuyện hoàn toàn khác. NKT nam giới được ưu tiên hơn NKT nữ giới. Như vậy, NKT là nữ giới phải chịu 2 lần thiệt thòi, thiệt thòi vì khuyết tật và thiệt thòi so hơn với nam giới. PGS-TS Xuyến nói: “Chúng ta không biết ngày mai sẽ ra sao, NKT có thể là một trong số chúng ta nếu không may chúng ta bị bệnh tật, tai nạn giao thông… Bởi thế, chúng ta cần quan tâm, chia sẻ với NKT. Khi chúng ta quan tâm đến NKT là chúng ta quan tâm đến tất cả mọi người trong xã hội”.
Tại buổi giao lưu, chị Lưu Thị Ánh Loan, quyền Giám đốc DRD đã có sự chia sẻ với các bạn SV khoa công tác xã hội về sự khác biệt giữa công tác xã hội và làm từ thiện. Chị nói rằng, làm từ thiện cũng như là “xoa dầu cù là” vậy. Nó chỉ mang tính tức thời, ví như chúng ta tặng cho NKT nghèo khó 10kg gạo. Có thể phần quà trên sẽ giúp NKT nghèo khó đó có cơm ăn trong một thời gian, nhưng đến khi hết gạo họ lại ngồi đó trông chờ người ta đến tặng thêm. Như vậy, phần quà ấy đã tạo nên tâm lý trông chờ, mà không tạo cho họ một cơ hội để họ có thể tự tạo lập cuộc sống của mình. Còn công tác xã hội là một ngành khoa học. DRD là nơi đã áp dụng ngành công tác xã hội vào hoạt động hỗ trợ NKT một cách toàn diện. Chúng tôi tin rằng, NKT có quyền tham gia tất cả các hoạt động xã hội mà họ yêu thích và được hưởng một cuộc sống tốt đẹp; NKT là người hiểu rõ nhu cầu, hạn chế và khả năng của mình; nếu có cơ hội ngang bằng như các thành viên khác, NKT có thể là người xây dựng cộng đồng hiệu quả. Sứ mạng của DRD là giúp NKT tự tin, nâng cao chất lượng cuộc sống trong môi trường không phân biệt đối xử bằng cách nâng cao năng lực cho cộng đồng NKT và vận động chính sách. Trong thời gian qua, DRD đã tổ chức được nhiều hoạt động ý nghĩa, như: Xây dựng mạng lưới NKT, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho NKT, dự án sống độc lập, nâng cao năng lực cho thanh niên khuyết tật, hỗ trợ NKT di chuyển… Mỗi NKT khi được DRD tạo điều kiện giúp đỡ đều phải có trách nhiệm, đóng góp cho cộng đồng. Như vậy, công tác xã hội khác từ thiện ở đây chính là DRD chú trọng đến việc phát triển năng lực của NKT, để họ có thể tự tạo lập cuộc sống cho chính bản thân mình, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Tuy nhiên, rào cản xã hội đối với NKT vẫn luôn là thách thức khó khăn đối với NKT, đó là giao thông đi lại, công trình xây dựng không có những hạng mục giành cho NKT, môi trường làm việc còn nhiều bất cập. Để NKT có thể vượt qua rào cản đó, ngoài năng lực bản thân của mỗi NKT, cần có sự chung tay của cả xã hội. Bạn Nguyễn Trung Hậu, một thanh niên khuyết tật đang phụ trách công nghệ thông tin tại DRD chia sẻ, khi tham gia giao thông, NKT rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của những người xung quanh những khi lên xuống xe, chỗ ngồi… Và để nhận được sự giúp đỡ đó, mỗi NKT phải biết cách mở lời nhờ người khác giúp mình.
Một xã hội không rào cản là một xã hội mà NKT có điều kiện để phát triển năng lực, khẳng định bản thân mình bằng những việc làm có ích. Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ NKT, có Luật NKT, nhưng NKT vẫn rất cần đến sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của toàn xã hội để xóa đi những rào cản đó, để họ có cơ hội tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội như bao người bình thường khác.
CẨM LÝ