Tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật

Thứ tư, ngày 04/12/2019

(BDO) Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 16.800 người khuyết tật (NKT), trong đó có khoảng 30% NKT có khả năng lao động. Thời gian qua, tỉnh luôn có những chính sách chăm lo cho NKT nhằm giúp họ vươn lên bình đẳng và hòa nhập xã hội.

 Đào tạo nghề cho người khuyết tật dựa vào cộng đồng và gắn với nhu cầu xã hội, góp phần giải quyết việc làm, giúp người khuyết tật sớm hòa nhập cộng đồng

 Đào tạo nghề dựa vào cộng đồng

Thời gian qua, mô hình “Đào tạo nghề gắn với cộng đồng tại các huyện nông thôn” của Hội Bảo trợ NKT, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh đã phát huy tác dụng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, lớp học được diễn ra trực tiếp tại nơi sản xuất, kinh doanh và được thực hiện theo từng trường hợp cụ thể để NKT thành thạo những kỹ năng. Mục tiêu đào tạo là cần có việc làm sau khi học nghề và đáp ứng yêu cầu xã hội.

Mô hình không giới hạn các ngành nghề đào tạo, NKT lựa chọn những ngành nghề phù hợp với nguyện vọng, điều kiện thực tế và khả năng có việc làm, tạo thu nhập ổn định sau học nghề với các ngành như: May gia công, cắt, uốn tóc, sửa rửa xe máy, chăn nuôi… Điển hình như chị Nguyễn Thị Mai, ở xã Định An, huyện Dầu Tiếng bị khuyết tật chân. Đầu năm 2019, chị Mai được Hội Bảo trợ NKT, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh tài trợ học nghề may gia công túi xách tại cơ sở may gia công ở thị trấn Dầu Tiếng. Sau khi học nghề, chị Mai được cơ sở nhận làm thợ phụ. Hiện tiền lương của chị khoảng 4,5 triệu đồng/tháng, đủ để chị trang trải cuộc sống.

Được biết, toàn bộ kinh phí 800 triệu đồng của chương trình dựa vào nguồn vận động, xã hội hóa. Mức hỗ trợ chi phí học tập cho học viên dựa theo Quyết định số 353/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc phê duyệt thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Bình Dương. Ngoài chi phí dạy nghề theo hướng dẫn, các địa phương còn chủ động vận động, thương lượng với các nơi dạy nghề, hỗ trợ, miễn giảm chi phí cho NKT trên tinh thần “tương thân tương ái”, sự chung tay của cộng đồng. Chính vì vậy, sau 1 năm triển khai mô hình này đạt được sự hỗ trợ tài chính tốt nhất từ các tổ chức, cá nhân trong, ngoài tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT, trẻ mồ côi, bệnh nhân nghèo tỉnh, cho biết: “Hoạt động này thể hiện tinh thần “tương thân tương ái”, động viên, hỗ trợ NKT để họ có điều kiện phát triển kinh tế, tạo thu nhập và thoát nghèo bền vững”.

Vẫn khó xin việc

Thời gian qua, nhiều NKT đã được tạo việc làm ổn định, xỏa bỏ mặc cảm, tự ti, hòa nhập cộng đồng và tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội. Tuy nhiên, thực tế đa phần NKT đều khó khăn trong tìm kiếm việc làm, nhiều doanh nghiệp, tổ chức chưa sẵn sàng tiếp nhận NKT vào làm việc. Đây cũng là vấn đề cấp bách cần được giải quyết. Học nghề đã khó, tiếp cận với việc làm còn khó hơn. Em Huỳnh Minh Tú, bị khuyết tật, chậm phát triển trí tuệ. Năm 2017 Tú học xong lớp dạy nghề in lụa tại Trung tâm Dạy nghề NKT tỉnh nhưng nộp hồ sơ xin việc nhiều nơi không được cơ sở, công ty tiếp nhận. Chán nản, Tú xin ở lại trung tâm làm thêm và trở thành thợ chính.

Ông Nguyễn Văn Nam cho biết thêm: “NKT hoàn toàn có khả năng làm việc tốt, có thể tự nuôi sống bản thân. Tuy nhiên, việc ưu tiên, hỗ trợ của các doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện tốt nhất để NKT làm việc, hòa nhập và phát huy tối đa khả năng của mình là điều rất cần thiết”. Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Ngọc Hà, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Chí Hùng (TX.Tân Uyên), cho biết: “Công ty rất muốn nhận NKT vào làm việc nhưng chỉ có thể nhận NKT nhẹ do không có điều kiện xây dựng thiết kế lối đi, không gian làm việc cho NKT. Hơn nữa theo quy định để được hưởng chế độ ưu đãi về thuế, thu nhập thì doanh nghiệp phải sử dụng ít nhất 30% NKT trên tổng số lao động, trong khi doanh nghiệp phải mất một khoản chi phí đầu tư, cải tạo không gian làm việc cho NKT”.

“Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chính sách ưu tiên dạy nghề, giải quyết việc làm cho NKT, như: Đào tạo nghề miễn phí, giới thiệu việc làm, định hướng nghề, tạo điều kiện cho NKT phát huy khả năng hòa nhập cộng đồng. Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức lớp dạy nghề, hỗ trợ kinh phí, cho vay tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để NKT mua sắm thiết bị, dụng cụ sau khi học nghề. NKT cũng được ưu tiên tư vấn học nghề và việc làm phù hợp với điều kiện sức khỏe và khả năng lao động”.

(Ông Hà Minh Trung, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội)

 KIM HÀ