Tạo cơ hội cho trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng
Phát hiện và can thiệp sớm đóng vai trò quan trọng đến sự hòa nhập của trẻ tự kỷ, thế nhưng không phải ai cũng ý thức được. Với những ông bố, bà mẹ là công nhân, lao động nghèo thì kiến thức về chăm sóc, nuôi dạy trẻ tự kỷ đa số còn rất hạn chế khi con họ mắc phải hội chứng quái ác này.
(BDO)
Cùng chơi với trẻ tự kỷ giúp trẻ dễ hòa nhập. Trong ảnh: Giáo viên trường Giáo dục chuyên biệt Bình An cùng chơi với trẻ Ảnh: HỒNG THỦY
Nhận thức còn hạn chế
Theo các chuyên gia, giai đoạn vàng để giúp trẻ tự kỷ hòa nhập từ 2 - 5 tuổi, thậm chí sớm hơn. 5 tuổi, khung xương hàm của trẻ gần như định hình, bởi thế dạy cho trẻ tập nói vào lúc này rất khó khăn, hiệu quả thấp. Trong khi đó, đa số cha mẹ không hề biết con mình mắc chứng bệnh quái ác này, cho đến khi cô giáo mầm non thấy những biểu hiện bất thường của trẻ và khuyên phụ huynh đưa con đi khám. Chị Hương, một phụ huynh có con đang theo học ở Trung tâm Trẻ thơ Lam Anh, TP.Thủ Dầu Một tâm sự: “Đi làm về mở tivi lên, cháu bé cứ ngồi im, những tưởng con mình ngoan, mẹ làm bao nhiêu việc nhà mà không lo nó quậy phá. Chị hàng xóm sang chơi nhiều lần thấy vậy mới bảo con tôi không được bình thường, khi gia đình đưa cháu đi khám bệnh, bác sĩ bảo rằng con tôi bị mắc chứng tự kỷ, tim tôi như chết lặng...”.
Phần đông những trẻ bị bệnh tự kỷ không được phát hiện sớm và thường là con công nhân lao động. Vì bố mẹ ít có thời gian, cơ hội tiếp xúc với những kiến thức thực hành nuôi dạy trẻ tự kỷ, vì vậy họ thật sự lúng túng, thậm chí là hiểu sai lệch. Cụ thể như trường hợp chị Phương ở phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một, vợ chồng chị đều làm công nhân ở KCN Việt Nam - Singapore, có con 4 tuổi bị tự kỷ. Trước đây chị cho con theo học ở một trường giáo dục trẻ tự kỷ nhưng hiện tại đã cho con nghỉ học. Trong khi quá trình giúp trẻ hòa nhập đòi hỏi phải có sự bền bỉ, liên tục và thời gian nhanh nhất cũng 1 - 2 năm, có khi phải mất thời gian lâu hơn. Nhiều phụ huynh sốt ruột vì không thấy nhiều biểu hiện thay đổi tích cực của con mình dù chỉ mới cho bé học vài tháng nên đã bỏ giữa chừng. Họ buông xuôi, tuyệt vọng, vô tình đã đánh mất cơ hội cho trẻ hòa nhập được với cộng đồng.
Trách nhiệm của gia đình và xã hội
Đến thăm trường Giáo dục chuyên biệt Bình An (P.Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một), chúng tôi được cô Nguyễn Thị Nga, quản lý trường kể lại những câu chuyện vô cùng xúc động. Số lượng học sinh ở đây dao động trên dưới 60 trẻ, trong đó chiếm hơn một nửa là con của những cặp vợ chồng công nhân. Do cuộc sống khó khăn, nên một số phụ huynh cho con nghỉ học giữa chừng. “Thật sự chúng tôi rất buồn, bởi với những trẻ này chỉ cần ngưng một giai đoạn thì xem như mọi nỗ lực phải bắt đầu lại. Mặc dù được giải thích, tư vấn cặn kẽ nhưng nhiều gia đình vẫn phải chấp nhận cho con nghỉ học vì lý do kinh tế eo hẹp. Đơn cử như trường hợp của gia đình anh M., quê ở Thanh Hóa, hiện anh chị là công nhân KCN Mỹ Phước 2. Trong một lần cho con đi khám ở Bệnh viện Nhi Đồng, bác sĩ kết luận cháu có dấu hiệu bị tự kỷ. Kiến thức nuôi trẻ tự kỷ không có, nhưng đồng lương ít ỏi, anh đành phải để con ở nhà”, cô Nga cho biết.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, mức học phí ở các trường chuyên biệt so với những trường mầm non bình thường chênh lệch khá cao, dao động từ 2 - 5 triệu đồng/ tháng, tùy thuộc vào mức độ của từng bé. Phía nhà trường tuy đã có nhiều chính sách miễn giảm học phí cho những người lao động nghèo, công nhân có thu nhập thấp nhưng cũng chỉ đáp ứng được một phần. Nhiều trường cũng cố gắng huy động nguồn tài trợ để phụ thêm với phụ huynh mua đồ chơi, dụng cụ học tập cho trẻ, đồng thời phân công giáo viên giữ trẻ muộn hơn giờ quy định khi cha mẹ các em làm tăng ca.
Tạo cơ hội cho trẻ tự kỷ được hòa nhập là trách nhiệm chung của gia đình và xã hội. Theo kinh nghiệm của các giáo viên dạy trẻ tự kỷ, những trẻ có cha mẹ hỗ trợ ở nhà có sự tiến bộ nhanh hơn hẳn. Đơn giản các cháu có điều kiện cùng chơi, cùng học, những hành động rất nhỏ nhưng có thể làm thay đổi lớn ở trẻ. Giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng là trách nhiệm của các ngành và toàn xã hội mà trước hết chính là những bậc cha mẹ, những người trị liệu gần gũi nhất. Chính những cố gắng dù nhỏ bé nhưng sẽ làm nên điều kỳ diệu cho các đứa trẻ đáng thương này.
HỒNG THỦY