Tạo cơ hội cho người mộ điệu thẩm thấu nghệ thuật di sản

Thứ ba, ngày 24/10/2023

(BDO) Nhắc đến Bình Dương là nhắc đến vùng đất có truyền thống đờn ca tài tử (ĐCTT) rất độc đáo và đậm nét. Bình Dương cũng có những nghệ nhân, nghệ sĩ rất tài giỏi. Lãnh đạo tỉnh và các văn nghệ sĩ cũng luôn tích cực tổ chức các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.


Các học viên biểu diễn tiết mục báo cáo

Khai mở niềm đam mê

ĐCTT Nam bộ là một dòng nhạc dân tộc đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 5-12- 2013 và có tác động tới 21 tỉnh, thành phía Nam. Bình Dương được đánh giá là tỉnh có nhiều thành tựu trong hoạt động ĐCTT, trong đó có việc tổ chức thành công Festival ĐCTT lần 2 năm 2017 và liên tiếp đoạt huy chương vàng tại các kỳ liên hoan này.

Hiện nay, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội mạnh cũng như quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh đã tác động rất lớn đến diện mạo văn hóa dân gian ở Bình Dương. Do đó, hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam bộ luôn được các cấp lãnh đạo tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện để gìn giữ nét đẹp di sản văn hóa truyền thống, liên tục kế thừa và phát triển bền vững. Ngày 8-11-2021, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Cũng với mục đích lan tỏa, phát huy giá trị nghệ thuật của loại hình ĐCTT trong cộng đồng; góp phần bảo vệ, lưu giữ giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh, trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương đã tổ chức lớp truyền dạy ca tài tử cho người dân trên địa bàn tỉnh. Lớp học có 23/35 học viên đến từ các huyện, thị, thành phố trong tỉnh tham gia từ ngày 9-9 đến ngày 20-10-2023 đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận. Lớp học do nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Thạc sĩ Huỳnh Khải, nguyên Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc, Nhạc viện TP.Hồ Chí Minh trực tiếp giảng dạy. Qua hơn 1 tháng học tập với sự hướng dẫn của NSƯT Thạc sĩ Huỳnh Khải, các học viên đã được bổ sung nhiều kiến thức bổ ích. Dù thời lượng khóa học chỉ hơn 1 tháng nhưng đã cung cấp cho các học viên nhiều nội dung thiết thực, đơn giản, dễ học và dễ tiếp thu… Ngoài ra, khóa học còn có những nội dung cần thiết cho việc tổ chức giao lưu sinh hoạt lẫn biểu diễn ca tài tử.

Chia sẻ với chúng tôi, học viên Lê Thanh Tùng cho biết năm nay dù đã ngoài 60 tuổi nhưng vì quá yêu thích bộ môn âm nhạc này nên ông đã tìm thầy học đờn, học từ bạn bè là những nghệ nhân trong giới ĐCTT. Ông Tùng nói: “Đến với lớp học, tôi đã giải đáp được những thắc mắc của mình trong 5 năm biết đến ĐCTT. Rất cảm ơn thầy Huỳnh Khải đã giúp tôi mở mang đầu óc để lĩnh hội ĐCTT một cách bài bản hơn. Hy vọng sắp tới trường sẽ tiếp tục tổ chức lớp học và thông báo rộng rãi với thời gian dài hơn để có thêm nhiều học viên từ các nơi về tham gia”.

Dẫn đầu tạo nguồn kế thừa

Đồng hành, dìu dắt các học viên trong hơn 1 tháng qua, NSƯT Thạc sĩ Huỳnh Khải đã có khoảng thời gian thực hiện sứ mệnh ý nghĩa của mình. Đó là trao truyền tận tâm, có thêm niềm hứng khởi lan tỏa để tạo thêm nguồn kế thừa, biết yêu quý, gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc.

NSƯT Thạc sĩ Huỳnh Khải cho biết, lâu nay Bình Dương được biết đến là nơi có truyền thống ĐCTT rất hay và sâu sắc, bởi trước đó có những nghệ nhân, nghệ sĩ rất tài giỏi như: Nghệ sĩ Ba Còn sáng tạo ra dây ngân giang, NSƯT Tư Còn với ngón đờn kìm tuyệt kỹ, cùng nhiều giọng ca nổi tiếng... Vì vậy, việc trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương là trường chuyên nghiệp đầu tiên tổ chức lớp truyền dạy ĐCTT như thế này đã một lần nữa khẳng định sự đi đầu trong bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật di sản phi vật thể đại diện cho nhân loại này của tỉnh.

“Lớp học này có nhiều nghệ nhân đã từng biểu diễn trên sân khấu, có một số người là chủ nhiệm câu lạc bộ ĐCTT, một số ít là người mới tìm hiểu, mới học lần đầu tiên, nhưng thái độ học tập của mọi người rất tích cực. Không chỉ học tập, họ còn chỉ bảo, trao đổi với nhau nhiều thông tin bổ ích. Qua đó, lớp học sẽ góp thêm nhiều hạt nhân ĐCTT mới cho tương lai”, NSƯT Thạc sĩ Huỳnh Khải nói.

Theo ông Lê Quang Lợi, Hiệu trưởng trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương, các học viên tham gia lớp học đã được hướng dẫn chi tiết từng bài bản trong nghệ thuật ca tài tử, giúp cho từng học viên nắm rõ và sâu hơn về loại hình nghệ thuật này như những bài bản tổ, kỹ thuật ca điêu luyện, cách ca ngâm, ngân, luyến… Đồng thời, lớp học tạo cơ hội cho những người yêu thích nghệ thuật ĐCTT được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Đây cũng là một hoạt động trong công tác bảo tồn và phát triển các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống đậm chất dân gian - dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII.

MINH HIẾU