Tăng viện phí để tăng chất lượng khám chữa bệnh
Hôm nay (28-9), kỳ họp bất thường của HĐND tỉnh sẽ thông qua khung giá mới một số dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập của tỉnh. Đây là nội dung được nhiều cử tri quan tâm thời gian qua. Đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại là mong muốn của rất nhiều người dân Ảnh: Q.CHIẾN
Tăng viện phí
Bà Mai Thị Dung, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh cho biết, mức thu KCB trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đang thực hiện theo Thông tư liên bộ số 14/TTLB ngày 30-9- 1995 của Bộ Y tế, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Vật giá Chính phủ, giá thu một phần viện phí đã lạc hậu và rất thấp so với giá cả hiện nay nên không đủ bù đắp những chi tiêu. Trong khi ngân sách Nhà nước cấp theo giường bệnh chỉ trả một phần tiền lương cho y sĩ, bác sĩ, bảo hiểm xã hội và hỗ trợ một phần chi phí điện nước còn thấp. Thực tế đó gây khó khăn cho các cơ sở y tế trong cân đối kinh phí khám bệnh, chữa bệnh; đồng thời cũng không có kinh phí để duy tu bảo dưỡng trang thiết bị, cơ sở vật chất xuống cấp và nguồn vốn tái đầu tư lại thiết bị y tế tiên tiến hiện đại.
Trong khi đó, đời sống người dân đang ngày càng được nâng cao, nhu cầu KCB ngày càng tăng, nhiều người tìm về TP.HCM thậm chí ra nước ngoài để KCB. “Tăng viện phí để có kinh phí nâng cao chất lượng KCB, phục vụ cho người dân… Tuy nhiên, nói là tăng nhưng thực tế không tăng vì trước đây người bệnh phải bỏ tiền ra mua rất nhiều khoản: gạt, ống tiêm, thuốc men… còn mức giá mới này người bệnh chỉ đóng một khoản, bệnh viện sẽ lo tất cả các dịch vụ” - bà Dung cho biết.
Được biết, khung giá do UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua bình quân ở mức 70,89% so với Thông tư 04/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 29-2- 2012. Chẳng hạn như mức giá cắt một u xương sườn mức giá quy định trước đây là 1 triệu đồng, khung giá theo Thông tư 04 đưa ra tăng gấp đôi trong khi đó khung giá UBND tỉnh đề nghị chưa đến 70%, tương đương số tiền bệnh nhân phải đóng là 1,33 triệu đồng, tăng 330.000 đồng so với trước. Hay phẫu thuật u mạch máu dưới da đường kính nhỏ hơn 5cm, giá quy định trước đây 800.000 đồng thì Thông tư 04 ban hành 1,6 triệu đồng, khung giá đề nghị của tỉnh là 1,32 triệu đồng, tăng 520.000 đồng so với trước.
Giá dịch vụ khám mức giá đề nghị bình quân bằng 72,2%, tăng 3 lần so với giá hiện nay. Riêng giá khám sức khỏe, khám cấp giấy chứng thương mức đề nghị bình quân từ 55 - 65%, tăng từ 1,5 đến 1,8 lần so với mức giá hiện nay.
Giá dịch vụ ngày giường bệnh được xác định theo hạng bệnh viện các chuyên khoa theo đề nghị mức thu bình quân bằng 74,43%, tăng 6 lần so với giá hiện nay. Giá kỹ thuật và xét nghiệm mức đề nghị bình quân bằng 74,4%, tăng 2,2 lần so với mức giá hiện nay. Cũng có một số dịch vụ mức giá không thay đổi và một số dịch vụ có mức giá thấp hơn hiện nay.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, việc tăng giá KCB thời gian tới sẽ ảnh hưởng đến những người nghèo, không có điều kiện điều trị vượt tuyến. Còn những gia đình khá giả vẫn ưu tiên những cơ sở KCB tuyến trên, tập trung là tại TP.HCM. Chị Hồ Thị Hằng, ấp An Lợi, xã Hòa Lợi, Bến Cát cho biết, dù biết khám tổng quát ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh chỉ có giá 20.000 đồng, so Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM 50.000 đồng trở lên nhưng tôi vẫn chọn bệnh viện này, vì ở đây chất lượng hơn. Dù vậy, theo kết quả thẩm tra của HĐND tỉnh thì tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế toàn tỉnh hiện nay khoảng 68%, trong đó những người thuộc diện nghèo, người có công, gia đình chính sách trẻ em dưới 6 tuổi được Nhà nước mua bảo hiểm y tế 100%. Vì vậy việc nâng mức giá dịch vụ y tế ảnh hưởng không nhiều đến điều kiện kinh tế đối tượng này.
Nâng cao chất lượng
Song song với tăng viện phí, phải tìm cách tăng cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chất lượng KCB để tạo niềm tin cho người dân. Trao đổi với chúng tôi, bà Dung cho biết, UBND tỉnh đang có đề án phát triển toàn diện cơ sở vật chất nguồn nhân lực và nâng cao trình độ cán bộ y tế. Cụ thể, đã khởi động chuẩn bị đầu tư các công trình Bệnh viện Đa khoa tỉnh quy mô 1.500 giường, Bệnh viện Chuyên khoa nhi quy mô 400 giường, Bệnh viện Ung bướu quy mô 400 giường, Bệnh viện Điều dưỡng quy mô 200 giường, Bệnh viện Chuyên khoa lao tâm thần…
Về nâng cao chất lượng KCB, mở rộng liên kết với các cơ sở, các trường Đại học Y dược đào tạo theo địa chỉ sử dụng, các viện đầu ngành về đào tạo chuyên khoa định hướng đại học và sau đại học… Tranh thủ sự hỗ trợ về chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới. Hiện UBND tỉnh đang có chính sách tạo điều kiện thuận lợi để những y sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh trung học… được liên thông lên đại học trở về địa phương phục vụ ngành y tế; cử các bác sĩ, dược sĩ đi đào tạo các lớp sau đại học, chuyên khoa I, II, thạc sĩ, tiến sĩ để cải thiện chuyên môn; đẩy mạnh công tác đào tạo liên tục, dựa trên quy hoạch cán bộ, hỗ trợ cán bộ đi học sau đại học, tuyển chọn những cán bộ y tế có năng lực chuyên môn có phẩm chất chính trị, đạo đức để đào tạo thành cán bộ quản lý hoặc chuyên khoa đầu ngành của tỉnh; đưa đi đào tạo ở nước ngoài những chuyên ngành mà hiện tại Bình Dương chưa có, chuyên ngành cần đào tạo để khi trở về nước trở thành những chuyên gia cho công tác đào tạo tại địa phương và giữ vai trò đầu ngành về kỹ thuật. Dự kiến, đến năm 2015 đào tạo được 10 chỉ tiêu bác sĩ chuyên về lĩnh vực điều trị tại nước ngoài, phục vụ công tác tại các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa. Ngoài ra, tỉnh cũng có nhiều chính sách thu hút cán bộ y tế, ưu tiên cho cán bộ y tế người địa phương đang công tác, học tập ở nước ngoài, tỉnh bạn; khuyến khích động viên những cán bộ y tế có trình độ chuyên môn cao là người ngoài tỉnh về địa phương công tác; có chính sách cho những người có trình độ chuyên môn sau đại học từ chuyên khoa I trở lên đến tuổi nghỉ hưu, nếu còn sức khỏe thì vận động ở lại làm công tác chuyên môn…
Cử tri Nguyễn Thành Đông, xã Hòa Lợi, Bến Cát: Quan tâm đưa bác sĩ tuyến trên về xã
Vấn đề tôi quan tâm là làm thế nào để nâng cao chất lượng KCB cho các tuyến dưới cấp tỉnh? Chúng tôi được biết, UBND tỉnh đã có đề án bảo đảm nguồn nhân lực y tế tỉnh Bình Dương với nhiều mục tiêu rất quan trọng. Tuy nhiên, HĐND tỉnh phải giám sát để thực hiện thành công đề án. Trước mắt cần đầu tư cơ sở vật chất, đưa bác sĩ có đủ trình độ, năng lực xuống tuyến dưới, tận y tế xã để vừa nâng cao chất lượng KCB, vừa nâng cao trình độ, năng lực cho bác sĩ tuyến dưới.
Cử tri Nguyễn Quốc Toản, xã Tân Long, Phú Giáo: Tăng viện phí phải tăng chất lượng KCB
Tôi được biết, sắp tới giá dịch vụ KCB sẽ tăng 70,89% nhưng người dân chúng tôi không quan tâm nhiều đến mức giá này. Có người bỏ ra vài triệu đồng về TP.HCM để KCB thông thường. Vấn đề tăng viện phí phải tăng chất lượng KCB đến tận cấp xã. Hiện cơ sở vật chất cấp xã từng bước được trang bị nhưng nhân lực sử dụng, phòng ốc để trang thiết bị chưa có.
Cử tri Nguyễn Thị Thanh Nga, xã Hưng Hòa, Bến Cát: Đầu tư thêm cơ sở vật chất
Trạm y tế cấp xã đủ khả năng chữa trị các bệnh thông thường. Tuy nhiên, thiếu trang thiết bị cho y tế tuyến này như máy siêu âm, máy xét nghiệm toàn phần nên chưa thu hút được nhiều người dân quan tâm. Thêm vào đó, một số trạm y tế như Hưng Hòa, chưa có phòng khám mà phải khám ngoài hành lang, chưa có phòng lưu giữ bệnh nhân, chưa có hệ thống xử lý rác thải y tế, thậm chí việc xử lý tiệt trùng dụng cụ y tế chưa đủ để người dân an tâm.
H.NHÂN - H.ÚT