Tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp
(BDO)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp mặt các nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)
Chương trình phối hợp nhằm góp phần tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV và nữ đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016–2021 đã được Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ký kết sáng 31-12, tại Hà Nội.
Tham dự buổi lễ có sự hiện diện của ông Nguyễn Thiện Nhân,Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Chương trình được xây dựng với sự tài trợ của Dự án nâng cao năng lực lãnh đạo cho cán bộ nữ phục vụ triển khai hội nhập quốc tế của Bộ Ngoại giao và cơ quan Phát triển Liên hợp quốc.
Chương trình phối hợp giữa Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa hai cơ quan trong tham mưu về công tác cán bộ nữ, trong tham gia công tác bầu cử.
Các hoạt động sẽ được hai bên triển khai gồm phối hợp trong tham mưu, đề xuất chính sách; thực hiện công tác cán bộ nữ, đặc biệt chủ động trong giới thiệu nguồn nhân sự nữ tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp; giám sát quá trình bầu cử.
Hai bên cũng phối hợp nâng cao năng lực cán bộ nữ, nữ ứng cử viên, nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp, xây dựng mạng lưới cán bộ nữ; tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, người dân về vị trí, vai trò, năng lực của người phụ nữ về bình đẳng giới và công tác bầu cử.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và nữ đại biểu Hội đồng Nhân dân không chỉ là yêu cầu của Đảng, mà còn là mong muốn của giới nữ nói riêng, của cả xã hội nói chung.
Trong giai đoạn khó khăn nhất của đất nước, phụ nữ đã góp phần tạo động lực để đưa đất nước đi lên, tạo nên lịch sử của dân tộc, phụ nữ có khả năng làm chính trị, không thua gì nam giới.
Điều này được minh chứng từ những năm 40, 43 sau Công nguyên, chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị đã đứng lên phất cờ khởi nghĩa, chống giặc xâm lăng, giành lại độc lập dân tộc. 200 năm sau, Bà Triệu cũng đã cùng anh họ của mình khởi nghĩa, góp phần hun đúc ý chí giải phóng dân tộc.
Những năm chống Pháp, chống Mỹ, các tấm gương nữ anh hùng Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Chiên, Nguyễn Thị Định… đã thể hiện sinh động cho những đóng góp của giới nữ đối với quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước. Phụ nữ đã đồng hành cùng dân tộc.
Đánh giá cao và thống nhất với 5 nội dung hai bên ký kết, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh để đạt được tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân là trên 35%, cần phải chuẩn bị danh sách ứng viên ngay từ năm 2015.
Mặt trận cam kết cùng Hội phụ nữ thống nhất trong các văn bản hướng dẫn; thỏa thuận để giới thiệu ứng cử viên; nâng cao năng lực cán bộ nữ.
Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, có quyền lập hiến và lập pháp, cũng như Hội đồng Nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Tỷ lệ nữ trong các cơ quan quyền lực này cao sẽ là điều kiện, cơ hội để đảm bảo các chính sách được hoạch định, ban hành và thực thi có tính đến quan điểm, kinh nghiệm của cả phụ nữ và nam giới. Khi đó, chính sách sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của phụ nữ và nam giới.
Hiện nay, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội là 24,4%, tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh là 25,7%, cấp huyện là 24,6% và cấp cơ sở là 27,7%.
Tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng Nhân dân có tăng so với các nhiệm kỳ trước, song so với mục tiêu Nghị quyết 11- NQ/TW của Bộ Chính trị, Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới vẫn còn khoảng cách khá lớn; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội có xu hướng giảm.
Năm 1997, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội là 26,2% và Việt Nam thuộc nhóm mười nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ nữ trong Quốc hội. Đến năm 2012, xếp hạng của Việt Nam giảm xuống thứ 44 trên thế giới, với tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội là 24,4%.
Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị khóa X “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã xác định chỉ tiêu “phấn đấu đến năm 2020, nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp từ 35% đến 40%.”
Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 xác định: Phấn đấu tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2020 trên 35%./.
Theo TTXVN