Tăng trưởng bức tốc, kinh tế phục hồi
(BDO) Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý I-2022 vượt mốc 5% cho thấy nền kinh tế của cả nước đang trên đà phục hồi mạnh mẽ. Đóng góp chung vào mức tăng trưởng mạnh mẽ đó của cả nước có các tỉnh, thành trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và Bình Dương đang vươn lên trở thành điểm sáng về mức tăng trưởng toàn diện trên tất cả các lĩnh vực sau thời gian ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, dự kiến trong thời gian tới tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) vẫn còn tiềm ẩn nhiều thách thức do dịch bệnh diễn biến phức tạp và an ninh chính trị thế giới tác động khó lường.
Đánh giá của UBND tỉnh tại phiên họp thường kỳ tháng 3-2022, cho thấy tình hình KT-XH của Bình Dương quý I-2022 đã có sự khởi sắc trở lại sau thời gian gần 1 năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Theo đó, các lĩnh vực kinh tế từ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp đều đạt mức tăng trưởng cao; thu hút đầu tư trong và ngoài nước đạt mức tăng trưởng vượt bậc và trở thành điểm sáng tích cực của cả khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam; kim ngạch xuất nhập khẩu tháng sau tăng cao hơn tháng trước. Nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ với số lượng doanh nghiệp hoạt động trở lại đạt xấp xỉ trước khi dịch bệnh xảy ra, lao động được bảo đảm việc làm với thu nhập cao, đời sống của đại đa số người dân ổn định…
Có được kết quả đó là nhờ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương đã đoàn kết, năng động, sáng tạo vượt qua dịch bệnh; nỗ lực phấn đấu phát huy tiềm năng, lợi thế, khơi dậy mạnh mẽ các nguồn lực để phục hồi kinh tế. Cụ thể là ngay sau khi dịch bệnh tạm lắng, các địa phương trở lại trạng thái “bình thường mới”, cùng với các gói hỗ trợ từ Chính phủ, lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã bắt tay tập trung triển khai ngay chương trình phục hồi, phát triển kinh tế; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn; đồng thời đưa ra chỉ tiêu phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm 2022.
Với quyết tâm cao, kiên trì thực hiện các mục tiêu đã đề ra, chỉ trong một thời gian ngắn Bình Dương đã nối lại các hoạt động cung ứng, đưa sản xuất vào guồng để lấy lại đà tăng trưởng. Kết quả đạt được là hết sức khả quan, nhưng dự kiến tình hình KT-XH vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, tình hình an ninh chính trị thế giới tác động khó lường. Theo nhận định của các chuyên gia, kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu sự tác động nhiều mặt bởi tình hình kinh tế thế giới. Trong khi đó, kinh tế thế giới phục hồi chậm, tăng trưởng có dấu hiệu chững lại, giá hàng hóa thiết yếu mà đặc biệt là giá năng lượng tăng cao, dẫn đến nguy cơ lạm phát đều khắp do ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng quân sự giữa Nga - Ukraine.
Trước tình hình đó, bên cạnh tập trung triển khai hiệu quả, đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển KT-XH, lãnh đạo tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh.
LÊ QUANG