Tăng thu nhập từ sản xuất cây có múi theo hướng hữu cơ

Thứ bảy, ngày 13/03/2021

(BDO)  Việc vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, phát triển thêm vườn cây ăn trái có múi là mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của nhiều địa phương. Hộ ông Nguyễn Huỳnh Thanh, xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên là điển hình cho việc mạnh dạn thay đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư theo phương pháp hữu cơ để cho ra sản lượng cây ăn trái có múi có giá trị cao, thu nhập gia đình tăng lên đáng kể.

 Ông Nguyễn Huỳnh Thanh bên vườn cây ăn trái sản xuất theo phương pháp hữu cơ của gia đình

 Chúng tôi đến tham quan vườn cây ăn trái của gia đình ông Nguyễn Huỳnh Thanh vào những ngày đầu tháng 3.Thưởng thức ly nước camvắt ngọt thanh ông mời làm chúng tôi quên đi cảm giác nóng nực của mùa khô. Ông Thanh từ tốn phân tích vị ngọt đậm tự nhiên đó phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quan trọng là nhờ hữu cơ vi sinh và kỹ thuật bón phân. Phương pháp hữu cơ giúp vườn cây của ông phát triển tốt, trái ngon, xanh và bảo đảm an toàn.

Sinh sống tại mảnh đất này từ năm 1992, trước kia gia đình ông Thanh sử dụng 13,5ha trồng cây cao su. Do cây cao su xuống giá nên năm 2014, ông Thanh đã quyết định chuyển đổi thử nghiệm trước 3,5ha cao su sang sản xuất cây ăn trái có múi, loại cây chủ lực của địa phương. Nhờ chịu khó tìm tòi nghiên cứu, học hỏi, tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật, cùng với quyết tâm làm kinh tế, gia đình ông đã thành công với cây trồng mới, thu nhập tăng lên đáng kể. Tiếp nối thành công, năm 2020 gia đình ông đã mở rộng thêm 6,5ha, nâng tổng diện tích lên 10ha cây ăn trái có múi bao gồm bưởi da xanh, cam, quýt đường và sầu riêng. Trong điều kiện thuận lợi mỗi năm cho thu nhập hàng tỷ đồng. Cây cam cho trái trong thời gian từ 30 - 32 tháng, mỗi đợt thu hoạch đạt 45 - 60 tấn/ha, thu về khoảng 900 triệu/ha/năm; bưởi da xanh sau 4 năm bắt đầu thu hoạch, mỗi đợt cho ra sản lượng đạt 15 - 20 tấn/ha; quýt đường đạt 40 - 45 tấn/ha.

Giới thiệu với chúng tôi về vườn cây ăn trái trĩu quả, tươi ngon đã được thương lái đặt cọc trước, ông Thanh cho biết việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và sử dụng phương pháp hữu cơ là quyết định đúng đắn của gia đình. Thu nhập từ vườn cây ăn trái có múi tăng gấp 10 lần so với trước đây khai thác vườn cây cao su. “Theo tôi phương pháp hữu cơ cần được nhân rộng để cho ra sản lượng cây ăn trái có múi lớn, chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo được uy tín đối với khách hàng”, ông Thanh tâm sự. Sau 7 năm tập trung đầu tư vào sản xuất cây ăn trái có múi, đến nay thương hiệu cam, bưởi... của gia đình ông đã được nhiều khách hàng biết đến và công nhận về chất lượng.

Chia tay ông Thanh, chúng tôi thật sự vui mừng cho thành công của gia đình ông. Vườn cây ăn trái của ông không những giúp gia đình làm giàu mà còn giải quyết được việc làm cho nhiều lao động chính thức với mức lương từ 6 - 10 triệu đồng và lao động thời vụ với mức lương 220.000 đồng/6 tiếng đồng hồ.

Với những kết quả đạt được, ông Nguyễn Huỳnh Thanh đã được Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Bình Dương trao tặng danh hiệu “Nông dân Bình Dương xuất sắc lần thứ 2 - năm 2020”.

 TIẾN HẠNH