Tăng thu nhập nhờ chọn giống cây phù hợp

Thứ tư, ngày 08/01/2025

Thời gian qua, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Bàu Bàng đã mạnh dạn đa dạng hóa cây ăn trái, hoa màu, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, lựa chọn cây giống phù hợp, đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.

 Mỗi năm, vườn cây ăn trái, rau màu mang lại cho gia đình ông Huỳnh Văn Thơ (bên trái) thu nhập gần 1 tỷ đồng

 Nhạy bén với thị trường

Ông Huỳnh Văn Thơ ở tổ 3, ấp 4, xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng, được nhiều người ở địa phương biết đến bởi đã thành công với các mô hình trồng rau màu, cây ăn trái, hoa kiểng. Những ngày đầu (năm 2001) đến huyện Bàu Bàng lập nghiệp, gia đình ông Thơ chọn trồng các loại rau màu và ớt trên diện tích 3 ha. Đất đai thổ nhưỡng phù hợp với các loại cây trồng ông chọn, lại sẵn có kinh nghiệm làm nông từ ngày còn ở quê đồng bằng sông Cửu Long nên gia đình ông đã thành công với mô hình trồng rau màu. Trung bình mỗi năm, gia đình ông có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ rau màu.

Nhận thấy thị trường rau màu bắt đầu bão hòa, năm 2009 gia đình ông Thơ mạnh dạn chuyển đổi 1,5 ha đất sang trồng cây chôm chôm. Để vườn cây xanh tốt, trái ngọt, ông chú trọng yếu tố kỹ thuật, đặc biệt là sử dụng phân chuồng hữu cơ để bón cho cây. Nhờ đó, sau thời gian chăm sóc, vườn chôm chôm của ông phát triển tốt, cho năng suất cao. Thời điểm đỉnh cao, trung bình mỗi năm gia đình ông thu hoạch từ 35-40 tấn chôm chôm, giá bán từ 15.000- 20.000 đồng/kg. Năm 2018, ông tiếp tục chuyển đổi 1,5 ha đất còn lại sang trồng 200 gốc sầu riêng Ri6. Nhờ có kinh nghiệm làm nông, cùng với sự chịu khó học hỏi thêm kiến thức nên vườn cây sầu riêng phát triển tốt, đang kỳ vọng những mùa bội thu.

Khi chuyển đổi sản xuất, ông Thơ đa dạng hóa cây trồng bằng việc phát triển các loại cây ăn trái đang được thị trường ưa chuộng. Vốn có thâm niên 20 năm làm nghề hoa kiểng tết, năm 2020 ông Thơ quyết định thuê 7.000m2 đất để trồng những giống hoa phù hợp với khí hậu địa phương và có nhu cầu cao dịp tết như hoa mai, đào, quất, cúc... Sau mỗi vụ thu hoạch hoa kiểng tết, ông Thơ lại tận dụng đất để trồng các loại rau màu. Nhờ việc luân phiên các loại cây trồng, ông Thơ không chỉ bảo đảm nguồn thu nhập ổn định quanh năm cho gia đình mà còn góp phần tạo ra sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Với việc phát triển đa dạng cây trồng, hiện mỗi năm các vườn cây ăn trái, rau màu cho gia đình ông thu nhập gần 1 tỷ đồng.

 Anh Nguyễn Trúc Phương trồng sầu riêng xen canh cây ổi ruột đỏ, mang lại thu nhập khá

Mạnh dạn ứng dụng kỹ thuật mới

Đối với anh Nguyễn Trúc Phương, ngụ ấp 4, xã Trừ Văn Thố, đã lựa chọn trồng sầu riêng xen canh với ổi ruột đỏ để lấy ngắn nuôi dài, tăng thu nhập cho gia đình. Gia đình anh Phương bắt đầu trồng 180 gốc sầu riêng từ năm 2017 trên diện tích đất 1 ha và tận dụng khoảng đất trống trồng xen canh hơn 100 gốc ổi. Anh Phương cho biết đến nay gia đình đã thu hoạch được 2 vụ sầu riêng, mỗi vụ được 7-8 tấn, chủ yếu bán qua kênh thương lái. Gia đình anh còn tăng thu nhập nhờ cây ổi, cho thu hoạch quanh năm. Hiện trung bình mỗi tuần, gia đình anh bán 100-200kg ổi, doanh thu hàng triệu đồng.

Để cây trồng khỏe mạnh và cho năng suất cao, anh Nguyễn Trúc Phương chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, cụ thể là đã đầu tư hệ thống tưới tự động giúp tiết kiệm nước và phân bón; đồng thời bảo đảm cung cấp đủ nước cho cây trồng trong mọi điều kiện thời tiết.

Ông Nguyễn Minh Trung, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Trừ Văn Thố, cho biết trên địa bàn xã ngày càng có nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Nhiều nông dân đã chủ động nắm bắt nhu cầu thị trường, đa dạng hóa các loại cây trồng để hạn chế rủi ro, thiệt hại về kinh tế và tăng thu nhập cho gia đình. Riêng ông Huỳnh Văn Thơ đạt nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền; anh Nguyễn Trúc Phương đạt nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện.

  Ông Vương Đình Thiện, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bàu Bàng, cho rằng việc trồng xen canh giữa cây dài ngày và cây ngắn ngày là một giải pháp để tối ưu hóa sử dụng đất và lấy ngắn nuôi dài, tăng thu nhập. Tuy nhiên, việc trồng xen canh cũng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm chéo sâu bệnh. Để khắc phục vấn đề này, nông dân cần trang bị những kiến thức và kỹ thuật canh tác phù hợp, giải pháp xử lý sâu bệnh hiệu quả bảo đảm cây trồng phát triển khỏe mạnh và đạt năng suất cao.

 TIẾN HẠNH