Tăng sức hấp dẫn bằng các khu công nghiệp chuyên ngành
(BDO) Bình Dương đã có 29 khu công nghiệp (KCN) được thành lập trong tổng số 33 KCN theo quy hoạch, các KCN đều có tỷ lệ lấp đầy cao. Hiện tỉnh đang lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư mới và mở rộng các KCN hiện hữu nhưng hướng tới các chuẩn mực cao hơn để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của nhà đầu tư quốc tế.
Bình Dương đang đẩy nhanh tiến độ triển khai, thành lập mới và mở rộng các khu công nghiệp để khai thác thời cơ, chủ động thu hút đầu tư. Trong ảnh: Khu công nghiệp Bàu Bàng được đầu tư đồng bộ, hiện đại
Phát triển chuyên sâu hơn
Bình Dương đang nghiên cứu tích hợp vào quy hoạch của tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 một số KCN chuyên ngành. Mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, nghiên cứu, lựa chọn một số KCN được quy hoạch, đáp ứng các điều kiện về quy mô diện tích, cơ sở hạ tầng, ngành nghề thu hút đầu tư để phát triển mô hình “nhà xưởng cao tầng trong KCN” phục vụ thu hút các dự án đầu tư ngành sản xuất đồ gỗ nội thất; nghiên cứu tích hợp vào quy hoạch tỉnh một số KCN chuyên ngành sản xuất đồ gỗ nội thất. Sau khi quy hoạch tỉnh Bình Dương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ tổ chức triển khai trong giai đoạn sau năm 2025.
Hiện Tập đoàn Trường Hải (THACO) cũng đang tiến hành khảo sát một số địa điểm tiềm năng để xây dựng KCN cơ khí hỗ trợ trên địa bàn tỉnh, dự kiến quy mô đầu tư khoảng 26.000 tỷ đồng. KCN cơ khí hỗ trợ khi đi vào hoạt động sẽ không chỉ gói gọn trong lĩnh vực công nghiệp ô tô, lĩnh vực chính của THACO, mà còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ khác. KCN cơ khí còn là cánh cửa mở rộng cho các nhà đầu tư, các đối tác, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ để đẩy mạnh hợp tác hỗ trợ lẫn nhau, tạo sự lan tỏa, cùng phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Đỗ Minh Tâm, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cơ khí và Công nghiệp hỗ trợ THACO Industries, cho biết Bình Dương có rất nhiều thế mạnh để xây dựng KCN hỗ trợ, nhất là có bề dày về quá trình phát triển sản xuất, với cộng đồng doanh nghiệp rất lớn; có các lợi thế về hạ tầng, quỹ đất cũng như môi trường đầu tư thuận lợi.
Theo ông Nguyễn Trung Tín, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh, quỹ đất hiện tại của các KCN tại Bình Dương đã đạt tỷ lệ lấp đầy khá cao. Trong giai đoạn tới công tác thu hút đầu tư vào các KCN của tỉnh sẽ có sự chuyển biến chọn lọc hơn theo hướng chuyên biệt, sinh thái, thông minh và sẽ tạo sức hút mới. Các KCN hiện hữu và KCN mới đang có nhiều giải pháp nâng cao sức cạnh tranh, sức thu hút để tận dụng nhu cầu ngày càng tăng của các nhà đầu tư.
Tăng sức hấp dẫn
Chủ trương chuyển hướng phát triển công nghiệp về phía bắc đã và đang phát huy hiệu quả, giúp các địa phương phát triển công nghiệp rất nhanh. Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển TP.Hồ Chí Minh, chỉ trong vài năm tới đây, cả Bàu Bàng, Phú Giáo hay Dầu Tiếng đều sẽ mọc lên những KCN ứng dụng công nghiệp 4.0, thông minh, hiện đại. Đây được cho là nhân tố tạo bộ mặt đô thị khác biệt cho Bình Dương nói chung và phía bắc của tỉnh nói riêng.
Tỉnh cũng đang lập kế hoạch để có lộ trình di dời cho các doanh nghiệp ở ngoài khu, cụm công nghiệp ở phía nam vào các khu, cụm công nghiệp phía bắc. Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương, cũng cho biết sở đang thực hiện công tác phối hợp với các sở, ngành, các địa phương rà soát và bổ sung một số cụm công nghiệp. Đồng thời làm phương án quy hoạch cho giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 một số cụm công nghiệp chuyên ngành để cho các doanh nghiệp ở phía nam thuộc các ngành nghề chuyển vào.
Ông Nguyễn Trung Tín cho biết Bình Dương đặt mục tiêu phát triển các KCN bền vững theo mô hình “3 trong 1” (KCN - khu đô thị - khu dịch vụ) với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Chính vì vậy, Bình Dương đã xây dựng nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào các KCN, đồng thời tích cực hỗ trợ, tháo gỡ, vướng mắc thủ tục pháp lý về đất đai cho nhà đầu tư thứ cấp trong các KCN.
Hiện tỉnh đang tập trung triển khai thành lập KCN khoa học và công nghệ với diện tích 400 ha tại huyện Bàu Bàng và các thủ tục mở rộng các KCN Nam Tân Uyên, Rạch Bắp, Cây Trường; đồng thời nghiên cứu các phương án nâng cấp, chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN hỗ trợ, sinh thái, đổi mới sáng tạo, KCN đô thị - dịch vụ phù hợp với định hướng mới của đô thị Bình Dương.
Sau gần 30 năm phát triển công nghiệp, mặc dù cộng đồng doanh nghiệp tại Bình Dương đã lớn mạnh hơn nhưng chủ yếu còn trong các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động, giá trị gia tăng thấp. Để thích ứng với bối cảnh mới, tỉnh đang xây dựng phát triển các KCN theo hướng chuyên sâu hơn. Trong đó, giải pháp để thu hút nguồn vốn đầu tư ngày càng chất lượng và hiệu quả, Bình Dương đang chuẩn bị thật tốt các điều kiện như hạ tầng, quỹ đất sạch, quy hoạch các KCN, hệ sinh thái, công nghệ, triển khai đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn lao động cho DN đến đầu tư trên địa bàn tỉnh.
NGỌC THANH