Tăng phí, tăng thuế để giảm xe cá nhân ở Hà Nội

Thứ bảy, ngày 14/07/2012

Cùng với tăng phương tiện vận tải công cộng, Hà Nội sẽ có những chính sách hạn chế xe cá nhân như tăng lệ phí đăng ký xe, thuế xăng dầu, chi phí đỗ xe, thu phí lưu thông xe theo khu vực, hạn chế đăng ký mới hàng năm...

Sáng 13-7, HĐND Hà Nội thông qua quy hoạch giao thông vận tải thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Đề án bám sát Quy hoạch chung thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt.

 Hà Nội tăng xe buýt song song với hạn chế xe cá nhân.  Theo đó, Hà Nội tập trung ưu tiên phát triển phương tiện công cộng để đáp ứng 35% nhu cầu vận tải vào năm 2020, khoảng 50% vào năm 2030. Trong khi hiện nay thị phần xe buýt mới chiếm 10% tại đô thị trung tâm. Con số 35-50% có thể do một số tuyến tàu điện như Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Bác Cổ, Nam Thăng Long - Bác Cổ, Giáp Bát - Gia Lâm sẽ hoạt động vào năm 2020.

Trong thời gian này, Hà Nội ưu tiên đầu tư tàu điện ngầm và đường sắt nhẹ để đáp ứng nhu cầu vận tải khối lượng hành khách cao. Bên cạnh đó là hệ thống xe buýt khối lượng lớn BRT, xe buýt chạy trên làn đường riêng tại các trục đường chính nội đô. Hệ thống đèn ưu tiên cho xe buýt được sử dụng tại các nút giao thông. Ngoài ra, thành phố sẽ bố trí các làn đường riêng cho xe 12 chỗ ngồi trở lên trong giờ cao điểm nhằm ưu tiên cho phương tiện chở nhiều người.

Song song với phát triển vận tải công cộng, Hà Nội sẽ áp dụng các chính sách hạn chế sử dụng xe cá nhân như yêu cầu cao hơn đối với người điều khiển phương tiện khi cấp giấy phép lái xe; tăng lệ phí đăng ký xe, thuế xăng dầu, chi phí đỗ xe; thu phí lưu thông xe theo khu vực; tăng lệ phí cầu đường... Tiền thu được sẽ trích theo tỷ lệ để đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông công cộng, người đi bộ và đi xe đạp

Ngoài ra, Hà Nội sẽ hạn chế số lượng xe đăng ký mới mỗi năm nhằm làm chậm sự gia tăng xe cơ giới. Theo ước tính, hiện ôtô cá nhân chỉ chiếm 2,5%, song quy hoạch tới năm 2020 chỉ đạt tới 8%, xe máy và xe đạp chiếm khoảng 55%.

Quy hoạch các tuyến đường mới, các bến xe cũng là định hướng quan trọng của Hà Nội, với mục tiêu tỷ lệ đất giao thông chiếm 18 - 20% đất xây dựng đô thị vào năm 2030. Thành phố sẽ xây dựng 9 đường cao tốc 6 - 8 làn xe song hành với các quốc lộ; mở rộng 9 tuyến quốc lộ hướng tâm hiện nay thành đường 4 - 6 làn xe; xây đường trên cao tại vành đai 2, vành đai 3, một số đường hướng tâm như Tôn Thất Tùng - vành đai 3 và Pháp Vân - vành đai 2.

8 tuyến đường sắt đô thị và các tuyến đường sắt kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh theo quốc lộ 6, quốc lộ 32, quốc lộ 3 và Đại lộ Thăng Long cũng sẽ được triển khai.

Dự kiến, để triển khai quy hoạch, Hà Nội phải có nguồn vốn đầu tư hơn 1 triệu tỷ đồng, trong đó, lớn nhất là vốn cho dự án đường sắt hơn 600.000 tỷ đồng.

Trao đổi với PV, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Nguyễn Quốc Hùng cho biết, nguồn lực được huy động từ nhiều hình thức xã hội hóa, ODA... trong đó có nguồn lực từ đất bởi có sự chênh lệch địa tô khi xây dựng các tuyến đường giao thông.

"Nhà nước sẽ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trước một bước, sau đó sẽ phát triển đô thị. Nhà nước sẽ thu lại chênh lệch địa tô do con đường mang lại. Ví dụ, thành phố đang mở đường Nhật Tân đi Nội Bài và sẽ khai thác quỹ đất hai bên đường thật tốt, dùng nguồn lực đó để bù đắp cho nguồn đã đầu tư", ông Hùng nói.

Với việc hạn chế phương tiện cá nhân, Giám đốc Sở Giao thông Hà Nội cho rằng, trong quy hoạch có lộ trình giảm xe cá nhân song song với phát triển vận tải công cộng. Khi có xe buýt, xe điện nhiều thì người dân sẽ tự bỏ xe cá nhân.

Đến 2030, Hà Nội quy hoạch 8 tuyến đường sắt đô thị là tuyến số 1: Ngọc Hồi - Ga Hà Nội - Như Quỳnh; tuyến số 2: Nội Bài - Nam Thăng Long - Thượng Đình – Hoàng Quốc Việt; tuyến 2A: Cát Linh - Ngã Tư Sở - Hà Đông; tuyến số 3: Trôi - Nhổn - ga Hà Nội - Hoàng Mai; tuyến số 4: Mê Linh - Đông Anh - Sài Đồng - Vĩnh Tuy - Cổ Nhuế - Liên Hà; tuyến số 5: Nam Hồ Tây - Ngọc Khánh - Đại lộ Thăng Long - Vành đai 4; tuyến số 6: Nội Bài - Ngọc Hồi; tuyến số 7: Mê Linh - Dương Nội; tuyến số 8: Sơn Đồng - Dương Xá.

Theo VNE