Tăng năng suất nhờ ứng dụng công nghệ cao
(BDO) Những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (UDCNC) hiện đã trở nên phổ biến và quen thuộc với nông dân xã Thạnh Hội, TX.Tân Uyên. Nhờ vậy, năng suất, chất lượng trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương đã tăng lên đáng kể.
Anh Nguyễn Văn Quí bên mô hình trồng rau trong nhà lưới của gia đình
Xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng tất yếu, những năm qua xã Thạnh Hội đã khuyến khích, tạo điều kiện cho nông dân đầu tư phát triển nông nghiệp UDCNC. Đến nay, xã đã triển khai thực hiện có hiệu quả 2 dự án và 3 mô hình nông nghiệp UDCNC, góp phần nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Xã Thạnh Hội được biết đến với cây chủ lực là bạc hà (hay còn gọi là cây dọc mùng) và bí đậu. Triển khai dự án sản xuất cây bạc hà, cây bí đậu theo hướng VietGAP với kinh phí thực hiện hơn 1,465 tỷ đồng đã thúc đẩy sản xuất phát triển, tăng thu nhập cho người dân. Dự án thu hút 35 hộ tham gia trên diện tích đất canh tác 4ha, sau khi trừ chi phí vật tư còn lãi khoảng 150 -160 triệu đồng/ha.
Chúng tôi đến ấp Thạnh Hòa, men theo lối bờ đê nhỏ vào ruộng nhà chị Mai Thị Phụng để tìm hiểu mô hình sản xuất rau màu theo hướng VietGAP. Khuôn mặt thấm đẫm mồ hôi, chị Phụng cho biết hiện gia đình chị dành 2.000m2 trồng cây bạc hà và 1.000m2 để trồng hẹ. 2 loại cây này không quá khó trong chăm sóc, lại hợp với thổ nhưỡng, phân bón nên quanh năm tươi tốt. Giá của cây bạc hà trung bình 3.000 đồng/kg, thời cao điểm 4.000 đồng/kg; cây hẹ giá ổn định 10.000 đồng/kg. Đầu ra chủ yếu là các thương lái tự tìm đến để thu mua. Chị Phụng và các hộ khác đều cho rằng, việc sản xuất theo hướng VietGAP cho ra năng suất và chất lượng cao.
Tiếp đó, chúng tôi đến với mô hình nông nghiệp công nghệ cao trong nhà lưới kết hợp tưới phun mưa của gia đình anh Nguyễn Văn Quí, ngụ ấp Thạnh Hòa. Với diện tích 1.800m2, gia đình anh Quí trồng 5 loại rau cải xanh, cải ngọt, cải thìa, mùng tơi và rau muống thu nhập trung bình 15 - 20 triệu/tháng. Hệ thống nhà lưới có tác dụng ngăn mưa gió và nắng gắt nên có thể trồng rau quanh năm. Tại thời điểm thuận lợi thu nhập đạt hơn 20 triệu đồng/tháng. Thị trường tiêu thụ là chợ Tân Ba, phường Thái Hòa (TX.Tân Uyên) và chợ Bửu Long (tỉnh Đồng Nai). Mô hình được thực hiện nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TX.Tân Uyên và Hội Nông dân xã Thạnh Hội. Ngoài hộ anh Nguyễn Văn Quí còn có 14 hộ dân tham gia, tổng diện tích 1,5ha. Mô hình này giúp ngăn ngừa được côn trùng phá hoại nên giảm tối đa lượng thuốc trừ sâu, chống ô nhiễm môi trường sinh thái, bảo vệ môi trường đất, nước cho ra sản phẩm rau an toàn góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Có thể nói, thông qua các hộ nông dân điển hình trên đã cho thấy sản xuất nông nghiệp UDCNC đã từng bước khẳng định vai trò và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của xã Thạnh Hội và nhiều địa phương khác, phục vụ đa mục tiêu như giảm nghèo, bảo vệ môi trường, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội. Ông Cao Hoàng Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Hội, cho biết: “Mong muốn của bà con nông dân là chính quyền hỗ trợ, quan tâm hơn về vấn đề đầu ra. Năng suất và chất lượng sản phẩm ngày càng một tăng cao đã được khẳng định, nhưng nếu đầu ra sản phẩm ổn định bà con nông dân sẽ yên tâm sản xuất, mạnh dạn đầu tư các mô hình nông nghiệp UDCNC”.
TIẾN HẠNH