Tăng mức lương tối thiểu vùng từ năm 2016: Người lao động đỡ khó
Vừa qua, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đi đến thống nhất tăng 12,4% cho mức lương tối thiểu vùng áp dụng vào năm 2016. Cụ thể, vùng I: 3.500.000 đồng, tăng 400.000 đồng, vùng II: 3.100.000 đồng, tăng 350.000 đồng, vùng III: 2.700.0000 đồng, tăng 300.000 đồng, vùng IV: 2.400.000 đồng, tăng 250.000 đồng so với năm 2015. Dù mức tăng chưa cao nhưng là một mức tăng đáng kể. Mức tăng trên được cho là sẽ đáp ứng khoảng 88% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
(BDO)
Với mức lương này, người lao động có thể hưởng được niềm vui, nhưng thực tế một khoảng thời gian ngắn sau đó mọi thứ có thể trở lại như cũ. Nhu cầu cuộc sống như gánh nặng về ăn mặc, chỗ ở, giải trí… mà phần đông người lao động đang phải chật vật mới đủ sống. Từ năm 2003 khi chúng ta bắt đầu thực hiện chế độ cải cách tiền lương với quy định mức lương tối thiểu vùng và đến nay mức lương tối thiểu cũng vẫn chưa đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động.
Điều tra của Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, hiện nay mức lương tối thiểu chỉ đáp ứng khoảng 60 - 70% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Vì vậy để có thêm thu nhập nhằm bảo đảm nhu cầu đời sống thì có đến hơn 90% người lao động phải làm thêm giờ và đa số công nhân đều muốn làm thêm, làm tăng ca để có thêm thu nhập nhằm cải thiện đời sống. Và thực tế, nhiều người phải chấp nhận tăng ca, làm việc 10 - 12 giờ/ngày, 7 ngày/tuần, 28 - 30 ngày/ tháng để có thể có thêm thu nhập. Như vậy, còn rất ít thời gian để nghỉ ngơi, giải trí, học tập, chăm sóc gia đình… Cũng vì thu nhập thấp, sự chuyên tâm của người lao động đối với công việc sẽ không bảo đảm, dẫn đến chất lượng và hiệu quả công việc không cao, dễ xảy ra tai nạn lao động, sai sót của sản phẩm…
Các chuyên gia cho biết, nếu tính theo phương án tăng lương tối thiểu vùng như hiện nay thì đến năm 2017 sẽ phải điều chỉnh tăng từ 300.000 - 400.000 đồng/ tháng (từ 11,4 - 13%), năm 2018 từ 330.000 - 390.000 đồng/tháng (từ 9,7 - 12,2%). Như vậy, phải đến năm 2018 thì mức lương tối thiểu mới đạt mức sống tối thiểu cho người lao động.
Điều đó cho thấy dù có điều chỉnh tăng nhưng thực tế mức lương tối thiểu hiện nay còn thấp, chưa bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người lao động, chưa bảo đảm mục tiêu tái sản xuất sức lao động, đó là chưa nói đến việc tích lũy…
NHẬT HUY