Tặng mẹ chiếc áo dài…
(BDO) Những ngày giữa tháng 5 này, chúng tôi có dịp về thăm các mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) ở huyện Phú Giáo, TX.Bến Cát và huyện Dầu Tiếng. Đi để thực hiện lời hứa tặng mẹ chiếc áo dài của nhà thiết kế thời trang nổi tiếng Đỗ Trịnh Hoài Nam trao tặng…
Thăm mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Cớ nay đã 94 tuổi
Trong ngày họp mặt truyền thống Quốc tế Phụ nữ 8-3 năm nay, chương trình tạo dấu ấn độc đáo là màn áo dài với các bộ sưu tập: Non nước, Miền Di sản và Suối nguồn của nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam. Cũng tại buổi gặp mặt này, nhà thiết kế đã hứa tặng mỗi mẹ VNAH tham dự lễ một chiếc áo dài đặc biệt. Thực hiện lời hứa này, nhà thiết kế đã đến tận nhà từng mẹ VNAH để lấy số đo rồi tận tụy cắt may...
Vừa qua, chúng tôi đã cùng đến thăm hỏi, tặng các mẹ những chiếc áo dài đầy nghĩa tình này. Tại ấp Bàu Càm, xã An Long, huyện Phú Giáo, mẹ VNAH Nguyễn Thị Sâm đón chúng tôi với gương mặt tươi vui, phúc hậu. “Nghe nói được tặng áo dài của nhà thiết kế nổi tiếng, mẹ hồi hộp không ngủ được luôn nha!”. Mẹ rất vui khi mặc chiếc áo mới rất vừa vặn. Cô con dâu út của mẹ cho biết mới sáng sớm mẹ đã hỏi đoàn khi nào tới và dặn mọi người chuẩn bị đón tiếp khách thật chu đáo.
Đoàn công tác thăm hỏi và tặng áo dài cho mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Sâm
Khi đến thăm, tặng quà các mẹ VNAH Ung Thị Nừng (ấp Kiến Điền, xã An Điền, TX.Bến Cát); mẹ Nguyễn Thị Đẫm, Trần Thị Cớ (cùng ở thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng), chúng tôi ghi nhận được niềm vui từ các mẹ, bởi là phụ nữ, ai cũng mong có những chiếc áo dài thật đẹp, nền nã để mặc trong những dịp lễ trang trọng.
Mẹ VNAH Ung Thị Nừng năm nay đã 97 tuổi nhưng vẫn còn rất minh mẫn. Những người con, cháu của mẹ cho biết hầu hết các dịp lễ mẹ đều tham dự và rất vui khi được gặp gỡ, chuyện trò cùng mọi người. Bởi đó là dịp mẹ hỏi thăm về người quen, đồng đội cũ rồi bùi ngùi khi biết ai còn, ai mất…
Thăm mẹ Việt Nam anh hùng Ung Thị Nừng
Bà Trương Thanh Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, cho biết: “Uống nước nhớ nguồn” là việc làm được các cấp hội thực hiện thường xuyên. Hội coi việc chăm lo cho mẹ VNAH, gia đình chính sách là vinh dự, là việc cần thiết để tri ân sự hy sinh cao cả của những thế hệ đi trước. Các chương trình tri ân còn nhằm giáo dục truyền thống lịch sử, bồi dưỡng, tiếp nối và phát huy truyền thống yêu nước của phụ nữ Việt Nam, vai trò của phụ nữ trong gia đình, cộng đồng và xã hội. Hội sẽ tiếp tục chăm lo cho các mẹ VNAH, nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang, thực hiện các chương trình nghĩa tình biên giới hải đảo…
Từ những việc làm tuy nhỏ nhưng thật sự ý nghĩa này, chúng tôi thấy thật vui và ấm áp khi còn có dịp chăm lo, chuyện trò ân cần cùng các mẹ VNAH. “Thường xuyên đến nhà thăm hỏi, được mẹ coi mình như những đứa con thân yêu trong nhà là niềm vui và vinh dự của chúng tôi”, các chị là cán bộ phụ nữ ở cơ sở đã tâm sự như thế khi nói về việc nhận chăm lo, phụng dưỡng mẹ VNAH, gia đình có công…
QUỲNH NHƯ