Tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động

Thứ bảy, ngày 05/01/2019

Ngày 1-1-2019, Nghị định 157 của Chính phủ về quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động (NLĐ) làm việc theo hợp đồng lao động được áp dụng. Nghe thông tin được tăng lương, NLĐ trong tỉnh rất phấn khởi. Về phía doanh nghiệp (DN) do đã chuẩn bị từ trước nên không gặp nhiều khó khăn khi điều chỉnh mức lương cho NLĐ.

(BDO)

 NLĐ yên tâm lao động sản xuất khi được DN tăng lương theo đúng quy định của Nghị định 157

 NLĐ vui mừng

Theo Nghị định 157 của Chính phủ, mức lương tối thiểu của NLĐ tại các DN ở Bình Dương nằm ở vùng I, với mức lương tối thiểu được điều chỉnh tăng từ 3.980.000 đồng lên 4.180.000 đồng/người/tháng (tăng 200.000 đồng/người/ tháng). Nghị định cũng quy định, mức tiền lương thấp nhất trả cho NLĐ đã qua học nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng. Việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vào thời điểm này để làm cơ sở cho DN và NLĐ chủ động hơn trong việc thương lượng với nhau về mức lương cụ thể.

Mức lương tăng thêm không nhiều nhưng cũng một phần nào giúp NLĐ có thêm khoản thu nhập trang trải cuộc sống gia đình. Chính vì vậy, ngay từ khi Nghị định 157 được ban hành, NLĐ đã háo hức chờ đợi DN áp dụng. Và điều đó thể hiện rõ khi gặp các bạn công nhân, họ rất vui mừng vì có thêm thu nhập để trang trải cho cuộc sống. Chị Nghiệp Thị Hằng, công nhân Công ty TNHH Phát Triển (TP. Thủ Dầu Một), tâm sự: “Cuộc sống NLĐ xa quê đến với Bình Dương lập nghiệp như chị vẫn còn khó khăn. Với việc tăng lương vào dịp này, công nhân lao động rất mừng”.

DN đã sẵn sàng

Theo như đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), các DN đã nắm bắt được các quy định của Nghị định 157; đồng thời việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng đã thực hiện nhiều năm nên các DN đã nắm rõ. Hiện nay, DN đã sẵn sàng chi trả mức lương tối thiểu tăng thêm cho NLĐ vào ngày 10-1 đến 12-1 theo quy định ngày được nhận lương. Chị Trần Thị Hà Bình, Giám đốc Nhân sự Công ty TNHH May mặc Bowker Việt Nam (TX.Thuận An), cho biết đối với lộ trình tăng lương tối thiểu mà Nhà nước ban hành DN đã nắm rõ. Khi có hướng dẫn chính thức của Hội đồng tiền lương, DN cũng dựa vào đó để thực hiện. Ban Giám đốc đã tiến hành họp với chủ tịch công đoàn cùng với giám đốc sản xuất để xây dựng thang bảng lương. Ở Công ty Bowker luôn cố gắng xây dựng mức lương phù hợp với thị trường. Hiện nay, công ty đang mở rộng sản xuất nên việc tăng lương là cách để giữ chân NLĐ. Ngoài ra, công ty còn chi phụ cấp, hỗ trợ cho NLĐ.

Thực tế cho thấy, để bình ổn được lao động, đòi hỏi các DN phải xây dựng cho mình chính sách chăm lo cho NLĐ một cách phù hợp, thỏa đáng và tiêu chí đặt ra ở đây là việc điều chỉnh mức lương tối thiểu, xây dựng thang bảng lương cho NLĐ, ngoài việc căn cứ vào mức quy định chuẩn của nghị định, còn phải dựa trên sự bàn bạc, thỏa hiệp giữa chủ DN và NLĐ để đi đến sự thống nhất chung. Đây cũng chính là những yếu tố hết sức quan trọng mà cộng đồng các DN cần quan tâm hiện nay. Bà Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch Công đoàn KCN VSIP, nói ngoài việc triển khai đến công đoàn cơ sở về việc tăng lương tối thiểu vùng cho NLĐ, Công đoàn VSIP còn khuyến khích DN chi trả mức lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng, từ đó mới giữ chân được NLĐ. Khi điều kiện sống ổn định NLĐ sẽ đóng góp sức lực, trí tuệ để đưa DN ngày càng phát triển.

 “Sở LĐ-TB&XH sẽ tích cực kiểm tra, giám sát các DN thực hiện theo Nghị định 157. Đối với các DN mức lương tối thiểu hiện nay đang chi trả cho NLĐ không cao hơn mức lương tối thiểu vùng nhưng không điều chỉnh sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra xử phạt. Theo đó, trường hợp người sử dụng lao động trả lương cho NLĐ thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định sẽ bị phạt tiền theo mức độ vi phạm từ 30 đến 75 triệu đồng. Ngoài ra, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt thêm hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động từ 1 đến 3 tháng”.

(Ông PHẠM VĂN TUYÊN, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội)

 THIÊN LÝ