Tăng lương tối thiểu năm 2022: Liệu có còn lỗi hẹn sau 2 năm chờ đợi?
(BDO)
(Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)
Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, mặc dù Chính phủ không quy định các doanh nghiệp phải điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2022 nhưng một số doanh nghiệp tại Đồng Nai đã có điều chỉnh cho người lao động tại doanh nghiệp mình. Điều này tạo tâm lý so sánh giữa những người lao động, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tranh chấp, đình công.
Chỉ trong 20 ngày đầu năm 2022, tại Đồng Nai đã diễn ra 11 vụ tranh chấp lao động tập thể dẫn đến đình công với sự tham gia của hơn 15.000 lao động, nguyên nhân chủ yếu từ việc thưởng Tết cho thấy vấn đề tiền lương, tiền thưởng đang ngày càng ảnh hưởng đến quan hệ lao động trong đại dịch. Do đó, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu chung trong năm 2022 đang là vấn đề được đông đảo người lao động trông ngóng.
Đã 2 năm lỗi hẹn
Trước năm 2020, tiền lương tối thiểu của công nhân thường được tăng mỗi năm từ 5-7%. Thế nhưng trong hai năm 2020, 2021 do ảnh hưởng của COVID-19 nên lương tối thiểu vùng 2021 đã không tăng và được thực hiện theo mức lương công bố tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP.
Hiện tại, mức lương tối thiểu vùng vẫn đang được áp dụng như sau: Vùng 1 là 4.420.000 đồng/tháng; vùng 2 là 3.920.000 đồng/tháng; vùng 3 là 3.430.000 đồng/tháng; vùng 4 là 3.070.000 đồng/tháng.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho biết hai năm qua, chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên việc đàm phán, thương lượng tiền lương tối thiểu đã không được thực hiện.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, hiện nay việc thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” thì hầu hết các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động bình thường. Mặt khác, bên cạnh các doanh nghiệp khó khăn thì cũng có một bộ phận doanh nghiệp phát triển tốt, có doanh nghiệp đột phá về doanh thu, lợi nhuận do cung cấp sản phẩm, dịch vụ trong bối cảnh dịch bệnh.
“Người lao động đã qua 2 năm chưa được tăng lương tối thiểu, đời sống khó khăn càng thêm chồng chất những khó khăn. Do đó, yêu cầu về tăng lương tối thiểu càng trở nên cấp thiết và không thể lỗi hẹn với sự mong chờ của người lao động,” ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.
Các chuyên gia cho rằng nếu năm 2022 tiếp tục không thực hiện tăng lương tối thiểu vùng thì sẽ không đáp ứng được kỳ vọng của người lao động khi đã phải trải qua hai năm khó khăn. Mặt khác, việc 3 năm liên tiếp không điều chỉnh tăng lương sẽ tạo áp lực không nhỏ lên việc điều chỉnh lương tối thiểu vào năm 2023.
Tìm phương án phù hợp
Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng việc tăng lương tối thiểu vùng còn tùy thuộc vào tình hình kiểm soát dịch COVID-19, sự tăng trưởng của nền kinh tế, mức sống tối thiểu…
“Hiện nay, Chính phủ đang nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi nền kinh tế bằng những chính sách tài khoá, tín dụng... Nếu tình hình kiểm soát dịch tốt, phục hồi kinh tế thì cũng nên xem xét việc tăng lương tối thiểu vùng. Tuy nhiên nếu dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, doanh nghiệp vẫn còn quá khó khăn, chưa phục hồi ngay được thì việc tăng lương tối thiểu vùng cần có sự xem xét thấu đáo,” ông Huân nói.
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Chính sách-Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho biết hiện nay chưa có quyết định nào về tiền lương tối thiểu năm 2022 có điều chỉnh hay không.
Theo ông Quảng, nếu năm 2022 không tăng lương thối thiểu thì đời sống của người lao động sẽ còn tiếp tục khó khăn. Mặt khác, nếu chờ đến năm 2023 tăng lương tối thiểu thì sẽ phải tính toán làm sao bù đắp được cho người lao động phần của 3 năm không tăng lương tối thiểu, nhưng nếu mức tăng nhiều quá thì cũng dễ gây “sốc” cho việc chi trả của doanh nghiệp.
Ông Quảng lấy ví dụ, mức tăng của năm 2018 là 6,5% so với năm 2017; năm 2019 tăng 5,3% so với năm 2018. Nếu năm 2023 tăng ở mức 10% so với mức hiện nay thì có thể sẽ tạo một cú “sốc,” nhưng nếu tăng thấp quá thì không bù đắp được khó khăn của người lao động.
“Làm chính sách, nhất là chính sách tiền lương, phải có độ tăng phù hợp với khả năng của doanh nghiệp; nếu sốc quá thì gây bất ổn cho quan hệ lao động. Đây là bài toán khó cần giải pháp phù hợp," ông Quảng chia sẻ.
Cùng với sự khôi phục sản xuất kinh doanh và sự hồi phục của nền kinh tế trong điều kiện thích ứng linh hoạt, người lao đông cũng đang kỳ vọng sẽ có sự điều chỉnh tăng tiền lương tối thiểu trong năm 2022 sau hai năm chờ đợi trong khó khăn./.
Theo TTXVN